Chiều 10/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc làm việc với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, một số bộ, ngành về phương án bổ sung vốn điều lệ cho VEC; thời gian hoàn trả tiền gốc, lãi trái phiếu của VEC được Chính phủ bảo lãnh.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện VEC cho biết khoản tiền 5.334,36 tỷ đồng trái phiếu Bộ Tài chính ứng trả thay cho VEC (phát hành cho 2 dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và Nội Bài-Lào Cai), đến nay, VEC đã trả tiền gốc là 2.567,81/5.334,36 tỷ đồng, số dư nợ còn lại 2.766,55 tỷ đồng và lãi phát sinh khoảng 5.500 tỷ đồng.
VEC đã nhiều lần làm việc với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để báo cáo nhưng đến nay Bộ Tài chính vẫn yêu cầu VEC trả nợ gốc và lãi theo hợp đồng tín dụng đã ký. Trường hợp thực hiện theo ý kiến của Bộ Tài chính, tổng số tiền VEC phải trả cho Bộ Tài chính giai đoạn 2024-2030 là 9.488 tỷ đồng.
"Giả sử vốn điều lệ được lên 40 nghìn tỷ đồng, VEC có thể huy động (theo quy định) không quá 3 lần, tức được 120 nghìn tỷ đồng. Lúc đó không phải chỉ mở rộng tuyến Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành, mà còn mở rộng nhiều tuyến khác theo chỉ đạo của Chính phủ", đại diện VEC nói.
Đại diện VEC cho biết thêm theo chỉ đạo của Chính phủ, doanh nghiệp đã phải thu xếp 9.400 tỷ đồng để hoàn thiện dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành. Nếu không cho khoanh và lùi thời hạn trả nợ, phải trả cả lãi và gốc thì dòng tiền của VEC sẽ bị âm, phá vỡ phương án tài chính, không có tiền trả nợ ODA, chưa nói đến đầu tư dự án mở rộng đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành (thuộc dự án đường bộ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây).
Do đó, phương án tăng vốn điều lệ sẽ rất tốt cho Tổng công ty. Bởi với mô hình đặc thù của VEC, nếu được tăng vốn điều lệ sẽ khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Sau khi nghe đại diện các bộ, ngành cho ý kiến, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ, việc gia hạn số tiền 5.499 tỷ đồng để đầu tư vào dự án mở rộng đoạn Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành là vượt khỏi khả năng của Chính phủ. Quỹ tích lũy trả nợ ứng ra để trả cho VEC đang còn thấp, muốn cho gia hạn phải xin Quốc hội. Phó Thủ tướng đề nghị VEC phải tất toán khoản này.
Để xác định lại một cách chính xác tiền gốc và lãi, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thẩm định lại đề xuất trả nợ của VEC.
Về nâng vốn điều lệ, Phó Thủ tướng cho biết, có 5 công trình được cấp phát vốn, trong đó 4 công trình đã được Thủ tướng quyết định cấp phát (năm 2022 Quốc hội ra nghị quyết chuyển từ vốn vay ODA sang vốn cấp phát 24.127 tỷ đồng), nhưng việc chuyển từ cấp phát sang đầu tư vốn điều lệ lại chưa có quy định.
Phân tích về số tiền 38.251 tỷ đồng mà Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho VEC đến hết năm 2026, theo Phó Thủ tướng, nguyên tắc chi ngân sách phải có dự toán, số tiền này vượt quá tổng mức đầu tư 30.000 tỷ đồng theo quy định của Luật Đầu tư công và hiện cũng không có quy định về chuyển tiền cấp phát sang tiền vốn điều lệ, vì những lý do này, việc bổ sung vốn cho VEC phải trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới.
Cho biết Thủ tướng quyết định cho VEC làm dự án mở rộng đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành với tổng mức đầu tư trên 16.000 tỷ đồng, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc gợi hướng, VEC nên đề nghị vay lại nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành.
Như vậy, thay vì xin gia hạn thì VEC lấy nguồn này để giải quyết khoản vay trước đây, Chính phủ sẽ trình với Quốc hội cho vay lại, không phải áp dụng quy định của Luật Quản lý nợ công, sẽ rất thuận lợi.
Phó Thủ tướng giao VEC lập lại hồ sơ, đề xuất tiếp tục trả nợ, nâng vốn điều lệ, cho vay nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành để đầu tư vào dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành. Ủy ban Quản lý vốn có trách nhiệm thẩm định và trình Chính phủ. Bộ Tài chính và các bộ, ngành phải tham gia ý kiến đúng quy định, sau khi Chính phủ họp, Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ trình Quốc hội. Việc này phải hoàn thành trong tháng 12/2024.