Theo báo cáo của Statista, doanh thu của ngành làm đẹp và chăm sóc cá nhân Việt Nam dự kiến đạt 2,36 tỷ USD Mỹ vào năm 2023, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ước tính là 3,32% giai đoạn 2023 - 2027. Trong đó, 15,4% doanh thu sẽ được thúc đẩy bởi các kênh trực tuyến, đặc biệt là mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da.
Ông BT Tee, Tổng Giám đốc công ty Informa Markets Việt Nam, cho biết ngành làm đẹp Việt Nam đang trải qua những sự thay đổi lớn, bắt nguồn từ làn sóng gia nhập mạnh mẽ của mỹ phẩm và công nghệ thẩm mỹ từ nhiều quốc gia hàng đầu về lĩnh vực làm đẹp cũng như xu thế tôn trọng giá trị phát triển bền vững.
Việt Nam hiện là điểm đến hấp dẫn của các thương hiệu mỹ phẩm nước ngoài, với 93% sản phẩm chăm sóc cá nhân được nhập khẩu. Năm 2019, tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm làm đẹp của Việt Nam đạt mức 950 triệu USD, tập trung chủ yếu vào mặt hàng sữa rửa mặt, kem dưỡng da, son môi cho phụ nữ, cùng các sản phẩm chăm sóc, cạo râu cho nam giới. Trong khi đó, các thương hiệu nội địa chỉ chiếm dưới 10% tổng lượng tiêu thụ mỹ phẩm. Các thương hiệu này chủ yếu tập trung vào phân khúc bình dân, cạnh tranh chủ yếu về giá cả.
Nhận thấy tiềm năng rộng mở của thị trường Việt Nam, nhiều công ty mỹ phẩm cao cấp cũng mở rộng mạng lưới đại lý, hệ thống nhà phân phối và văn phòng đại diện, lựa chọn Việt Nam làm điểm sáng mới để phát triển.
Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia xuất khẩu mỹ phẩm vào Việt Nam lớn nhất, theo sau bởi các nước châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan và Mỹ, một số khác đến từ Singapore và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các kênh thương mại điện tử ngày càng chiếm ưu thế, hay sự trỗi dậy của xu hướng làm đẹp từ Hàn Quốc (K-beauty) và Nhật Bản (J-Beauty) cùng việc gia tăng mối quan tâm dành cho các sản phẩm chăm sóc cá nhân cho nam giới cũng đang làm chuyển dịch bối cảnh ngành làm đẹp tại Việt Nam.
Báo cáo của Statista cũng cho thấy, một phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu ở Việt Nam chi trung bình 450.000 - 500.000 đồng hàng tháng cho việc trang điểm và chăm sóc da (năm 2022). Sự xuất hiện của các chuỗi bán lẻ quốc tế tại Việt Nam đã giúp mỹ phẩm nhập khẩu tiếp cận rộng hơn tới đối tượng khách hàng có thu nhập tầm trung và giàu có ở Việt Nam.
Theo bà Claudia Bonfiglioli, Tổng Giám đốc Beauty in Infoma Markets, thị trường ngành làm đẹp Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, trở thành phân ngành phát triển nhanh nhất trong nhóm hàng tiêu dùng nhanh. Những tiêu chuẩn trong ngành ngày càng nâng cao, điều này đòi hỏi các công ty mỹ phẩm cần có những đổi mới và sáng tạo liên tục, để không bị bỏ lại trong một thị trường khắc nghiệt.
“Tuy nhiên, các xu hướng chính trong ngành làm đẹp cần phải quan tâm sự thay đổi trong tâm lý người tiêu dùng, từ việc ngày càng yêu thích sản phẩm hữu cơ tự nhiên, theo đuổi lối sống lành mạnh, toàn diện hơn”, bà Claudia Bonfiglioli nhấn mạnh.
Ngoài ra, sự xuất hiện mạnh mẽ của hàng loạt thương hiệu làm đẹp quốc tế tại Việt Nam còn được thúc đẩy bởi môi trường đầu tư thuận lợi, đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội, cùng những chính sách ưu đãi về thuế quan tại Việt Nam.
Các hiệp định thương mại tự do và hiệp định đối tác kinh tế với Hàn, Nhật, châu Âu tạo điều kiện cho thương hiệu nước ngoài đến gần với thị trường Việt Nam hơn. Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành của mỹ phẩm dao động từ 10% đến 27%.
Trong xu thế đó, Triển lãm Quốc tế về ngành làm đẹp - Vietbeauty & Cosmobeauté Vietnam 2023 đã quay trở lại, diễn ra từ ngày 27 - 29/07/2023 tại TP.HCM.
Vietbeauty & Cosmobeauté Vietnam 2023 mang đến hơn 400 công ty triển lãm đến từ 25 quốc gia với hơn 1.000 thương hiệu làm đẹp đến từ Mỹ, Pháp, Ý, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và một số nước khác.