Đây là phiên họp dài với nhiều nội dung quan trọng để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội. Dự kiến chương trình phiên họp kéo dài 7,5 ngày làm việc (từ 14-26/4).
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về các nội dung quan trong trong đó phần lớn để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 23/5 tới.
CHO Ý KIẾN 5 DỰ ÁN LUẬT
Về công tác lập pháp, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về 5 dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 3; báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; cho ý kiến về việc ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Các dự án luật dự kiến trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 3 tới bao gồm dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thời gian vừa qua mặc dù là giai đoạn chuyển giao nhiệm kỳ và đầu nhiều kỳ nhưng công tác lập pháp triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có nhiều cải tiến, đổi mới, thiết thực, hiệu quả. Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành nhiều sự quan tâm cho công tác xây dựng thể chế. Công tác phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan, tổ chức hữu quan ngày càng chặt chẽ kịp thời và hiệu quả hơn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc kỹ lưỡng các dự án luật, nghị quyết dự kiến đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
"Cần đảm bảo tính khả thi cao nhất sát hợp với yêu cầu thực tiễn, đồng thời tăng cường kỷ luật kỷ cương với công tác xây dựng pháp luật, kiên trì khắc phục những hạn chế yếu kém bất cập như điều chỉnh nhiều lần Chương trình hay chậm gửi hồ sơ đến các cơ quan của Quốc hội. Một mặt tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện thể chế một mặt thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Dẫn chứng dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là hết sức cấn thiết, cấp bách nhưng cũng phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hai lần mới đủ điều kiện để đưa vào Chương trình, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội hết sức coi trọng công tác này, không chỉ “đánh trống ghi tên” đưa tên dự án Luật vào Chương trình mà ngay từ đầu xem xét chính sách kỹ lưỡng.
Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng, chưa đủ điều kiện, chưa chín thì để lại không đưa vào Chương trình; đồng thời lưu ý về trách nhiệm của các cơ quan đề xuất, thẩm tra nội dung đưa vào chương trình nhưng sau đó không thực hiện được.
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch Quốc hội cho biết việc ban hành Nghị quyết này của Quốc hội nhằm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 09 ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Khánh Hòa. Nhấn mạnh vị trí quan trọng của Khánh Hòa về kinh tế - xã hội, vai trò vùng và gắn kết nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ để thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị giao.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là nội dung cho ý kiến 2 trong 1, vừa cho ý kiến về việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, vừa cho ý kiến về các nội dung chính sách cụ thể, trong đó có những chính sách đã được thí điểm thực hiện ở các địa phương khác cũng có những chính sách đặc thù đối với Khánh Hòa, trên cơ sở hồ sơ, tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét quyết định trình Quốc hội.
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 42 VỀ XỬ LÝ NỢ XẤU
Về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự tham gia của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Sau khi được ban hành, Nghị quyết đã mang lại chuyển biến tích cực trong xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý ngân hàng yếu kém. Trên cơ sở tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thảo luận kỹ lưỡng, tập trung cho ý kiến đánh giá ý nghĩa, vai trò của Nghị quyết; kết quả thực hiện thời gian qua nhất là kết quả xử lý nợ xấu, tổng số nợ xấu được xử lý, làm rõ thêm nợ xấu phát sinh mới, xem xét trách nhiệm các cơ quan trong thực hiện Nghị quyết. Từ đó xem xét các đề xuất kiến nghị có kéo dài hay không và kéo dài bao lâu, thủ tục xem xét quyết định.
Liên quan đến nội dung cho ý kiến về việc ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là nội dung được các chủ thể chịu sự tác động rất quan tâm từ người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước.
"Đây là nội dung chưa có luật, có tính chất quan trọng, nhạy cảm, tác động đến quyền công dân. Do đó cần cân nhắc kỹ lưỡng, hết sức trách nhiệm; thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát các yêu cầu, căn cứ khoa học thực tiễn, bảo đảm chỉ trình khi đủ chín, đủ rõ các vấn đề", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
XEM XÉT NHIỀU BÁO CÁO
Về hoạt động giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho biết tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023.
Với tinh thần đổi mới quyết tâm nâng cao chất lượng hiệu quả giám sát của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, khách quan, khoa học bám sát thực tiễn để cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát. Nhất là kiến nghị, đề xuất cả về hoàn thiện thể chế và tổ chức thực thi để tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn trong công tác quy hoạch hiện nay.
Bên cạnh đó, tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 (trong đó có báo cáo kết quả xử lý nợ hằng năm theo Nghị quyết số 94/2019/QH14); báo cáo tài chính nhà nước năm 2020; kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Đây là các báo cáo thường niên, báo cáo định kỳ với Quốc hội theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân tích, làm rõ các vấn đề để bảo đảm chất lượng nội dung trình Quốc hội, phản ánh đánh giá đúng tình hình, cung cấp đầy đủ thông tin và có đủ căn cứ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, có căn cứ trong nhận định đánh giá tình hình quản lý sử dụng tài chính, tài sản công.
Ngoài ra, để tiếp tục nâng cao hiệu quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, tiếp công dân, xử lý đơn thư, tiếp nhận giải quyết kiến nghị cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 03/2022.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội và việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Theo thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định số lượng thành viên của Uỷ ban Kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Nhấn mạnh khối lượng công việc tại phiên họp thứ 10 là rất nhiều, thời gian chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội không còn nhiều, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cao nhất, tốt nhất cho các nội dung bảo đảm chất lượng trình Quốc hội.
Sau phát biểu khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.