November 21, 2022 | 21:02 GMT+7

Quản lý rủi ro, doanh nghiệp Việt vẫn còn xa lạ với ESG

Anh Nhi -

ESG trở thành xu hướng chủ đạo và được đánh giá là bộ tiêu chuẩn giúp doanh nghiệp quản lý rủi ro và các cơ hội liên quan một cách hiệu quả. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn “xa lạ” với bộ tiêu chuẩn này…

ESG là bộ tiêu chuẩn về E-Environmental (môi trường); S-Social (xã hội); G-Governance (quản trị doanh nghiệp) trong quá trình vận hành công ty. ESG giúp các bên liên quan hiểu rõ cách thức doanh nghiệp quản lý rủi ro cũng như cơ hội ở ba khía cạnh trên.

THÚC ĐẨY QUẢN TRỊ RỦI RO

Theo đó, những lợi ích của việc thực hiện tốt ESG bao gồm giảm thiểu chi phí và rủi ro trong dài hạn thông qua triển khai các công nghệ mới và nâng cao hiệu quả vận hành, tung sản phẩm mới/mở rộng thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động và danh tiếng doanh nghiệp…

Vì vậy, ESG ngày càng được các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ châu Âu và Mỹ ưu tiên đưa vào tiêu chí xem xét đầu tư. Những doanh nghiệp có thực hành và báo cáo ESG tốt sẽ có nhiều lợi ích hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn quốc tế.

Chia sẻ tại hội thảo về thực hành ESG mới đây, ông Lê Thành Liêm, Giám đốc điều hành tài chính Vinamilk cho biết cách đây hơn 20 năm, Vinamilk đã tập trung vào các hoạt động phát triển bền vững bảo vệ môi trường và đóng góp cho xã hội.

“Tại thời điểm đó, Vinamilk chỉ xác định đó là trách nhiệm của doanh nghiệp, chứ không định nghĩa theo tiêu chuẩn ESG như hiện nay”, ông Liêm cho biết.

Động lực toàn cầu thúc đẩy thực hành ESG và kinh doanh bền vững.
Động lực toàn cầu thúc đẩy thực hành ESG và kinh doanh bền vững.

Tuy nhiên, qua các đánh giá, báo cáo hàng năm, ban lãnh đạo nhận ra việc thực hành ESG mang đến nhiều cơ hội hơn, từ những lợi ích về tài chính như mở rộng cơ hội thu hút vốn đầu tư hay những giá trị kinh tế lâu dài như duy trì hoạt động kinh doanh bền vững, đảm bảo uy tín và nâng cao thương hiệu doanh nghiệp.

Hiệu quả mà ESG đem lại cho doanh nghiệp cũng được các doanh nghiệp ghi nhận trong báo cáo của NielsenIQ (2018), Kantar (2020) và PwC (2021). Kết quả cho thấy 79% nhà đầu tư toàn cầu đồng ý rằng phương pháp quản lý rủi ro và cơ hội liên quan tới ESG là yếu tố quan trọng khi đưa ra quyết định đầu tư vào công ty; 82% ý kiến cho rằng ESG cần được tích hợp vào chiến lược của doanh nghiệp. Ngoài ra, 81% người tiêu dùng toàn cầu đánh giá việc triển khai chương trình bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp là “rất quan trọng” hoặc “cực kỳ quan trọng”.

DOANH NGHIỆP VIỆT VẪN “XA LẠ” VỚI ESG

Dù vậy, tại Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp coi trọng ESG và áp dụng các bộ tiêu chuẩn theo ESG vẫn còn ít ỏi.

Kết quả khảo sát nhận thức về ESG của các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng do Dự án hỗ trợ khu vực tư nhân hướng tới tăng trưởng bền vững (IPSC) 2022 do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện cho thấy, tại Việt Nam mới có 25% doanh nghiệp triển khai ESG.

Quản lý rủi ro, doanh nghiệp Việt vẫn còn xa lạ với ESG - Ảnh 1

Trong khi đó, có tới 75% doanh nghiệp vẫn xếp ESG “trên giấy”, bao gồm: 7% doanh nghiệp đã lên kế hoạch nhằm chủ động triển khai ESG nhưng chưa thực hiện, 47% cân nhắc sẽ chủ động triển khai ESG sớm và 21% doanh nghiệp không cân nhắc chủ động triển khai ESG trong 2-4 năm tới.

Đáng chú ý, theo IPSC, trong số các doanh nghiệp không cân nhắc chủ động triển khai ESG trong 2-4 năm tới, có tới 60% doanh nghiệp chưa đưa ra cam kết ESG là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

Nguyên nhân chính xuất phát từ việc thiếu kiến thức khiến các công ty vẫn chưa đưa ra kế hoạch thực hiện bất kỳ cam kết nào liên quan đến ESG. Trong đó, việc các doanh nghiệp còn e ngại có thể do có quá nhiều thông tin ESG nhưng chưa rõ ràng và những chi phí phát sinh do thực hiện ESG.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng giám đốc Lãnh đạo ESG, Dịch vụ Kiểm toán và Đảm bảo PwC Việt Nam chia sẻ tương tự như các công cuộc chuyển đổi khác, những bước đầu tiên trên hành trình ESG sẽ khó khăn, nhưng chắc chắn đó sẽ là một quyết định xứng đáng. Thành công không chỉ ở riêng mỗi khía cạnh tài chính, công bố thông tin, biến đổi khí hậu hay đa dạng hóa nguồn lực mà còn đến từ việc tích hợp tất cả các nguyên tắc này và các sáng kiến khác vào chiến lược và hoạt động của doanh nghiệp nhằm quản lý rủi ro và tận dụng cơ hội.

Kết quả khảo sát này cho thấy cần thiết phải tiến hành các cuộc đối thoại tích cực (chủ động) giữa chính phủ Việt Nam và nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn đang gặp phải thách thức này. Đồng thời cũng cho thấy nhu cầu không ngừng nâng cao kiến thức và năng lực thực thi ESG trong doanh nghiệp, đặc biệt dành đội ngũ lãnh đạo cấp cao.

Báo cáo “Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam” năm 2022 được PwC công bố cuối tháng 10/2022 cũng chỉ ra rằng chỉ 29% người tham gia khảo sát cho biết Hội đồng quản trị tham gia thực hiện chương trình ESG tin tưởng vào năng lực của Hội đồng về các vấn đề ESG. Tuy nhiên 43% lại chưa cân nhắc việc thiết lập chương trình đào tạo về các vấn đề ESG và chỉ 26% cho biết việc đào tạo cho hội đồng quản trị đang được lên kế hoạch hoặc thực hiện.

Những con số trên cho thấy việc thực hành ESG ở Việt Nam vẫn còn ở những bước khá sơ khai và việc tập trung vào xây dựng kiến thức cũng như năng lực trong thời gian tới là hết sức cần thiết.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate