January 07, 2025 | 18:00 GMT+7

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới cần có những giải pháp đột phá

Vũ Khuê -

Năm 2025 cần được đặt ở một vị trí đặc biệt hơn, cách tiếp cận và xây dựng kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2025 cũng cần được nhìn nhận theo hướng không chỉ bảo đảm để tăng trưởng cao riêng cho năm 2025 mà phải tạo được nền tảng quan trọng để tăng trưởng cao, bền vững trong 5 - 10 năm tiếp theo…

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: "Năm 2024, chúng ta đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, nổi bật". Ảnh: Việt Dũng.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: "Năm 2024, chúng ta đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, nổi bật". Ảnh: Việt Dũng.

Đánh giá bức tranh kinh tế năm 2024, tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam năm 2025: "Cải cách - Kiến tạo kỷ nguyên tăng trưởng và thịnh vượng: Giải pháp đột phá đạt mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới" diễn ra vào ngày 7/1/2025 do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp tổ chức, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhận định năm 2024 là một năm nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, khó khăn, thách thức nhiều hơn là thời cơ, thuận lợi, nhất là tình hình thế giới.

LÀM RÕ NHỮNG ĐỘNG LỰC TẠO NÊN KẾT QUẢ NĂM 2024

Tính phức tạp của tình hình thế giới không chỉ bởi những vấn đề an ninh, chính trị tiếp tục căng thẳng như xung đột leo thang ở Ukraine hay ở Trung Đông; cạnh tranh chiến lược tiếp tục gay gắt trên diện rộng; hơn 60 cuộc bầu cử tại các quốc gia/tổ chức lớn đã diễn ra... mà còn ở ngay những vấn đề kinh tế.

Như một số chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy khiến giá cả nhiều loại hàng hóa thiết yếu biến động mạnh, đặc biệt là sự đứt gãy trong chuỗi vận tải - logistics khiến giá cước vận tải tăng cao trong thời gian kéo dài. Nhiều tuyến hàng hải quan trọng như kênh đào Panama, kênh đào Suez và Biển Đỏ bị tắc nghẽn; đình công ở 36 cảng biển dọc bờ Đông và Vịnh Mexico của Hoa Kỳ gây định trệ và tác động lớn tới chuỗi cung ứng nhiều loại hàng hóa của thế giới...

Giá cước vận chuyển container từ châu Á sang Mỹ và châu Âu nhiều thời điểm đã tăng gấp 2-3 lần so với năm trước, gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp xuất khẩu. Cùng với đó, thương mại và đầu tư toàn cầu sụt giảm; kinh tế phục hồi chậm và thiếu vững chắc; tỷ giá, lãi suất biến động phức tạp... 

Mặc dù vậy, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh năm 2024, lần đầu tiên sau nhiều năm (kể từ năm 2016), chúng ta đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, nổi bật.

Điển hình như: Tăng trưởng GDP cả năm đạt trên 7%, tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng của khu vực và thế giới; quy mô nền kinh tế đạt khoảng 470 tỷ USD; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tốc độ tăng năng suất lao động ước đạt 5,7%, vượt mục tiêu đề ra.

Kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; tổng thu ngân sách nhà nước vượt trên 19% dự toán, góp phần bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển; thu hút FDI đạt khoảng 40 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới...

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Việt Dũng.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Việt Dũng.

“Đây là những kết quả rất quan trọng để chúng ta tiếp tục phát huy cho năm 2025”, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định. Song ông đề nghị các đại biểu tham gia Diễn đàn tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ thêm một số khía cạnh cụ thể.

Thứ nhất, đâu là những động lực tạo nên kết quả nổi bật của năm 2024 khi mà khó khăn, thách thức được nhìn nhận còn nhiều hơn cả thời cơ, thuận lợi? Đâu là những nguyên nhân khiến thu ngân sách nhà nước tăng cao và vượt dự toán?

Thứ hai, đâu là những điểm nghẽn chủ yếu vẫn đang cản trở phát triển của nền kinh tế Việt Nam? Nguyên nhân của những điểm nghẽn này là gì? Bên cạnh những vấn đề chung, những vấn đề mang tính nguyên tắc, cần đi vào phân tích, chỉ rõ cụ thể từng lĩnh vực, từng vấn đề, từng nội dung cần tháo gỡ.

Thứ ba, những bài học lớn có thể rút ra từ năm 2024 là gì để tiếp tục phát huy, nhân rộng những bài học tốt và rút kinh nghiệm từ những bài học chưa thành công. Chẳng hạn như bài học về việc thực hiện thành công dự án đường truyền tải điện 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) với thời gian chỉ sau hơn 6 tháng thi công hay việc hoàn thành mục tiêu 693 km cao tốc mới trong năm, nâng tổng chiều dài cao tốc cả nước lên hơn 2.021 km.

