Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, trong năm 2022, chúng ta đã đạt được những kết quả tốt đẹp trong năm 2022 với việc đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu được Quốc hội giao.
Trong đó, Bộ, ngành Tư pháp đã có những đóng góp hết sức quan trọng về xây dựng thể chế - một trong ba đột phá chiến lược. Trên tinh thần đó, từ góc độ của Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh thêm một số kết quả nổi bật.
TÌNH TRẠNG NỢ ĐỌNG VĂN BẢN CÓ TIẾN BỘ NHƯNG VẪN CÒN
Bộ, ngành Tư pháp đã tham gia rà soát 27.830 văn bản quy phạm pháp luật, tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, vướng mắc, từ đó kiến nghị xử lý (sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới) đối với 5.729 văn bản.
Kết quả này đóng góp vào việc thực hiện một loạt chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, mà khi làm chúng ta thấy còn có vướng mắc, quy định chồng chéo, thậm chí khác biệt thì Bộ Tư pháp đã rà soát, kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi các quy định chồng chéo.
Bộ Tư pháp cũng đóng góp vào cải cách hành chính, là Bộ đứng đầu về cải cách hành chính, cắt giảm đơn giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ Tư pháp cũng đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua 12 Luật, 06 Nghị quyết; tham mưu xây dựng Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua nhiều dự án luật quan trọng.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, năm 2021-2022, Bộ Tư pháp cùng Bộ Nội vụ xây dựng, thẩm định các Nghị định quy định cơ cấu tổ chức, bộ máy của các bộ, ngành theo hướng đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo tại các Nghị quyết của Trung ương, đóng góp các ý kiến thẩm định khách quan, cần thiết, quan trọng để Chính phủ ban hành hầu hết các Nghị định này, bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu của Trung ương, chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Liên quan đến việc kiện toàn tổ chức, bộ máy của Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng Thường trực nhắc lại, Chính phủ đã thông qua Nghị định số 98/2022/NĐ-CP (ngày 29/11/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp), trong đó Bộ Tư pháp đã thực hiện đúng yêu cầu về nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tinh gọn bộ máy dù công việc của ngành rất nhiều.
Công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật tiếp tục được quan tâm, chú trọng thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã phát huy vai trò cơ quan đại diện pháp lý Chính phủ trong các tranh chấp đầu tư quốc tế, bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc; công tác hợp tác quốc tế về pháp luật tư pháp ngày càng hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế nhất định của công tác tư pháp như: chất lượng pháp luật trong một số lĩnh vực còn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu; có lĩnh vực chưa có luật điều chỉnh, nhất là những vấn đề mới như cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, công nghệ số; công tác tổ chức thi hành pháp luật chưa có giải pháp thực sự đột phá, nhất là trong việc đảm bảo tính răn đe nên hiệu quả chưa cao; tình trạng “nợ đọng” vẫn còn; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có việc còn hình thức, nội dung chưa thật phù hợp với đối tượng, địa bàn.
Cơ bản nhất trí với các phương hướng, giải pháp, nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp được nêu tại Báo cáo, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đề nghị Bộ, ngành Tư pháp tập trung chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các nhiệm vụ đã được xác định cụ thể tại Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tham mưu thực hiện thực chất, hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, pháp luật về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật; xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát, giám sát giữa các cơ quan trong thi hành pháp luật.
Các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Nhân Hội nghị có sự tham dự của đại diện các Bộ, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị, cần kiên quyết tránh tình trạng nợ đọng văn bản. Trong tất cả các phiên họp của Chính phủ đều yêu cầu các bộ, ngành không được nợ đọng văn bản, bởi “tình trạng nợ đọng có tiến bộ hơn, nhưng vẫn còn, vẫn phải thúc giục các bộ, ngành”.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp; tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật trong lĩnh vực này; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đảm bảo phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân. Chú trọng kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
TIẾP TỤC THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THU HỒI TÀI SẢN
Triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính được Quốc hội giao; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện cơ chế để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất. Đây là lĩnh vực hết sức mới, quan trọng, Bộ Tư pháp tiếp tục được Chính phủ giao là cơ quan đại diện pháp lý trong giải quyết các tranh chấp quốc tế. Chúng ta có nhiều Hiệp định bảo hộ đầu tư, quá trình đầu tư của chúng ta có những đầu tư từ rất sớm, rất lâu, theo những luật từng giai đoạn và luật về những lĩnh vực liên quan có nhiều thay đổi, nhưng các nhà đầu tư sẽ bám vào những luật giai đoạn đầu tiên, nên các vụ kiện nếu có xảy ra sẽ rất phức tạp.
Vì vậy, Bộ Tư pháp cần tham mưu cho Chính phủ và xây dựng được đội ngũ có thể tham gia được các vụ kiện, đảm bảo bảo vệ được lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Chú trọng kiện toàn tổ chức, bộ máy của Bộ, ngành Tư pháp, các tổ chức pháp chế, các cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 98/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.
Đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành Tư pháp để làm tốt các nhiệm vụ được giao, tiếp tục nghiên cứu, kiện toàn, đổi mới về tổ chức, bộ máy, biên chế người làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế, thi hành án dân sự đề nghị Quốc hội, UBTV Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các Bộ, ngành trong việc triển khai có hiệu quả các đề xuất, kiến nghị tại Hội nghị.