Từ năm 2017, UBND tỉnh Phú Yên bắt đầu thu phí ở hai điểm du lịch là Gành Đá Đĩa (huyện Tuy An) và Bãi Môn – Mũi Điện (huyện Đông Hòa). Mức thu phí tham quan tại mỗi điểm là 20.000 đồng/người lớn 16 tuổi trở lên, 10.000đ/trẻ em dưới 16 tuổi. Người già từ 80 tuổi trở lên, người dân trong tỉnh được miễn phí vé tham quan. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên, việc thu phí ở hai di tích trên là để tạo thêm nguồn thu nhập từ di tích, thắng cảnh; số tiền thu được phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo.
Ngày 13/11, ông Huỳnh Gia Hoàng, Chủ tịch UBND H.Tuy An (Phú Yên), cho biết địa phương đã có thông báo về việc tăng mức thu phí tham quan di tích quốc gia đặc biệt, danh thắng Gành Đá Đĩa. Việc thu phí này áp dụng theo Nghị quyết 19/2023/NQ-HĐND ngày 18.10.2023 của HĐND tỉnh Phú Yên về quy định mức thu, quản lý và sử dụng kinh phí tham quan danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Theo đó, mức phí áp dụng cho vé tham quan danh thắng này là 40.000 đồng/người/lượt, tăng 20.000 đồng/lượt so với trước đó. Mức phí trên đã bao gồm bảo hiểm cho du khách. Trẻ em, người từ 80 tuổi trở lên, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định tại khoản 1 điều 11 Nghị định 28/2012/NĐ-CP, người có công với cách mạng (cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang) được miễn phí tham quan.
Đại diện ban quản lý gành Đá Đĩa đã xác nhận việc giá vé tăng từ 13/11. Việc tăng giá do HĐND tỉnh quyết định, cơ quan quản lý danh thắng Gành Đá Đĩa là đơn vị thực hiện. Một số đối tượng như người dân thôn, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn và một số đối tượng khác như người hưởng chính sách thương binh, bệnh binh, người có công với thân nhân liệt sĩ được giảm 50% giá vé.
Gành Đá Đĩa là danh thắng thiên nhiên kỳ thú về cảnh quan và độc đáo về địa chất ở Việt Nam. Thắng cảnh này là một tập hợp các trụ đá hình lăng trụ xếp liền nhau, hòn nọ nối hòn kia kề với sóng nước. Bãi đá trải rộng san sát nhau chung màu đen huyền bí, có trụ thẳng đứng, có trụ nghiêng vẹo nhưng vẫn chồng chất tầng tầng. Hình ảnh này trông như chồng bát đĩa nên có tên gọi là Gành Đá Đĩa. Nhìn từ xa, gành đá trông giống một tổ ong thiên tạo khổng lồ.
Theo ban quản lý Gành Đá Đĩa, lượng khách tới danh thắng này trong những năm gần đây đều tăng ổn định (trừ năm 2021). Tổng lượt khách ghé thăm khu danh thắng Gành Đá Đĩa từ năm 2018 đến năm 2022 lần lượt là 408.955 lượt; 500.947 lượt; 342.582 lượt; 144.217 lượt và 518.259 lượt. Tổng lượt khách đến huyện Tuy An 6 tháng năm 2023 đạt gần 322.600 lượt. Riêng khách tham quan khu Gành Đá Đĩa đạt 222.600 lượt, tăng 44% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, theo nghị quyết nêu trên, giá vé tham quan Bãi Môn - Mũi Điện là 30.000 đồng/người/lần (tăng 10.000 đồng). Như vậy, thay vì miễn phí cho toàn bộ người dân có hộ khẩu thường trú ở tỉnh này khi tham quan 2 danh thắng nổi tiếng như trước đây, thì nghị quyết mới chỉ miễn và giảm phí tham quan cho một số đối tượng nhất định.
Thời gian qua, công tác đầu tư, tôn tạo các di tích, danh thắng được tỉnh Phú Yên rất chú trọng. Tỉnh đã công nhận 9 điểm du lịch và 3 tuyến du lịch địa phương. Du lịch Phú Yên còn nhận được nhiều danh hiệu, giải thưởng danh giá do các tổ chức uy tín trong và ngoài nước công nhận và trao tặng. Bên cạnh đó, ngành du lịch tỉnh cũng tập trung công tác quy hoạch, triển khai quy hoạch; đa dạng hóa sản phẩm và thị trường du lịch; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá; đào tạo nguồn nhân lực…
Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Thị Hồng Thái cho biết: “Đến nay, ngành du lịch Phú Yên đã hoàn thành kế hoạch năm là đón 2,5 triệu lượt khách du lịch. Thời gian tới, du lịch Phú Yên tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình hành động số 09-CTr/TU về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 của Tỉnh ủy ngày 18/8/2021, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030 và Kế hoạch 198 của UBND tỉnh triển khai Chương trình hành động này”.
Theo Sở VHTTDL Phú Yên, tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên 9 tháng đầu năm 2023 ước tính đón 2.532.000 lượt khách, đạt 105,5% so với kế hoạch năm, tăng 57% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 14.790 lượt, đạt 98,6% so với kế hoạch năm, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ. Tổng lượt khách lưu trú đạt 1.608.000 lượt, tăng 65,4% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 11.000 lượt, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đạt 3.741 tỉ đồng, đạt 120,6% so với kế hoạch năm, tăng 87% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu lưu trú đạt 558,06 tỉ đồng, tăng 97,2% so với cùng kỳ.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình hành động số 09-Ctr/TU tiếp theo là phát triển du lịch Phú Yên theo hướng hội nhập, chất lượng, bền vững; từng bước tăng tỉ trọng đóng góp của du lịch vào cơ cấu GRDP của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Đến năm 2030, du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn vào nền kinh tế của tỉnh. Tiếp tục xây dựng thương hiệu du lịch Phú Yên là điểm đến xanh, sạch, an toàn, hấp dẫn, thân thiện; là một trong những mắt xích quan trọng trong liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phấn đấu đón 4 triệu lượt khách trở lên, trong đó có hơn 50.000 khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt khoảng 6.000 tỉ đồng, đóng góp của hoạt động du lịch vào GRDP của tỉnh khoảng 5-7%, chi tiêu bình quân khách du lịch đạt 1,5 triệu đồng/lượt khách. Đến năm 2030 phấn đấu đón từ 6 triệu lượt khách du lịch trở lên, trong đó có 600.000 lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt khoảng 12.600 tỉ đồng, đóng góp hoạt động du lịch vào GRDP của tỉnh từ 10% trở lên, chi tiêu bình quân khách du lịch đạt 12,1 triệu đồng/ lượt khách...