“Những thành công này không chỉ thể hiện quyết tâm của Trung ương mà còn khơi dậy động lực và sự đồng lòng từ địa phương, doanh nghiệp và người dân. Sự thành công này cũng thể hiện bài học về: Tư duy táo bạo, tự tin, quyết đoán; dám đặt mục tiêu cao; và kiên trì, nỗ lực thực hiện bằng được mục tiêu đã đề ra”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

CẦN CÓ CÁC GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ NĂM 2025

Theo lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, năm 2025 là năm có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong tiến trình đổi mới và phát triển của đất nước. Năm 2025 là năm cuối thực hiện và về đích các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là năm diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, chuẩn bị bắt đầu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Năm 2025 cũng là năm được xác định đóng vai trò tăng tốc, bứt phá, tạo đà vững chắc cho nền kinh tế đi vào giai đoạn tăng trưởng cao và duy trì bền vững trong 5-10 năm tiếp theo. Chính phủ hiện đang đặt ra mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8% và phấn đấu tăng trưởng 2 con số.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới cần có những giải pháp đột phá - Ảnh 1

Theo dự báo, bối cảnh thế giới năm 2025 tiếp tục sẽ có những biến động và biến đổi sâu sắc. Một số thách thức mang tính cấu trúc lâu dài khác đối với kinh tế toàn cầu cũng phức tạp hơn.

Trong bối cảnh đó và với yêu cầu được đặt ra ở mức cao, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng năm 2025 cần được đặt ở một vị trí đặc biệt hơn. Cách tiếp cận và xây dựng kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2025 cũng cần được nhìn nhận theo hướng không chỉ bảo đảm để tăng trưởng cao riêng cho năm 2025 mà phải tạo được nền tảng quan trọng để tăng trưởng cao, bền vững trong 5-10 năm tiếp theo.

Trên tinh thần đó, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương đặt vấn đề diễn đàn cần bàn các giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, yêu cầu trước tiên, trên hết là phải tiếp tục bảo đảm vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế.

Câu hỏi đặt ra là cần lưu ý thực hiện những giải pháp chính sách gì để bảo đảm và củng cố nền tảng này trong năm 2025 nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất cao và phụ thuộc nhiều vào thương mại và đầu tư quốc tế?

Thứ hai, cần có các giải pháp đột phá và cụ thể nào để tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng?. Đặc biệt là thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, khu vực đang tạo việc làm cho khoảng 85% lực lượng lao động, đóng góp khoảng 46% GDP, khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước...; để đầu tư tư nhân kết nối được với đầu tư công và đầu tư FDI, qua đó tạo ra sự cộng hưởng trong đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng?

Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đầu tư công? Thúc đẩy xuất khẩu phải gắn liền với kiểm soát nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu, nâng cao tỷ lệ đóng góp vào GDP? Hay làm thế nào để nâng cao được sức mua, kích thích thị trường nội địa, tiêu dùng trong nước, từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo động lực cho tăng trưởng.

Xét trên giác độ tổng cung, cần có các giải pháp cụ thể nào để thúc đẩy sự phát triển của ngành kinh tế, nhất là các ngành công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao; các cực, trung tâm tăng trưởng, nhất là các địa phương như Hà Nội, TP. HCM hay các vùng động lực như vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ?

Thứ ba, cần có các giải pháp cụ thể nào để tháo gỡ nhanh và triệt để những điểm nghẽn đang tồn tại, đặc biệt là những điểm nghẽn về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong đó, điểm nghẽn về thể chế đang được coi là điểm nghẽn của điểm nghẽn nhằm làm mới, huy động và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực truyền thống như nguồn nhân lực, nguồn vật lực, nhất là nguồn lực đất đai, nguồn tài nguyên và nguồn tài lực.

“Điều này rất quan trọng, bởi với GDP/người khoảng trên 4.000 USD, chúng ta đang ở trong giai đoạn phát triển chủ yếu dựa trên hiệu quả các nguồn lực”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

Thứ tư, cần có các giải pháp đột phá và cụ thể nào, nhất là các giải pháp về thể chế và chính sách để kiến tạo phát triển, nhất là để phát huy được ở mức cao nhất các nguồn lực mới cho tăng trưởng như nguồn lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nguồn lực văn hóa, lịch sử, truyền thống; nguồn lực thương hiệu của quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam...?

Thứ năm, cần các giải pháp cụ thể nào để đảm bảo sự phát triển bền vững về xã hội và môi trường trong điều kiện tăng trưởng cao? Tăng trưởng cao đã khó nhưng đảm bảo được sự phát triển bền vững trong điều kiện tăng trưởng cao còn khó hơn nhiều. Đây thực sự là vấn đề rất khó, rất phức tạp, nhưng đây cũng là sự khác biệt và là bản sắc phát triển riêng có của Việt Nam.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate