Những ngày qua, tỉnh Tuyên Quang đã phải chịu đựng những thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Mực nước dâng cao khiến nhiều khu vực trong tỉnh bị ngập từ 2 - 3m. Thậm chí một số nơi còn bị ngập toàn bộ nhà dân. Sáng 12/9, mực nước sông Lô đã rút xuống.
Tính tới trưa 12/9, khu vực TP. Tuyên Quang ghi nhận tình trạng nước lũ bắt đầu rút, chỉ còn lại một số khu vực ven sông Lô vẫn đang ngập úng. Các tuyến trên địa bàn TP. Tuyên Quang cơ bản thông thoáng.
Tuy nhiên, điện và nước vẫn chưa được cấp lại, do đó việc dọn dẹp sau lũ của người dân tiến hành rất khó khăn. Để có nước dọn dẹp nhà cửa, nhiều người dân phải di chuyển nhiều lần ra sông Lô để múc nước. Sau khi nước rút, hình ảnh bùn đất, rác rưởi và đồ đạc bị lạc trôi tràn lan khắp nơi. Trong bối cảnh đó, công tác dọn dẹp khẩn trương được tiến hành để giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Theo đó, một số người dân chia sẻ kinh nghiệm: sau lũ thường thiếu điện, thiếu nước nên việc dọn dẹp rất vất vả. Nếu để bùn đất bám thành tảng trong nhà thì việc dọn dẹp càng khó khăn hơn. Thời điểm nước rút là lúc dọn nhà dễ dàng nhất. Sau khi mực nước rút đến ngang bắp chân, người dân dùng chổi cọ, chổi cước liên tục khuấy nước để bùn không đọng lại trong nhà, đặc biệt là ở các ngóc, ngách nhỏ hẹp.
“Cứ theo con nước mà khuấy, dọn góc nào sạch luôn góc đó. Tận dụng nước lũ, chúng tôi lau sạch bùn bẩn bám ở cửa nhà, tủ bếp, cầu thang,... sau đó dùng chổi cước liên tục khuấy để bùn non tan ra, rút dần theo dòng nước lũ. Nước rút đến đâu bùn được đẩy ra đến đó. Đến khi nước rút khỏi nhà, chúng tôi xối nước rửa lại một lần nữa là sàn nhà sạch. Việc dọn dẹp ngoài sân và đường cái cũng làm theo cách tương tự,” chị Thủy (TP. Tuyên Quang) nói.
Hiện tại, nước lũ ở nhiều nơi vẫn đang ở mức cao. Đã có nhiều thuyền, xuồng máy được huy động để đưa người dân ra khỏi vùng ngập lụt. Sở LĐ-TB&XH Tuyên Quang sẵn sàng tiếp nhận mọi ủng hộ về lương thực, nhu yếu phẩm... đến với người dân.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo lực lượng các địa phương trong toàn tỉnh bám sát các địa bàn xung yếu, triển khai kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, ven suối có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đá. Đồng thời, chủ động di dời người và tài sản đến nơi an toàn; tuyệt đối không để người dân không có chỗ ở, thiếu đói khi phải di dời đến nơi an toàn.