December 01, 2022 | 09:26 GMT+7

PMI tháng 11 dưới ngưỡng trung bình, ngành sản xuất Việt Nam suy giảm rõ rệt

Mạnh Đức -

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 11 chỉ đạt 47,4 điểm, giảm so với 50,6 điểm của tháng 10. Điều này cho thấy, các điều kiện kinh doanh suy giảm mạnh…

Các điều kiện kinh tế thế giới xấu đi đã khiến ngành sản xuất Việt Nam suy giảm trong tháng 11.
Các điều kiện kinh tế thế giới xấu đi đã khiến ngành sản xuất Việt Nam suy giảm trong tháng 11.

Ngày 01/12/2022, S&P Global công bố báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 11/2022.

Trong đó, 3 điểm nhấn đáng chú ý là sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm giảm trở lại; Đồng tiền giảm giá làm tăng thêm chi phí đầu vào; Giá bán hàng giảm trong bối cảnh nhu cầu giảm.

ĐƠN HÀNG XUẤT KHẨU MỚI GIẢM NHANH

Báo cáo nêu rõ, các điều kiện kinh tế thế giới xấu đi đã khiến ngành sản xuất Việt Nam suy giảm trong tháng 11. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm và hoạt động mua hàng đã giảm trở lại, trong khi niềm tin kinh doanh cũng giảm mạnh.

Đồng tiền giảm giá cũng ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong tháng khiến chi phí đầu vào tăng nhanh hơn một chút. Trong khi đó, giá cả đầu ra đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 8/2020.

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam giảm xuống dưới ngưỡng trung tính 50 điểm trong tháng 11, từ đó kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 13 tháng. Với kết quả 47,4 điểm so với 50,6 điểm của tháng 10, chỉ số kỳ này cho thấy các điều kiện kinh doanh suy giảm mạnh trong tháng.

PMI tháng 11 dưới ngưỡng trung bình, ngành sản xuất Việt Nam suy giảm rõ rệt - Ảnh 1

Số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản xuất giảm lần đầu tiên trong 14 tháng vào giữa quý cuối của năm, chủ yếu phản ánh nhu cầu trên thị trường quốc tế đang yếu đi.

Trên thực tế, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm nhanh hơn so với tổng số lượng đơn đặt hàng mới. Một số thành viên nhóm khảo sát ghi nhận xuất khẩu giảm cũng nhắc đến ảnh hưởng của biến động tỷ giá bất lợi lên giá cả, và chiến tranh ở Ucraine.

Với số lượng đơn đặt hàng mới giảm, các nhà sản xuất Việt Nam cũng giảm sản lượng, và đây là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 3. Tốc độ giảm là mạnh và nhanh nhất kể từ tháng 9/2021. Các công ty sản xuất hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa trung gian có sản lượng giảm, trong khi các công ty sản xuất hàng hóa đầu tư cơ bản có sản lượng tiếp tục giảm.

DẤU HIỆU CẦU THẾ GIỚI GIẢM PHẢN ÁNH VÀO NGÀNH SẢN XUẤT

Cũng giống như xu hướng của sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm và hoạt động mua hàng được ghi nhận tiếp tục giảm trong tháng 11. Việc làm giảm lần đầu tiên trong tám tháng. Ngoài việc phản ánh mức sụt giảm của số lượng đơn đặt hàng mới, số lượng nhân viên giảm cũng phản ánh nỗ lực giảm chi phí ở một số công ty.

PMI tháng 11 dưới ngưỡng trung bình, ngành sản xuất Việt Nam suy giảm rõ rệt - Ảnh 2

Hoạt động mua hàng hóa đầu vào giảm đã kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 13 tháng và khiến tồn kho hàng mua giảm lần thứ hai liên tiếp. Hàng tồn kho sau sản xuất cũng giảm.

Nhu cầu hàng hóa đầu vào giảm đã giúp một số nhà cung cấp tăng tốc độ giao hàng trong tháng 11. Tuy nhiên, tình trạng này bị lấn át bởi tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu và nhiên liệu. Kết quả là, thời gian giao hàng đã bị kéo dài thêm lần đầu tiên trong bốn tháng.

Mặc dù chi phí đầu vào tăng với một tốc độ tương đối chậm trong kỳ khảo sát này, tốc độ tăng giá đã nhanh hơn thành mức cao của bốn tháng. Các thành viên nhóm khảo sát cho biết đồng tiền giảm giá so với đô la Mỹ là một nhân tố chính dẫn đến tăng giá cả đầu vào.

Trong khi chi phí đầu vào tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng 11, áp lực lạm phát vẫn ở mức nhẹ giúp các nhà sản xuất có thể giảm giá để kích thích nhu cầu. Giá bán hàng đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 8/2020.

Niềm tin kinh doanh giảm mạnh do số lượng đơn đặt hàng mới giảm và những lo ngại về nhu cầu trên thị trường quốc tế. Tâm lý kinh doanh giảm xuống mức thấp nhất trong 14 tháng. Hy vọng nhu cầu sẽ phục hồi trong năm tới giúp một số công ty vẫn lạc quan về triển vọng sản lượng trong 12 tháng tới.

Bình luận về kết quả khảo sát, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết trong bản công bố PMI tháng trước chúng tôi nhận định đã có những dấu hiệu cầu giảm trên thế giới phản ánh vào ngành sản xuất của Việt Nam. Bức tranh đã tối hơn đáng kể trong tháng 11 khi số lượng đơn đặt hàng mới, xuất khẩu, sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng đều giảm. Với niềm tin kinh doanh cũng bị giảm, ngành sản xuất có vẻ như có một kết thúc khó khăn cho năm 2022.

Một điểm đáng quan tâm khác của khảo sát PMI kỳ này là ảnh hưởng của việc giảm giá đồng Việt Nam gần đây so với đô la Mỹ. Điều này đã làm tăng chi phí đầu vào và góp phần làm giảm số lượng đơn đặt hàng mới. Tuy nhiên, mức tăng chi phí vẫn tương đối nhẹ nên các công ty vẫn có thể giảm giá bán hàng để kích thích nhu cầu.

 

PMI Ngành Sản xuất Việt Nam được S&P Global thu thập từ phần trả lời cho các câu hỏi gửi cho các nhà quản trị mua hàng trong một nhóm gồm khoảng 400 nhà sản xuất. Các nhóm khảo sát được phân chia theo lĩnh vực và quy mô lao động của công ty, dựa trên đóng góp vào GDP.

Các chỉ số có giá trị từ 0 đến 100, với một kết quả trên 50 thể hiện một mức tăng tổng thể so với tháng trước, và dưới 50 thể hiện một mức giảm tổng thể. Các chỉ số sau đó được điều chỉnh theo mùa.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate