Tại buổi giới thiệu cơ hội hợp tác giữa Vùng Vịnh lớn (GBA) Quảng Đông - Hồng Kông - Ma Cao và Việt Nam diễn ra ngày 27/7, ông Trần Phước Anh, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM cho biết tiềm năng hợp tác to lớn giữa Việt Nam, TP.HCM với Hồng Kông và khu vực Vùng Vịnh lớn. Đây là được xem là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hợp tác với các đối tác Hồng Kông, nhất là trong lĩnh vực thương mại, tài chính, logistics, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo chiều ngược lại, các đối tác Hồng Kông có thể khai thác những lợi thế của Việt Nam từ các hiệp định FTA cũng như thị trường 100 triệu dân.
Việt Nam hiện nay được ghi nhận là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh và mạnh mẽ nhất trong khu vực, đặc biệt là trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch. TP.HCM được xem là đầu tàu kinh tế của Việt Nam, có vai trò quan trọng về thương mại, giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ, hiện đang được định hướng phát triển để trở thành một trung tâm tài chính quốc tế và khu đô thị thông minh.
Trong khi đó, Vùng Vịnh lớn gồm Hồng Kông, Ma Cao và 9 thành phố lớn hiện đại của tỉnh Quảng Đông, trong đó có Quảng Châu và Thâm Quyến, cũng đang là khu vực phát triển trọng điểm về kinh tế, công nghệ hiện nay của Trung Quốc.
Theo Văn phòng Kinh tế và Thương mại Hồng Kông (HKETO), Hồng Kông và Việt Nam có mối quan hệ song phương trong nhiều năm. Năm 2021, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hồng Kông. Thương mại hàng hóa song phương giữa hai bên đạt 220,9 tỷ đô la Hồng Kông (658 nghìn tỷ đồng). Từ năm 2017 đến năm 2021, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 11,8%.
TS. Jonathan Choi, Chủ tịch Tập đoàn Sunwah, Chủ tịch Phòng Thương mại Hồng Kông - Việt Nam và Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Vùng vịnh Quảng Đông - Hồng Kông - Ma Cao cho rằng với diện tích 56.000km2 và dân số xấp xỉ 86 triệu người, Vịnh lớn chính là một thị trường mới năng động và đầy tiềm năng ở châu Á dành cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Ba Shusong, Giám đốc Điều hành và ông Abhishek Bakshi, Trưởng Ban Dịch vụ Phát hành khu vực ASEAN của Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông (HKEX),tính tới cuối tháng 6/2022, hơn 2.500 công ty trên khắp thế giới đã niêm yết tại HKEX, với tổng vốn hóa thị trường là 50 nghìn tỷ USD, đồng thời huy động được 1.400 nghìn tỷ USD thông qua IPO và các giai đoạn tiếp theo.
Ngoài ra, phần lớn các tổ chức phát hành nước ngoài của HKEX tới từ khu vực Đông Nam Á, với khoảng 110 công ty IPO trong các lĩnh vực tài chính, tiêu dùng, vật liệu, năng lượng và công nghệ thông tin.
Đại diện HKEX nhấn mạnh, GBA là khu vực mới, năng động mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể huy động vốn, tìm kiếm đối tác. Hiện Tập đoàn Sunwah tại Việt Nam đang hỗ trợ HKEX trong các hoạt động giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và huy động vốn thông qua việc niêm yết tại Hồng Kông.
Dịp này, Đại học Hồng Kông cũng giới thiệu văn phòng tại Việt Nam, đưa ra một loạt các chương trình đào tạo quản lý trên 6 ngành học có nhu cầu lớn về nhân lực như chuyển đổi số, phương pháp lãnh đạo, phân tích kinh doanh và chiến lược công nghệ tài chính.