December 19, 2022 | 15:00 GMT+7

Thi hành án trong các vụ án hình sự kinh tế, tham nhũng đạt gần 16.000 tỷ đồng

Như Nguyệt -

Sáng 19/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2023. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Bộ Tư pháp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Bộ Tư pháp.

Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn đồng chủ trì với sự tham gia của Vụ trưởng Vụ 11 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Kim Sáu; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; Cục trưởng, Chánh Văn phòng các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

Báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi cho biết, trong năm 2022, công tác thi hành án dân sự vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là những hậu quả khá nặng nề do đại dịch Covid -19.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống, công tác thi hành án dân sự về cơ bản đã đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, kết quả thi hành xong về tiền đã đạt trên 75.035 tỷ đồng (đạt 45,54%), tăng 14,5% so với năm 2021, trong đó, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng là trên 15.989 tỷ đồng, tăng trên 11.895 tỷ đồng so với năm 2021.

Thể chế về thi hành án dân sự tiếp tục được hoàn thiện, kịp thời triển khai thực hiện, góp phần giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, nâng cao hiệu quả thi hành án tín dụng ngân hàng và thu hồi tài sản cho nhà nước trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Công tác chỉ đạo, điều hành tiếp tục được đổi mới, hướng về cơ sở; công tác theo dõi thi hành án hành chính của hệ thống thi hành án dân sự đã đi vào nền nếp, thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm theo quy định; đội ngũ công chức các cơ quan thi hành án dân sự không ngừng được củng cố, kiện toàn.

Công tác quán triệt, chỉ đạo, giáo dục chính trị, tư tưởng đối với đội ngũ công chức, Chấp hành viên được các cấp đặc biệt chú trọng. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và phòng ngừa vi phạm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thi hành án dân sự được tăng cường, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt; sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao kết quả thi hành án dân sự; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của hệ thống thi hành án dân sự từng bước được tăng cường. 
Trong năm 2023, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước; tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành hiệu quả các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính;

Tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 và Nghị quyết số 16/2021/QH15;

Xây dựng, ban hành, triển khai, kiểm tra việc thực hiện Chương trình, Kế hoạch công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính năm 2023;

Xây dựng, kiện toàn đội ngũ Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án dân sự có phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm; triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả dịch vụ tư pháp công trực tuyến thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate