May 08, 2014 | 22:04 GMT+7

Quan chức Trung Quốc yêu cầu Việt Nam rút tàu rồi đàm phán

Nhật Minh

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói, hai nước Việt - Trung có thể giải quyết tranh chấp thông qua “đàm phán hòa bình”

<span id="div" class="fl w100 mt10 span-detailimages relative">Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam, gần khu vực có giàn khoan HD-981 - Ảnh: AP.</span>
<span id="div" class="fl w100 mt10 span-detailimages relative">Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam, gần khu vực có giàn khoan HD-981 - Ảnh: AP.</span>
Một số quan chức ngoại giao Trung Quốc hôm nay (8/5) đã lên tiếng chối bỏ các vụ đụng độ trên biển Đông và kêu gọi giải quyết bằng con đường hòa bình đối với căng thẳng hiện nay, vốn xuất phát từ việc Trung Quốc triển khai giàn khoan trái phép ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Hãng tin Reuters dẫn lời Dị Tiên Lương, Phó tổng vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố rằng Trung Quốc sẵn sàng giải quyết tranh chấp với Việt Nam thông qua đàm phán, nhưng kèm theo điều kiện Việt Nam phải rút tàu khỏi khu vực đặt giàn khoan HD-981.

Dị Tiên Lương cũng đổ lỗi cho phía Việt Nam về các cuộc đụng độ tại khu vực đặt giàn khoan HD-981, và nói phía Trung Quốc đã “kiềm chế tối đa” trong việc sử dụng vòi rồng.

Trước đó, các bằng chứng được đưa ra tại cuộc họp báo quốc tế ở Hà Nội chiều 7/5 cho thấy tàu và máy bay Trung Quốc đã chủ động uy hiếp các tàu của Việt Nam. Tàu Trung Quốc cũng nhiều lần dùng vòi rồng tấn công và đâm vào các tàu Việt Nam, khiến một số tàu bị hỏng nặng và nhiều thuyền viên bị thương.

Cũng trong ngày hôm nay, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình phủ nhận đã có đụng độ trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, kể từ khi tranh chấp giữa hai bên nổ ra từ cuối tuần trước.

“Tôi không tin là đã có đụng độ. Tôi nghĩ là có sự khác biệt quan điểm về một số tranh chấp”, Thứ trưởng Trình được Reuters trích dẫn, khi ông này trao đổi với báo giới bên lề một diễn đàn ở Bắc Kinh.

Tuy nhiên, bất chấp việc giàn khoan nằm sâu trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, Thứ trưởng Trình vẫn biện minh: “Khu vực tranh chấp thuộc chủ quyền của Trung Quốc, và tất nhiên chúng tôi sẽ duy trì lợi ích cốt lõi của quốc gia và bảo vệ chủ quyền của mình. Việt Nam nên biết rõ điều đó”.

Ông này nói, hai nước Việt - Trung có thể giải quyết tranh chấp thông qua “đàm phán hòa bình”. “Tranh chấp này không phải về mối quan hệ tổng thể giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tranh chấp này có tính chất cục bộ và có thể kiềm chế”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc biện bạch.

Trước đó, chiều 7/5, trong cuộc họp báo tại Hà Nội về việc Trung Quốc triển khai giàn khoan xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, Trung Quốc đã điều 80 tàu tham gia bảo vệ, phục vụ cho giàn khoan HD-981, trong đó có 7 tàu quân sự cùng nhiều tàu hải giám, hải cảnh, tàu cá…

Ngoài ra hàng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Một nhóm tàu cá vũ trang và tàu quân sự thậm chí đã vào cách đảo Lý Sơn từ 50-60 hải lý, ông Thu cho biết thêm.

Khi các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam ra kiểm tra, ngăn chặn thì tàu bảo vệ của Trung Quốc, với sự hỗ trợ của máy bay tầm thấp, đã chủ động đâm thẳng vào tàu Việt Nam, dùng vòi rồng tấn công.

Đáng chú ý, theo ông Thu, trong khi Việt Nam chưa sử dụng bất kỳ một tàu quân sự nào để phản đối hành động trên, thì phía Trung Quốc đã đưa các tàu đã được trang bị đầy đủ vũ khí, sẵn sàng chiến đấu.

"Chúng tôi không quan tâm đến những gì Trung Quốc nói. Chúng tôi chỉ đang làm công việc của mình, đó là bảo vệ lãnh thổ và tài nguyên của đất nước. Chúng tôi đã đưa tàu dân sự ra theo đúng luật, nhưng Trung Quốc đã sử dụng tàu quân sự để yểm trợ các tàu dân sự", ông Thu nói với Reuters hôm nay.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate