Gần đây, một số doanh nghiệp bất ngờ khi nhận được thông báo kiểm tra - thanh tra của cơ quan thuế, trong khi doanh nghiệp mình vừa được cơ quan thuế kiểm tra - thanh tra trong năm trước liền kề.
Đây là điểm khác biệt với những năm trước đây, khi doanh nghiệp thường được kiểm tra - thanh tra định kỳ mỗi 3 đến 5 năm.
Thực tế này xuất phát từ phương pháp áp dụng quản lý rủi ro mới đang được cơ quan thuế Việt Nam triển khai trong toàn ngành thuế. Kiểm tra - thanh tra thuế trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng.
Vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp Việt Nam là cần phải hiểu được quản lý rủi ro trong kiểm tra - thanh tra thuế là gì và hiện cơ quan thuế đang áp dụng phương pháp này để lựa chọn doanh nghiệp cho kế hoạch kiểm tra - thanh tra hàng năm như thế nào, trên cơ sở đó, doanh nghiệp chủ động nâng cao tuân thủ pháp luật thuế, giảm thời gian, chi phí khi làm việc với cơ quan thuế thông qua việc kiểm tra - thanh tra tại doanh nghiệp.
Quản lý rủi ro
Quản lý rủi ro trong quản lý thuế nói chung và kiểm tra - thanh tra thuế nói riêng với mục tiêu để cơ quan thuế đánh giá việc tuân thủ pháp luật thuế đối với doanh nghiệp trong các nghiệp vụ quản lý thuế (bao gồm đăng ký thuế; khai thuế; nộp thuế; nợ thuế; hoàn thuế; kiểm tra; thanh tra thuế..) đã chính thức được luật hóa tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế năm 2012, Nghị định số 83/2013/NĐ-CP, Thông tư số 204/2015/TT-BTC và một số văn bản hướng dẫn có liên quan, trong đó có một số điểm đáng lưu ý.
Thứ nhất, doanh nghiệp được đánh giá, xếp hạng rủi ro và mức độ tuân thủ theo hệ thống tiêu chí và trọng số do cơ quan thuế xây dựng từ các nguồn thông tin khác nhau để làm cơ sở áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp (ví dụ: lựa chọn doanh nghiệp đưa vào kế hoạchkiểm tra - thanh tra).
Thứ hai, cuối năm 2015, Tổng cục Thuế ban hành bộ tiêu chí đánh giá rủi ro bao gồm 20 tiêu chí tĩnh (áp dụng thống nhất tất cả các cục thuế) và các tiêu chí động (do từng cục thuế tự xây dựng phù hợp với thực tế địa phương theo gợi ý của Tổng cục Thuế) nhằm lựa chọn các trường hợp kiểm tra - thanh tra.
Thứ ba, việc phân loại mức độ tuân thủ và xếp hạng rủi ro của doanh nghiệp cho mục tiêu kiểm tra - thanh tra thuế được tiến hành tự động thông qua phần mềm ứng dụng phân tích thông tin rủi ro người nộp thuế phục vụ công tác lập kế hoạch thanh tra (TPR) của cơ quan thuế.
Thứ tư, các trường hợp kiểm tra - thanh tra tại trụ sở người nộp thuế được lựa chọn qua phân tích, đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro phải đảm bảo không dưới 90% số lượng trường hợp được kiểm tra - thanh tra theo kế hoạch năm (số còn lại được lựa chọn ngẫu nhiên).
Đầu tháng 3/2016, Bộ Tài chính đã thành lập Ban Quản lý rủi ro trực thuộc Tổng cục Thuế và tới đây, cục thuế các tỉnh, thành phố, chi cục thuế có số doanh nghiệp thuộc diện quản lý lớn (trên 3.000 doanh nghiệp) và số thu lớn (từ 1.000 tỷ đồng) cũng sẽ thành lập bộ phận chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý rủi ro để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phương pháp quản lý này.
Những điểm cần lưu ý
Việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế đối với từng doanh nghiệp tương ứng với mức độ rủi ro do cơ quan thuế đánh giá, xếp loại về doanh nghiệp đó.
Việc kiểm tra - thanh tra tại trụ sở doanh nghiệpđược lựa chọn chủ yếu thông qua hệ thống phần mềm phân tích, đánh giá xếp hạng tự động mức độ rủi ro, cộng với hệ thống các tiêu chí và trọng số sử dụng trong hệ thống này (định kỳ cập nhật hàng năm), do vậy khả năng một doanh nghiệp được chọn vào kế hoạch kiểm tra - thanh tra nhiều năm liên tiếp là hoàn toàn có thể xảy ra.
Không chỉ cục thuế địa phương, Tổng cục Thuế có thể xây dựng bộ tiêu chí động và trọng số đánh giá rủi ro của riêng mình để phục vụ cho mục tiêu quản lý thuế trên phạm vi cả nước. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế trực tiếp lựa chọn các trường hợp kiểm tra - thanh tra tại trụ sở doanh nghiệp và sau đó tiến hành kiểm tra - thanh tra thuế.
Do vậy, trên thực tế đã có một số trường hợp cục thuế tiến hành thanh tra năm trước, Tổng cục Thuế tiến hành thanh tra năm sau đối với cùng một doanh nghiệp, dù kỳ thanh tra và trọng tâm thanh tra khác nhau.
Bộ tiêu chí tĩnh và các tiêu chí động được cơ quan thuế xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, cho phép đánh giá rủi ro doanh nghiệp khá toàn diện (ví dụ: mức độ tuân thủ; biến động về kê khai thuế; lịch sử kiểm tra - thanh tra thuế; dấu hiệu chuyển giá; loại hình doanh nghiệp; tình hình tài chính; tình hình sản xuất kinh doanh;).
Các tiêu chí động phục vụ đánh giá rủi ro được từng cục thuế địa phương xây dựng đảm bảo phù hợp với thực tế tại địa phương, do vậy các doanh nghiệp có quy mô tương đương, cùng ngành nghề nhưng khác địa phương có thể có kết quả xếp hạng rủi ro khác nhau, dẫn đến kết quả các doanh nghiệp này được lựa chọn vào kế hoạch kiểm tra - thanh tra hàng năm khác nhau.
Các doanh nghiệp phân loại vào nhóm “rủi ro cao” sẽ phải phát sinh thời gian, chi phí từ kết quả lựa chọn nói trên (thời gian - chi phí cơ hội, nhân lực doanh nghiệp dành cho kiểm tra - thanh tra thuế, chi phí tư vấn…).
Do vậy, doanh nghiệp cần phải có sự tuân thủ một cách toàn diện để đảm bảo được phân loại tuân thủ tốt/rủi ro thấp.
Về góc độ phân loại mức độ tuân thủ, Thông tư số 204 phân loại các trường hợp tiêu biểu thuộc diện đối tượng tuân thủ thấpđể xác định trọng tâm trong việc lựa chọn doanh nghiệp đưa vào kế hoạch kiểm tra - thanh tra (ví dụ: có số lỗ lũy kế vượt quá 50% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tính đến thời điểm đánh giá; hoặc trong thời gian 2 năm liên tục trở về trước tính đến ngày đánh giá bị các cơ quan nhà nước xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế; hoặc bị xử phạt vi phạm trong lĩnh vực kế toán).
Một số đề xuất
Trong bối cảnh ngành thuế hiện nay đang tích cực triển khai các giải pháp để đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, việc áp dụng kiểm tra - thanh tra thuế trên cơ sở rủi ro cần được thực hiện một cách khoa học, minh bạch nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thuế.
Với mục tiêu đó, người viết đề xuất tới cơ quan thuế một số nội dung sau.
Thứ nhất, thông tin về doanh nghiệp, ngoài các thông tin về tuân thủ thuế, còn có các thông tin khác như thông tin về đầu tư (ví dụ tăng vốn đầu tư qua các năm), đóng góp cho địa phương (tạo việc làm, phúc lợi xã hội…) nên được tích hợp đầy đủ vào hệ thống thông tin của cơ quan thuế để đảm bảo đánh giá rủi ro về doanh nghiệp được chính xác, công bằng, trong đó có việc sử dụng các thông tin này trong việc xây dựng và áp dụng bộ chỉ số động tại các địa phương.
Thứ hai, theo các nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, thứ hạng tuân thủ và rủi ro của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào cách lựa chọn tiêu chí và trọng số rủi ro của cơ quan thuế. Các doanh nghiệp hoạt động trong rất nhiều ngành nghề khác nhau với những đặc thù riêng, do đó, các tiêu chí và trọng số rủi ro được xây dựng cũng cần phù hợp với từng ngành nghề để đảm bảo lựa chọn chính xác các doanh nghiệp có rủi ro cao cho mục đích kiểm tra - thanh tra thuế.
Thứ ba, cơ quan thuế cần tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ về phương thức quản lý rủi ro trong kiểm tra - thanh tra thuế; đồng thời công khai hệ thống tiêu chí đánh giá rủi ro, thứ hạng tuân thủ, biện pháp áp dụng nhằm minh bạch hoá quá trình quản lý và tạo động lực tuân thủ cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cán bộ thuế thông qua quá trình làm kiểm tra - thanh tra thuế tại trụ sở doanh nghiệp nên dành thời gian phổ biến, tuyên truyền, tư vấn giúp doanh nghiệp nâng cao tính tuân thủ luật thuế giúp cho việc tự khai, tự nộp của doanh nghiệp đạt hiệu quả cao hơn.
Sau khi nhận thức được mức độ tuân thủ của mình, các doanh nghiệp tuân thủ tốt sẽ yên tâm tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh và được cơ quan thuế tạo điều kiện trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế; ngược lại, những doanh nghiệp tuân thủ chưa tốt sẽ tự soát xét và hoàn thiện hệ thống quản lý của mình nhằm nâng cao thứ hạng tuân thủ nếu không muốn bị cơ quan thuế áp dụng các biện pháp quản lý thuế chặt chẽ hơn.
Thứ tư, cơ quan thuế cũng nên có các hình thức khác nhau (phiếu khảo sát, thư điện tử, đường dây nóng, hội nghị đối thoại….) để ghi nhận ý kiến phản hồi của doanh nghiệp về hiệu quả của áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra - thanh tra thuế.
Thông qua việc phân tích ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp có các đặc điểm tương tự nhau (ví dụ: cùng ngành, có quy mô tương tự nhau, cùng đang hưởng ưu đãi thuế…), cùng với việc tổng kết các kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện, cơ quan thuế nên đánh giá, hoàn thiện hệ thống tiêu chí và trọng số rủi ro một cách thường xuyên, liên tục, đảm bảo lựa chọn đúng doanh nghiệp cần kiểm tra - thanh tra.
Đây cũng là khuyến nghị của các tổ chức quốc tế trong các báo cáo tổng kết kinh nghiệm cải cách thuế tại các quốc gia phát triển và đang phát triển.