Hôm nay (22/10), Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ ba, thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội năm 2010 và kế hoạch 2011.
Cùng tổ thảo luận với Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, có đại biểu cho rằng, vấn đề Vinashin có câu chuyện cơ chế "cha chung không ai khóc". Liệu có doanh nghiệp ngoài quốc doanh nào đã dám bỏ nghìn tỷ đồng ra để mua tàu cũ, rồi tiền "hoa hồng" quay trở lại tập đoàn hay chui vào túi cá nhân? Dư luận không hiểu, đại biểu Quốc hội không thông.
Trong giờ giải lao, trả lời báo chí, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, đồng thời cũng là Trưởng ban Chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), khẳng định chậm nhất là đầu tháng 11 này, sẽ là một "Vinashin mới".
Thưa Phó thủ tướng, đến thời điểm này vấn đề tái cơ cấu Vinashin có gì mới hơn so với những thông tin đã được công bố?
Bây giờ việc thứ nhất là mình đàm phán nợ để rồi cái nợ đó chậm lại, có thể giảm đi và mình xử lý những nơi làm ăn không hiệu quả, thu lại tiền, từng bước đẩy mạnh sản xuất.
Kết quả, một là lao động yên tâm, tư tưởng yên tâm, thay được lãnh đạo, và từ lãnh đạo cấp cao sẽ thay lãnh đạo dưới nữa, tạo ra cách làm ăn, cách quản trị mới, các đơn hàng không bị hủy, trở lại hoạt động.
Những cái đắp chiếu bây giờ cũng hoạt động trở lại, ví dụ hiện nay lại tiếp tục đóng tàu. Trong thời gian vừa rồi giao được mấy con tàu rồi. Thứ hai là cũng đóng được một số thiết bị phụ trợ.
Về tái cơ cấu thì đã chuyển giao những con tàu cho Vinalines - chuyên ngành về vận tải biển - để hoàn thiện, bắt đầu đưa vào sản xuất. Có nghĩa là những ngành chính của tập đoàn bắt đầu hoạt động. Nhờ đó, một là công nhân đào tạo có chuẩn quốc tế về đóng tàu không bị mất đi, hai là có công ăn việc làm thì người ta phấn khởi.
Bước đầu như vậy. Tới đây sẽ làm bước hai, sẽ nhanh thôi, trong tháng này, chậm lắm là đầu tháng 11, mình sẽ ra một Vinashin mới. Mục tiêu cuối cùng đặt ra là tạo ra một ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam, nhưng mà Vinashin này làm vai trò chủ lực, không phải làm tất cả.
Xin Phó thủ tướng cho biết rõ hơn về “Vinashin mới” này?
Tức là với công nghiệp đóng tàu, nước ngoài vẫn có thể làm, tư nhân có thể làm, nhưng anh Vinashin này phải tạo ra chủ lực để đóng những con tàu lớn, sửa chữa con tàu lớn, có thể tham gia vào công nghiệp tàu thủy của quốc phòng.
Ngoài ra, sẽ cơ cấu lại nợ, những khoản nợ sẽ dãn ra, lùi lại, và thậm chí đàm phán có thể giảm xuống, nhưng rồi cũng phải trả, nhưng lấy đâu mà trả?. Một là phải làm ăn ra để trả, đóng được tàu thì bán được tàu, có tiền trả nợ. Hai là phải cơ cấu lại, bán bớt đi, nhượng bớt đi, cổ phần bớt đi lấy tiền mà trả. Ba là sau khi mình thực hiện cơ cấu lại nợ, mình có thể thực hiện những biện pháp tài chính chuyển nợ cũ thành nợ mới, nợ mới có thể dài hơn, dài hơn thì nó sẽ đủ sức trả.
Làm được như vậy thì có thể những thiệt hại cũng sẽ có, nhưng hạn chế tối đa. Phương châm của mình cái gì mà có hiệu quả, cái gì làm lợi cho được thì làm cho lợi ra, cái gì bị thua lỗ thì có cái mình phải chịu, có những cái mình phải cho phá sản. Những doanh nghiệp con, hơn 200 doanh nghiệp thì có thể cho nó phá sản, rồi bán.
Đấy là cách đi của chúng ta. Vì mục tiêu lâu dài là chúng ta không thể bỏ công nghiệp đóng tàu được. Với tương lai thì kinh tế biển lại càng quan trọng. Mà biển đi đầu là hàng hải, chứ đâu phải khai thác tài nguyên là chính. Dầu khí là khai thác tài nguyên, khai thác thì cũng hết. Biển Đông thì rộng, đại dương càng rộng, mình phải có mặt trên đại dương.
Hiện nay nhu cầu vận tải thế giới sau khủng hoảng sẽ hồi phục trở lại, dần dần kinh tế hồi phục, thì mình lấy lại vị trí này...
Trong quá trình tái cơ cấu Vinashin, khó khăn nào được coi là "nặng nề" nhất, thưa Phó thủ tướng?
Quá trình tái cơ cấu như vừa nói đang từng bước đi theo kế hoạch.
Về khó khăn thì mất cân đối của nó rất nghiêm trọng nên phải giải quyết cùng một lúc các việc: thứ nhất phải ổn định sản xuất, thứ hai thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý, thứ ba là nợ nần có cái đến hạn phải tính, phải đàm phán với chủ nợ không đơn giản. Các yếu tố này phải giải quyết một cách đồng thời, rồi chỉnh đốn lại đội ngũ, sửa đổi lại quản trị, thay đổi mô hình hoạt động của nó.
Rồi cũng phải rút kinh nghiệm những vấn đề quản lý Nhà nước, thanh tra thế nào, kiểm tra thế nào, giám sát thế nào, quản lý chủ sở hữu thế nào. Nếu phân cấp quá rộng thì phải sửa lại.
Cho nên mới ra một quyết định mới, cơ cấu lại, đi theo đó là một bản điều lệ mới, bản quy chế tài chính mới. Cái khó chính là phải làm một cách đồng bộ, cùng một lúc, làm khẩn trương.
Thưa Phó thủ tướng, báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này đã chỉ ra căn bệnh trầm kha của Vinashin là "nói dối". Vậy đến nay đã có thể nắm được toàn bộ căn bệnh của Vinashin chưa?
Bây giờ ban chỉ đạo có từng tổ, tổ cơ cấu tài chính, tổ cơ cấu sản xuất đầu tư, tổ chuyên giám sát, đặt cả người ở dưới, mình thay đổi lại người cho nên mình nắm chắc hơn. Mình nắm chắc sổ sách và tình hình hiện có của nó, nhưng nếu áp vào thị trường để xem có phải vậy không, thì mình còn phải tiếp tục kiểm toán, đánh giá...
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate