Trà Vinh dù có nhiều tiềm năng, lợi thế về biển để phát triển, nhưng nay vẫn còn là một tỉnh nghèo. Tính đến hết năm 2021, rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều, toàn tỉnh còn 10.207 hộ nghèo, chiếm 3,56% so với tổng số hộ dân cư toàn tỉnh và 17.215 hộ cận nghèo, chiếm 6% tổng số hộ dân cư của tỉnh.
Trà Vinh là tỉnh có tỷ lệ người dân tộc Khmer khá cao, chiếm gần 32% dân số của tỉnh và số hộ người Khmer nghèo chiếm tới 7,19% so với tổng số hộ dân tộc Khmer.
NGHÈO KINH TẾ NHƯNG GIÀU VĂN HÓA
Với những con số thống kê như vậy, có thể thấy người dân nơi đây vẫn đang cùng chính quyền thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, nhằm ổn định, nâng cao cuộc sống cho người dân.
Ngoài những chính sách mà tỉnh thực hiện như hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, vay vốn xây nhà, phát triển sản xuất… cho người nghèo, yếu thế thì chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện theo tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TƯ về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội cũng đang được tỉnh tổ chức thực hiện một cách sáng tạo.
Cũng như mọi người dân ở các tỉnh khác, công việc tuyên truyền để người dân hiểu đúng về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội của Đảng và Nhà nước là không hề dễ dàng. Bởi mọi người hiểu nôm na rằng khi đóng tiền mua bảo hiểm xã hội là phải đóng ngay và hàng tháng số tiền như vậy cứ rời túi mình mà đi, sau đó cầm một tờ xác nhận đã nộp tiền. Tiền mình nộp, đến hàng chục năm sau mới được nhận lại theo từng phần nhỏ gọi là lương hưu trí hàng tháng.
“Khó khăn nhất vẫn là điều kiện kinh tế của người dân vẫn còn hạn chế. Về cơ bản, sau nhiều đợt tuyên truyền, từ ra quân rầm rộ đến tuyên truyền 1+1, người dân đã nâng cao nhận thức và biết đến bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm hộ gia đình. Do đó, để người dân tham gia, Nhà nước có chính sách hỗ trợ thêm phần đóng và giảm thời gian đóng theo như dự thảo mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi".
Có thể sau 15 năm, người đóng bảo hiểm xã hội mới thấy tác dụng đảm bảo cuộc sống của khoản lương nhỏ, đỡ gánh nặng cho con, cháu, cho xã hội từ món tiền nộp trước đây. Hầu hết mối lo ngại thường trực của người dân là tiền mình có bị mất không trong khi hàng ngày vẫn đang chật vật lo kiếm sống.
Ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Trà Vinh đã nhận xét rất đúng rằng cái khó khăn nhất trong việc mua bảo hiểm xã hội tự nguyện chính là điều kiện kinh tế của người dân vẫn còn hạn chế. Vậy, làm cách nào để người dân vượt qua cái hạn chế đó? Điều thú vị là , tuy hạn chế về kinh tế nhưng ai cũng nhận thấy người dân Trà Vinh có một sự giàu có khác.
Đó là sự giàu có về văn hóa truyền thống, từ ẩm thực đầy hấp dẫn cho đến những công trình kiến trúc chùa cổ hết sức độc đáo hoà quyện vào thiên nhiên thanh bình, tiêu biểu như chùa Âng, chùa Hang, lễ hội Ok Om Bok với những đèn lồng huyền ảo trôi trên Ao Bà Om, lễ hội đua ghe, cúng trăng của người Khmer…
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, hệ tính cách văn hóa của người Trà Vinh mang đậm chất “dễ thương” của người miền Tây như: trọng nghĩa, bao dung, bộc trực và cũng rất thiết thực. Nhưng đặc biệt, con người Trà Vinh cũng có những nét đẹp riêng, do sự giao thoa văn hóa của ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer tạo nên. Chính nhờ sự giàu văn hóa này mà có người nói rằng tính cách tiết kiệm tiền truyền thống bằng “nuôi heo đất”, là thói quen của người miền Tây, của Trà Vinh.
Thật ra, ở Việt Nam từ lâu việc bỏ tiền vào heo đất là tượng trưng cho sự may mắn, khích lệ tinh thần tiết kiệm, sống tằn tiện để đầu xuân “mổ heo” rước lộc vào nhà. Còn ở Trung Quốc, hiện người ta còn giữ được nguyên vẹn những chú heo đất có niên đại từ hàng trăm năm trước. Mới đây đã nổi tiếng chuyện cô bé Đào Xuân Nhi 13 tuổi, dân miền Tây dành dụm tiền nuôi heo đất trong ba năm, khi “mổ heo” mang cân được hơn 6kg tiền lẻ, em mua vàng tặng ba mẹ. Khi nghe câu chuyện, chủ tiệm vàng lập tức tặng em thêm 5 phân vàng 9999 nữa. Món quà của bà chủ tiệm vàng rất ý nghĩa không chỉ về mặt vật chất mà cả về tinh thần, quả đúng chất miền Tây.
Chưa hết, phong trào “Nuôi heo đất” để giúp bạn đến trường còn lan rộng ở một số trường trung học cơ sở ở một số tỉnh miền Tây. Mô hình thể hiện tính hào phóng luôn quan tâm sẻ chia với những bạn có hoàn cảnh khó khăn có thể học được cách tiết kiệm…
Từ năm 2020 đến nay, Trà Vinh lại rộ lên phong trào nuôi heo đất tiết kiệm để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. Mô hình này được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Trà Vinh xây dựng, triển khai và đã trở thành phong trào sâu rộng, mang lại cơ hội được hưởng an sinh xã hội cho nhiều phụ nữ nghèo.
NUÔI “HEO ĐẤT” LẤY TIỀN DƯỠNG TUỔI GIÀ
Ý tưởng tổ chức “nuôi heo đất” tiết kiệm để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình là của Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh. Hiện nay Trà Vinh đã thành lập hơn 60 tổ Phụ nữ nuôi heo đất tiết kiệm để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với hơn 800 thành viên, 70 tổ Phụ nữ nuôi heo đất tiết kiệm mua bảo hiểm y tế hộ gia đình với gần 900 thành viên.
Mô hình nuôi heo đất đã được bảo hiểm xã hội tỉnh ủng hộ và phối hợp tích cực với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phát triển, nhân rộng trong toàn tỉnh. Đặc biệt, một số Hội phụ nữ huyện đã linh hoạt thực hiện thêm “1+1” nghĩa là mỗi cán bộ hội, hội viên tham gia bảo hiểm xã hội còn vận động thêm một người thân tham gia.
Theo số liệu của ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Trà Vinh, hiện Trà Vinh có 89% người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đa số họ chọn mức thu nhập tháng thấp nhất để đóng là 1,5 triệu đồng. Theo đó, hàng tháng mỗi người sẽ đóng bằng 22% mức này, cụ thể là 330.000đ/tháng.
Nếu những hộ thuộc diện nghèo thì được Nhà nước hỗ trợ 30%, cận nghèo hỗ trợ 25% và hộ khác hỗ trợ 10% nên mức đóng theo tháng theo thứ tự sẽ là: 231.000 đ; 247.500 đ và các đối tượng theo quy định khác là 297.000đ/tháng.
Phương thức đóng linh hoạt, người đóng có thể đóng từng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần thậm chỉ 12 tháng 1 lần. Đó là cơ sở để Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Trà Vinh đưa ra mức chỉ cần “nuôi heo đất” 10.000 đồng/ngày là có thể giúp nhiều hội viên, phụ nữ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Bà Lê Thị Thu Hồng, Trưởng ban Gia đình và Xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Trà Vinh cho biết hiện nay mô hình này đang được thực hiện rất hiệu quả và trở thành phong trào được cán bộ, hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh nhiệt tình hưởng ứng là nhờ các cấp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đến từng chi, tổ hội. Chứng kiến nhiều chị em ở Trà Vinh cùng nhau “mổ heo đất” để lấy tiền bảo hiểm mới thấy sự nỗ lực của ngành bảo hiểm xã hội trong việc phát triển đối tượng.
Nhìn những đồng tiền lẻ, lấy từ trong bụng heo ra mới thấy sự chắt chiu, tiết kiệm của người phụ nữ khi họ đến với bảo hiểm xã hội tự nguyện. Rất nhiều cán bộ phụ nữ, bảo hiểm xã hội tỉnh đều rất cảm động và trân trọng những người tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, họ tin vào chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước. Qua đó bảo hiểm xã hội nhận thức rõ công tác tuyên truyền chính sách phải đi trước một bước, để người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa của lợi ích, quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Nghe chị Nguyễn Thị Mây (xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) vui vẻ kể về sự kiên trì của mình khiến chúng tôi phải thán phục. “Tôi tham gia nuôi heo đất được hơn một năm rồi. Mỗi ngày, tôi bỏ vào heo 10.000 đồng nhưng cũng có khi hai, ba ngày mới tích góp được hai chục nghìn đồng thì tôi bỏ hai chục, dành dụm được bao nhiêu, tôi bỏ heo bấy nhiêu… Hết con này, tôi lại nuôi tiếp để có thể tiếp tục mua bảo hiểm xã hội tự nguyện để về già có thêm tiền phục vụ mình”.
Tuy nhiên, sang năm tới do quy định mới về chuẩn nghèo đa chiều có thể khác, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể tăng lên. Đó là cái khó cho bà con và cũng là cái khó cho những người làm công tác bảo hiểm xã hội, Hội phụ nữ làm sao và làm thể nào để động viên chị em tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam