January 14, 2021 | 08:36 GMT+7

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Di sản ông Trump để lại cho ông Biden

kiều oanh

Thoạt nhìn, có vẻ như ông Trump đã để lại cho người kế nhiệm một vị thế "tay trên" trong đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Với nhiều nhận định cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không thể "thắng" Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại song phương, chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ phải nỗ lực rất nhiều mới có thể giành ưu thế trước Bắc Kinh. Tuy nhiên, với di sản từ ông Trump, ông Biden có điều kiện tốt hơn để làm được điều này.

Thoạt nhìn, có vẻ như ông Trump đã để lại cho người kế nhiệm một vị thế "tay trên" trong đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Mặc dù thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà hai bên ký kết vào tháng 1/2020, thuế quan giữa hai nước vẫn ở mức cao. Tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn một phân tích của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE) cho biết, thuế quan bình quân của Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc đã tăng lên mức 19,3% hiện nay, từ mức 3,1% vào tháng 1/2018  -  thời điểm trước khi căng thẳng thương mại giữa hai nước leo thang mạnh. Mức thuế này chỉ giảm nhẹ so với mức 21% trước khi thỏa thuận giai đoạn 1 được ký. Cùng với đó, thuế quan bình quân của Trung Quốc áp lên hàng hóa Mỹ cũng tăng lên mức 20,3%, từ mức 8% trước thương chiến.

Ngoài ra, Trung Quốc chưa hề thực hiện đúng các cam kết tăng mua nhiều hàng hóa Mỹ như đã nêu trong thỏa thuận. Chẳng hạn, đến tháng 11/2020, Trung Quốc mới chỉ mua khoảng 2/3 lượng nông sản Mỹ so với mức cam kết cho cả năm, theo PIIE.

Về lý thuyết, thực tế này sẽ tạo cho ông Biden một vị thế đàm phán thuận lợi. Bản thân vị Tổng thống đắc cử đã tuyên bố sẽ không sớm dỡ thuế quan mà chính quyền ông Trump đã áp lên hàng hóa Trung Quốc - thuế quan được cho là gây thiệt hại đối với Trung Quốc nhiều hơn so với Mỹ vì nền kinh tế Trung Quốc có độ phụ thuộc cao hơn vào xuất khẩu.

Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc hiện nay đang tăng trưởng khả quan hơn nhiều so với Mỹ nhờ nước này kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và nhu cầu toàn cầu tăng mạnh đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc như khẩu trang và máy chơi game - những sản phẩm bán chạy trong đại dịch. Thậm chí, thặng dư thương mại tháng 11/2020 của Trung Quốc lập kỷ lục mới ở mức 75 tỷ USD.

ÔNG TRUMP ĐÃ THUA?

Hãng tin Bloomberg đã đưa ra một số bằng chứng để kết luận rằng ông Trump đã thua trong thương chiến Mỹ-Trung.

Trước hết, ông Trump không thực hiện được cam kết đảo ngược  thâm hụt thương mại Mỹ-Trung như đã hứa khi tranh cử vào năm 2016. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vẫn tăng kể từ khi ông bắt đầu cầm quyền, lên mức 287 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm ngoái - theo dữ liệu của Trung Quốc. Ngoài ra, xuất khẩu của Trung Quốc tăng trong suốt 4 năm cầm quyền của ông Trump, đảo ngược xu thế giảm trong hai năm 2015 và 2016.

Thứ hai, ông Trump nói thuế quan sẽ khuyến khích các công ty Mỹ chuyển sản xuất từ Trung Quốc về nước, nhưng đến nay không có nhiều bằng chứng cho thấy nhận định này đã trở thành sự thật. Vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Mỹ vào Trung Quốc tăng nhẹ từ mức 12,9 tỷ USD vào năm 2016 lên mức 13,3 tỷ USD vào năm 2019, theo dữ liệu của Rhodium Group.

Thứ ba, ông Trump nói thuế quan giúp kinh tế Mỹ mạnh  lên và khiến kinh tế Trung Quốc có "năm tồi tệ nhất trong hơn 50 năm" vào 2019. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Yang Zhou của Đại học Minnesota, thuế quan gây thiệt hại tương đối nhỏ đối với cả kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng hơn 6% mỗi năm trong năm 2018 và 2019, với thuế quan gây tổn thất khoảng 0,3% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Đối với Mỹ, thuế quan gây thiệt hại khoảng 0,08% GDP trong cùng khoảng thời gian.

Thứ tư, ông Trump luôn cho rằng Trung Quốc phải trả thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hóa nước này. Nhưng theo một báo cáo của Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER), thuế quan dẫn tới khoản mất mát thu nhập 16,8 tỷ USD đối với người tiêu dùng Mỹ trong năm 2018.

