March 01, 2021 | 15:08 GMT+7

PMI tháng 2 tăng nhưng "niềm tin kinh doanh" giảm vì Covid-19

M.Chung

PMI Ngành sản xuất Việt Nam đã tăng từ 51,3 của tháng 1/2021 lên 51,6 trong tháng 2 nhưng niềm tin kinh doanh cũng đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020

Theo IHS Markit, sức khỏe của lĩnh vực sản xuất  của Việt Nam đã mạnh lên trong ba tháng liên tiếp, sau khi xuống dưới ngưỡng trung tính (50 điểm) vào tháng 11/2020.
Theo IHS Markit, sức khỏe của lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã mạnh lên trong ba tháng liên tiếp, sau khi xuống dưới ngưỡng trung tính (50 điểm) vào tháng 11/2020.

PMI Ngành sản xuất Việt Nam đã tăng từ 51,3 của tháng 1/2021 lên 51,6 trong tháng 2, cho thấy sự cải thiện của các điều kiện kinh doanh. Sức khỏe của lĩnh vực sản xuất đã mạnh lên trong ba tháng liên tiếp, sau khi xuống dưới ngưỡng trung tính (50 điểm) vào tháng 11/2020.

Dữ liệu trên vừa được đưa ra trong báo cáo của hãng IHS Markit.

Theo IHS Markit, dữ liệu tháng 2 cho thấy mức cải thiện chung về sức khỏe lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Đà tăng của số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục được duy trì, trong khi sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng tiếp tục tăng. Tuy nhiên, niềm tin kinh doanh tiếp tục giảm với các lo ngại về ảnh hưởng tiếp tục của đại dịch virus corona 2019 (Covid-19). 

IHS Markit cho biết, số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng, từ đó giúp cải thiện các điều kiện kinh doanh tổng thể. Số lượng đơn đặt hàng mới đến nay đã tăng sáu tháng liên tiếp. Tổng số lượng đơn đặt hàng mới được hỗ trợ khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng trở lại cùng những dấu hiệu cho thấy nhu cầu thị trường quốc tế cải thiện. 

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng là nhân tố chính dẫn đến sản lượng tăng trở lại. Mức tăng nhẹ cũng một phần là do nỗ lực tăng tồn kho thành phẩm. Những nỗ lực này đã giúp kết thúc thời kỳ giảm hàng tồn kho sau sản xuất kéo dài bốn tháng vừa qua. 

Việc làm đã tăng lần thứ hai trong ba tháng khi các công ty đáp ứng nhu cầu khách hàng và yêu cầu về sản xuất tăng lên. Nguồn lực tăng thêm này giúp các công ty kiểm soát được khối lượng công việc và tiếp tục giảm lượng công việc chưa thực hiện. 

"Hoạt động mua hàng tiếp tục tăng nhưng tồn kho hàng mua tiếp tục giảm khi hàng hóa đầu vào được đưa vào sản xuất", báo cáo của IHS Markit nhấn mạnh.

Ngoài ra, những khó khăn trong khâu mua nguyên vật liệu cũng góp phần làm giảm tồn kho hàng mua. Thời gian giao hàng của nhà cung cấp tiếp tục bị kéo dài. Những khó khăn trong việc mua hàng từ nước ngoài do thiếu container chuyển hàng và do nhu cầu nguyên vật liệu của thế giới vượt quá khả năng cung cấp đã dẫn đến kéo dài thời gian giao hàng. 

Những mất cân bằng này tiếp tục làm chi phí đầu vào tăng mạnh trong tháng 2. Mặc dù tốc độ tăng giá đã chậm lại thành mức thấp của ba tháng, mức tăng giá đầu vào vẫn nhanh hơn mức trung bình của lịch sử khảo sát mười năm qua. 

Các nhà sản xuất đối phó với chi phí đầu vào tăng bằng cách tăng tương ứng giá bán hàng. Tuy nhiên, mức tăng giá chỉ là nhẹ, và là chậm nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. 

Niềm tin kinh doanh tiếp tục giảm ba tháng liên tiếp trong tháng 2 khi đã rơi về mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020. Tâm lý kinh doanh đã chịu ảnh hưởng của những lo ngại về tác động tiếp theo của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các công ty vẫn lạc quan với hy vọng đại dịch sẽ được kiểm soát trong năm tới, từ đó niềm tin được duy trì. 

Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, đánh giá: "Sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng tiếp tục tăng là những dấu hiệu tích cực, nhưng số lượng ca nhiễm Covid-19 tăng mới đây dẫn đến tâm lý thận trọng. Trên thực tế, niềm tin của các công ty đã giảm thành mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020, là lần cuối cùng chứng kiến sự bùng nổ đáng kể của đại dịch. 

Trước đây, Việt Nam đã khẳng định thành công trong việc kiểm soát nhanh chóng virus, và nếu lần này tiếp tục thành công, chúng ta hy vọng thấy lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng trưởng. IHS Markit hiện dự báo sản xuất công nghiệp tăng 6,8% trong năm nay". 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate