Sáng 27/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Sử dụng, khai thác tài nguyên ở một số địa phương còn thất thoát
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, trong bối cảnh phải đối mặt với sức nóng của vấn đề đất đai, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên, năm vừa qua, ngành Tài nguyên và Môi trường vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trước hết, ngành đã tập trung nguồn lực xây dựng các dự án luật, chủ động triển khai giải quyết những vấn đề liên quan chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là triển khai nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Công tác quản lý tài nguyên, đất đai dần đi vào nề nếp, cơ cấu sử dụng đất chuyển dịch phù hợp, hiệu quả, thu ngân sách từ đất tăng lên. Tính đến ngày 25/12/2019, nguồn thu từ đất đạt trên 172,65 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 11% trong tổng thu ngân sách nội địa.
Một điểm đáng chú ý nữa là trong năm 2019, ngành khai khoáng đã tăng trưởng trở lại và đóng góp 0,2 điểm cho tăng trưởng chung. Tính từ ngày 1/1/2014 đến nay, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được phê duyệt là 50.909 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2019 là 2.381 tỷ đồng. Số tiền đã thu là 24.513 tỷ đồng, trong đó năm 2019 là 4.780 tỷ đồng.
Bộ cũng tập trung triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. "Là nước có đường bờ biển rộng và kéo dài, chúng ta phải coi phát triển kinh tế biển là một động lực chính trong phát triển kinh tế đất nước", Phó Thủ tướng lưu ý.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn cho rằng, ngành vẫn còn tồn tại cần phải khắc phục. Trong đó, phải kể đến việc quản lý, sử dụng khai thác các nguồn tài nguyên ở một số địa phương còn lãng phí, thất thoát, thậm chí có nơi còn rất nghiêm trọng, nhất là vấn đề đất đai.
"Tình trạng khiếu nại về đất đai vẫn còn rất bức xúc, tuy có giảm nhưng chủ yếu là các vụ việc tồn đọng phức tạp, kéo dài, hồ sơ không đầy đủ", Phó Thủ tướng nêu.
Ngoài ra, công tác bảo vệ tài nguyên nước cũng chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Vẫn còn tư tưởng coi nước là nguồn tài nguyên dư dật mà không cần bảo vệ, trong khi chúng ta đang đứng trước thách thức rất lớn về nguy cơ cạn kiệt các nguồn tài nguyên trong đó có nước...
Tập trung sửa đổi vướng mắc trong vấn đề đất đai
Với những thách thức đang đặt ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm tới thực hiện ngay một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trước hết là Bộ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường, đặc biệt là Luật Đất đai. Trong đó, tập trung sửa đổi một số điểm vướng mắc, gây cản trở cho quá trình phát triển, cũng như gây thất thoát các nguồn tài nguyên, để có thể báo cáo Quốc hội vào kỳ họp đầu tiên trong năm 2020.
Trong việc sửa Luật Đất đai, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải xác định rõ giá trị của đất, vì đây là vấn đề đang vướng mắc rất lớn.
"Phải làm rõ việc đấu giá, đấu thầu đất như thế nào cho phù hợp. Hiện nay, muốn đấu giá đất nhiều dự án thì yêu cầu phải có đất sạch, trong khi chúng ta không có nguồn lực để giải phóng mặt bằng dẫn đến không thể đấu giá được. Thực tế là trong những năm vừa qua hầu hết địa phương đều không thực hiện đấu giá đất", Phó Thủ tướng cho biết.
Do đó, với lần sửa đổi luật này, Phó Thủ tướng yêu cầu phải đưa ra cách đấu giá, đấu thầu đất cụ thể, làm sao để dù chưa giải phóng mặt bằng nhưng vẫn có thể đấu thầu được.
Một lưu ý quan trọng khác nữa cũng được Phó Thủ tướng lưu ý là, Luật Đất đai sửa đổi sắp tới cũng phải xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư cụ thể hơn nữa, phải nêu rõ dự án, khu vực nào cần được ưu đãi, hỗ trợ. Việc này trước đây chúng ta đã làm, song sắp tới cần phải đẩy mạnh hơn nữa.
Với vấn đề môi trường đang được người dân rất quan tâm hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng, năm tới Bộ cần tập trung để sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, phải đưa môi trường cùng kinh tế và xã hội là 3 trụ cột trong phát triển. Vấn đề đặt ra là phải hành động quyết liệt hơn nữa trong các giải pháp bảo vệ ô nhiễm môi trường, không chỉ ở các đô thị, khu công nghiệp mà cả ở vùng nông thôn.
Phó Thủ tướng cho rằng, việc cần làm trước mắt là phải rà soát lại tất cả các quy trình, quy chế ứng phó với sự cố môi trường để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện nhằm đảm bảo khắc phục nhanh, hiệu quả khi có sự cố.
"Vừa rồi có một số sự cố môi trường xảy ra, tôi không phủ nhận dù chúng ta đã đạt được kết quả, nhưng nói chung việc giải quyết sự cố vẫn còn chậm, bị động và lúng túng", Phó Thủ tướng cho biết.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý thêm là cần phải thiết lập cơ chế sàng lọc các dự án, mà việc này phải bắt đầu ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi thực hiện, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ giai đoạn đưa vào khai thác sử dụng để đảm bảo vấn đề môi trường.
Cùng với đó là bảo vệ các khu vực nhạy cảm về ô nhiễm môi trường, thực hiện di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải có nguy cơ ô nhiễm cao…
Cuối cùng, Phó Thủ tướng lưu ý thêm rằng, Bộ cũng cần nâng cao hiệu quả phối hợp với các địa phương để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến đất đai, tài nguyên môi trường.