Thị trường tài chính Mỹ có thể sắp bước vào quãng thời gian 4 năm không mấy dễ chịu, sau khi Tổng thống đắc cử Joe Biden ngày 18/1 đề cử hai nhân vật có lập trường cứng rắn với Phố Wall vào vị trí lãnh đạo hai cơ quan giám sát tài chính hàng đầu.
Hãng Reuters đưa tin, theo kế hoạch được ê-kíp của ông Biden xác nhận, ông Gary Gensler sẽ giữ vai trò Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC), trong khi ông Rohit Chopra - một thành ủy của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) - sẽ là người đứng đầu Cục Bảo vệ tài chính tiêu dùng (CFPB). Những người thuộc phái cấp tiến xem SEC và CFPB là hai cơ quan giữ vai trò then chốt trong việc thúc đẩy các ưu tiên chính sách về chống biến đổi khí hậu và công lý xã hội.
Những nhân vật Cộng hòa thân thiện với Phố Wall đã nhanh chóng chỉ trích ông Biden khuynh tả, đồng thời chỉ trích rằng hai lựa chọn nói trên sẽ gây chia rẽ.
"Nhóm của ông Biden đang dùng đến những nhân vật thuộc phái cực tả", ông Patrick McHenry, nhân vật cấp cao nhất của Đảng Cộng hòa trong ủy ban tài chính thuộc Hạ viện, nói về ông Chopra. Ông McHenry cũng không quên cảnh báo rằng ông Gensler nên "chống lại sức ép đòi trưng dụng cơ chế công bố thông tin chứng khoán cho việc giải quyết những vấn đề phi kinh tế hay các vấn đề xã hội".
Là người đứng đầu cơ quan giám sát các sản phẩm phái sinh trong thời gian từ 2009-2014, ông Gensler đã thực thi các quy định mới về giao dịch hợp đồng hoán đổi (swaps) mà Quốc hội Mỹ phê chuẩn sau khủng hoảng tài chính. Ông có tiếng là một nhà giám sát cứng rắn, sẵn sàng đứng lên để chống lại những lợi ích hùng mạnh ở Phố Wall.
Về phần mình, ông Chopra đã góp phần lập nên CFPB sau khủng hoảng tài chính và trở thành vị thanh tra đầu tiên phụ trách lĩnh vực cho sinh viên vay học tập của cơ quan này. Khi làm việc ở FTC, ông vận động đưa ra các quy chế giám sat ngặt nghèo hơn đối với các công ty công nghệ lớn về các vấn đề như bảo mật người dùng và cạnh tranh, cũng như chế tài xử phạt ngặt nghèo hơn đối với những công ty vi phạm.
Trước đây, lãnh đạo các công ty tài chính ở Phố Wall vẫn hy vọng Đảng Cộng hòa giữ được quyền kiểm soát Thượng viện, và tương quan quyền lực trong Quốc hội Mỹ sẽ buộc ông Biden phải lựa chọn những nhân vật ôn hòa hơn. Tuy nhiên, chiến thắng của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử phụ ở Georgia vào đầu tháng nay đã đưa phe Dân chủ nắm cả lưỡng viện Quốc hội sau ông Biden và Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1.
Chiến thắng của Đảng Dân chủ cũng đồng nghĩa với việc nghị sỹ Sherrod Brown, một nhân vật đi đầu về chống Phố Wall, sẽ đứng đầu Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện. Ông Brown đã từng tuyên bố muốn xóa bỏ những quy định thân thiện với Phố Wall đưa ra dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Ngày 18/1, ông Brown ca ngợi ông Chopra là một lựa chọn "quyết đoán" và bày tỏ tin tưởng ông Chopra sẽ đảm bảo CFPB "đóng một vai trò đi đầu trong việc chống lại bất bình đẳng sắc tộc trong hệ thống tài chính của chúng ta", còn ông Gensler sẽ "bắt những kẻ xấu phải chịu trách nhiệm" và đặt "những gia đình lao động lên trên hết".
Theo dự báo của giới quan sát, ông Gensler sẽ theo đuổi những quy chế mới yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin về những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu, chi tiêu chính trị, thành phần lực lượng lao động và các đối xử của công ty; đồng thời hoàn tất các biện pháp về hạn chế lương thưởng của giới lãnh đạo tài chính…
Ông Chopra thì được cho là sẽ rà soát lại các quy định về cho vay ngắn hạn và thu nợ - những quy định mà các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng hiện nay cho là không bảo vệ người dân Mỹ. Các tổ chức này cũng hy vọng ông Chopra sẽ chấm dứt tình trạng cho vay với lãi suất "cắt cổ" và những phương thức thu hồi nợ mạnh tay, giải quyết gánh nặng nợ nần của sinh viên vay tiền đi học, và cải thiện quyền tiếp cận vốn tín dụng cho các nhóm thiểu số.
"CFPB có một công việc cực kỳ quan trọng để làm, bao gồm ngăn chặn những hành vi bóc lột trong lĩnh vực tài chính", bà Lisa Donner, Giám đốc tổ chức nghiên cứu Americans for Financial Reform, phát biểu. "Cơ quan này cũng có một vai trò cấp bách trong việc giúp đỡ các gia đình vượt qua và hồi phục sau cuộc khủng hoảng kinh tế mà đại dịch gây ra".
Trước tiên, ông Biden sẽ phải sa thải bà Kathy Kraninger, Giám đốc hiện tại của CFPB, và đây là thẩm quyền mà ông Biden có nhờ một phán quyết hồi năm ngoái của Tòa án Tối cao Mỹ quy định Tổng thống có quyền sa thải hoặc giữ nguyên Giám đốc CFPB.
Tuy nhiên, ông Richard Hunt, Giám đốc Hiệp hội ngân hàng tiêu dùng (CBA), phản đối ý tưởng ông Biden nên sử dụng ngay thẩm quyền này.
"CBA không tin việc mỗi chính quyền mới lại có một giám đốc CFPB có thể mang lại lợi ích tốt nhất cho người tiêu dùng. Sự thay đổi như vậy sẽ cản trở sáng tạo và gây thiếu nhất quán trong các quy chế giám sát", ông Hunt nói trong một tuyên bố.