Ngân hàng Chính sách xã hội vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Báo cáo tại hội nghị, đại diện ngân hàng chính sách cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ngân hàng đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai kịp thời cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương cho người lao động khi ngừng việc và sau khi phục hồi sản xuất.
Từ khi triển khai thực hiện đến nay, 63 chi nhánh tỉnh, thành phố đã thực hiện giải ngân cho 1.483 người sử dụng lao động với số tiền 3.753 tỷ đồng để trả lương cho 964.562 lượt người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn cả nước theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Cũng theo vị đại diện ngân hàng, mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Theo Nghị quyết, Ngân hàng Chính sách xã hội được giao triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trong 2 năm (2022 - 2023).
Do đó, nhằm triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội đang phối hợp với các Bộ ngành, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thiết lập, duy trì và hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý đặc thù, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu tập trung nguồn lực xã hội, tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, thực hiện xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách thông qua việc ủy thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách cho 04 tổ chức chính trị - xã hội.
Hiện nay, hoạt động ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội đang được triển khai thực hiện tốt thông qua 10.429 điểm giao dịch xã, với gần 170 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo an toàn, hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp với các Bộ, ngành để tổ chức triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc ban hành chính sách đã khó, việc tổ chức triển khai thực hiện còn khó hơn, đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương phải phối hợp nhịp nhàng; đề nghị các Bộ, ngành địa phương tiếp tục hỗ trợ để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Ngân hàng Chính sách xã hội cần phân bổ nguồn vốn hài hòa giữa các địa phương, đảm bảo đến đúng địa chỉ, công khai, minh bạch; quyết tâm không để xảy ra sai sót, vi phạm.
Riêng về triển khai Nghị quyết 11, Ngân hàng Chính sách xã hội được giao giải ngân tổng số tiền 38.400 tỷ đồng, Phó Thủ tướng yêu cầu ngân hàng phải phối hợp với các Bộ, ngành trình cấp có thẩm quyền sớm hoàn thiện các chính sách, tổ chức triển khai các chương trình nhanh, hiệu quả, vì nền kinh tế đất nước đang bị tổn thương, không để lâu, gây bất lợi cho người lao động, bất lợi cho đất nước.