Thứ năm, ông Trump hứa thương chiến Mỹ-Trung sẽ mang lại việc làm cho công nhân ngành sản xuất của Mỹ, nhưng thực tế là số lượng việc làm trong ngành sản xuất Mỹ không thay đổi trong năm 2019. Thậm chí, một số vùng sản xuất thép trọng điểm của Mỹ, lĩnh vực được ông Trump hậu thuẫn bằng cách áp thuế lên thép nhập khẩu, còn bị mất việc làm.

ÔNG BIDEN CÓ THỂ LÀM GÌ?

Một số chuyên gia cho rằng cách tốt nhất để Washington tăng sức ép lên Bắc Kinh trong đàm phán thương mại là tập hợp những đồng minh như Nhật Bản và châu Âu thành một mặt trận thống nhất. Ông Biden đã hứa làm việc này, nhưng không ai dám chắc những đồng minh này sẵn sàng làm gì và có thể làm gì cùng với Mỹ. Chẳng hạn, Liên minh châu Âu (EU) không có được thẩm quyền điều hành lớn như ông Trump trong việc thiết lập thuế quan. Thỏa thuận đầu tư mà Trung Quốc và EU mới đạt được mới đây cũng là một lý do để tin rằng châu Âu sẽ không về phe với Mỹ để đối đầu với Bắc Kinh.

Chưa kể, ông Biden cũng có thể vướng vào một sai lầm tương tự như ông Trump là có quá nhiều mục tiêu. Chính quyền ông Trump dường như như loay hoay giữa hai hướng đi: một là giải quyết thâm hụt thương mại Mỹ-Trung, vấn đề có thể xử lý thông qua cam kết Trung Quốc tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ; và hai là tập trung vào các hành vi thương mại của Trung Quốc mà Washington cho là không bình đẳng, như ép buộc chuyển giao công nghệ hay thực thi không nghiêm chỉnh các quy định về sở hữu trí tuệ.

Ngoài hai mục tiêu trên, chính quyền ông Trump cũng có tham vọng thay đổi căn bản vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế Trung Quốc - một yêu cầu quá cao và xung đột với việc Mỹ đòi Bắc Kinh yêu cầu các công ty Trung Quốc phải tăng mua hàng hóa Mỹ.

Nhưng theo tờ WSJ, dù chưa đạt hầu hết các mục tiêu đề ra, thương chiến Mỹ-Trung cũng để lại một di sản có lợi cho chính quyền ông Biden. Ông Trump đã chứng minh được rằng Mỹ có thể cứng rắn với Trung Quốc mà không dẫn tới những hậu quả lớn về mặt kinh tế.

Trung Quốc đã không đáp trả Mỹ bằng cách bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ như nhiều người từng lo sợ. Thay vào đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trước khi hồi phục thời gian gần đây. Chuỗi cung ứng tuy có xáo trộn nhưng những xáo trộn đó vẫn trong tầm kiểm soát. Thiệt hại đối với nông dân Mỹ đã được bù đắp một phần bởi các gói hỗ trợ của Chính phủ.

"Xét cho cùng, thương chiến Mỹ-Trung không đặt dấu chấm hết cho thế giới",  WSJ nhận định. "Thay vào đó, với "điều cấm kỵ" về thuế quan được phá vỡ, các Tổng thống Mỹ về sau sẽ có dư địa rộng rãi hơn để đàm phán với Bắc Kinh. Điều này không đảm bảo Mỹ sẽ thắng trong thương chiến, nhưng giúp cơ hội thắng của Mỹ được cải thiện".

Tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn một phân tích của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE) cho biết, thuế quan bình quân của Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc đã tăng lên mức 19,3% hiện nay, từ mức 3,1% vào tháng 1/2018  -  thời điểm trước khi căng thẳng thương mại giữa hai nước leo thang mạnh. Mức thuế này chỉ giảm nhẹ so với mức 21% trước khi thỏa thuận giai đoạn 1 được ký. Cùng với đó, thuế quan bình quân của Trung Quốc áp lên hàng hóa Mỹ cũng tăng lên mức 20,3%, từ mức 8% trước thương chiến.

Báo Wall Street Journal (WSJ):

"Xét cho cùng, thương chiến Mỹ-Trung không đặt dấu chấm hết cho thế giới. Thay vào đó, với "điều cấm kỵ" về thuế quan được phá vỡ, các Tổng thống Mỹ về sau sẽ có dư địa rộng rãi hơn để đàm phán với Bắc Kinh. Điều này không đảm bảo Mỹ sẽ thắng trong thương chiến, nhưng giúp cơ hội thắng của Mỹ được cải thiện"

"".

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate