February 24, 2022 | 07:34 GMT+7

Phương tiện giao thông vận tải trong lộ trình xanh hoá, giảm dần phát thải ròng về “0”

Anh Tú -

Ngành giao thông vận tải đang xây dựng chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon theo cam kết giảm dần phát thải ròng về “0” vào năm 2050...

Phương tiện, thiết bị giao thông vận tải là một trong những tác nhân chính gây phát thải khí nhà kính.
Phương tiện, thiết bị giao thông vận tải là một trong những tác nhân chính gây phát thải khí nhà kính.

Bộ Giao thông vận tải vừa có thông báo số 49 kết luận tại cuộc họp về xây dựng kế hoạch hành động thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 và Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon, khí mê-tan trong lĩnh vực hàng hải do Vụ Môi trường chủ trì.

Để bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng Kế hoạch và Chương trình theo yêu cầu, Vụ Môi trường đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam cần nêu rõ hiện trạng và xu thế phát triển đội tàu biển nội địa Việt Nam, hệ thống cảng biển, trang thiết bị tại các cảng biển và nhu cầu năng lượng.

Thực tiễn chuyển đổi sử dụng năng lượng điện đối với trang thiết bị tại cảng biển Việt Nam và kinh nghiệm, xu hướng trên thế giới. Thực tiễn áp dụng quy định về hiệu quả năng lượng đối với tàu biển theo quy định của IMO và xu hướng chuyển đổi công nghệ động lực tàu biển sang sử dụng năng lượng xanh trên thế giới để đạt phát thải khí nhà kính bằng “0” trong hoạt động của tàu biển.

 

"Trong xác định mục tiêu cụ thể, đối với cảng biển, định rõ thời điểm bắt buộc áp dụng trang thiết bị sử dụng năng lượng điện đối với các cảng biển đầu tư mới và lộ trình chuyển đổi sang năng lượng điện đối với các cảng biển đang hoạt động", Vụ Môi trường đề nghị.

Với tàu biển nội địa, áp dụng quy định về hiệu quả năng lượng của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO). Định rõ thời điểm tàu biển nội địa đăng ký phải đáp ứng yêu cầu đạt phát thải khí nhà kính bằng “0” khi hoạt động và lộ trình chuyển đổi đối với tàu biển nội địa Việt Nam đang khai thác.

Đối với nhiệm vụ và giải pháp, cần tập trung đề xuất bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đăng ký tàu biển, điều kiện kinh doanh vận tải, điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tàu biển nội địa.

Đồng thời, cần đề ra các chính sách ưu đãi để thúc đẩy các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm đạt được mục tiêu đề ra.

Cục Hàng hải Việt Nam cũng cần phối hợp chặt chẽ với Cục Đăng kiểm Việt Nam và Viện Chiến lược & Phát triển giao thông vận tải trong dự thảo kế hoạch, chương trình, tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan trong lĩnh vực hàng hải để hoàn thiện trước ngày 01/3/2022.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải cũng tổ chức cuộc họp cùng với các đơn vị liên quan về việc triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Hiện nay, phương tiện, thiết bị giao thông vận tải trong các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu,... gây phát thải khí nhà kính. Tổng phát thải từ giao thông lên đến 33,2 triệu tấn, chiếm 19,3% phát thải từ lĩnh vực năng lượng.

Theo xu hướng của quốc tế, để đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, ngành giao thông vận tải phải thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, chính là chuyển đổi các loại phương tiện, thiết bị giao thông vận tải sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng điện, nhiên liệu sinh học, hydrogen, amoniac, xăng tổng hợp, …; phát triển giao thông công cộng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate