Bên cạnh việc tiêm đủ liều vaccine cho hơn một tỷ người dân trong nước, Trung Quốc đã xuất khẩu hơn một tỷ liều và ước tính có thể xuất khẩu tổng cộng hai tỷ liều trong năm nay.
Tuy nhiên, việc quốc gia này trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu trên thị trường vaccine cũng đi liền với những tranh cãi, chủ yếu là do sự thiếu minh bạch và cách nước này công bố dữ liệu về các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, theo tờ SCMP.
Các nhà phân tích nhận định, việc sử dụng công nghệ vaccine truyền thống là virus bất hoạt giúp Trung Quốc nhanh chóng phát triển và đưa vào sản xuất. Dù có hiệu quả giúp giảm bệnh nặng và tử vong, vaccine Trung Quốc được đánh giá là kém hiệu quả bảo vệ hơn các loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA (vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna).
Vài tháng gần đây, khi bắt đầu có thêm nhiều lựa chọn vaccine khác, một số quốc gia đang phát triển đã quay sang các nhà cung cấp vaccine khác do lo ngại về hiệu quả của vaccine Trung Quốc trước biến thể Delta.
Theo các chuyên gia, vai trò của Trung Quốc là nhà cung cấp vaccine hàng đầu cho các nước đang phát triển sẽ không thay đổi trong tương lai. Tuy nhiên, nỗ lực trở thành nước xuất khẩu vaccine lớn với các công nghệ tiên tiến hơn như mRNA của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào việc nước này thử nghiệm các ứng viên vaccine và xác thực dữ liệu liên quan như thế nào.
CUNG VÀ CẦU
Trong nửa đầu năm nay, các loại vaccine Trung Quốc được săn đón ở nhiều quốc gia đang phát triển khi mà các nước phương Tây tập trung vào nhu cầu nội địa – điều mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi là “chủ nghĩa dân tộc về vaccine”.
Tuy nhiên, vài tháng gần đây, một số khách hàng lớn của vaccine Trung Quốc – như Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Bahrain – đã bắt đầu dùng loại vaccine khác để tiêm mũi tăng cường do lo ngại vaccine Trung Quốc kém hiệu quả bảo vệ trước biến thể Delta nguy hiểm.
Thái Lan cũng đang kết hợp vaccine của hãng công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac với vaccine của hãng dược Anh AstraZeneca. Trong khi đó, Nam Phi được cho là đã từ chối 2,5 triệu liều vaccine Sinovac được phân bổ qua COVAX – cơ chế đảm bảo tiếp cận vaccine công bằng toàn cầu. Nigeria cũng chỉ xem 8 triệu liều vaccine của Tập đoàn Y Dược Trung Quốc (Sinopharm) nhận được qua COVAX là vaccine “tiềm năng”.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng khoảng trống trong nguồn cung vaccine toàn cầu vẫn còn đó, vì vậy, các loại vaccine của Trung Quốc sẽ tiếp tục là một nguồn chính đối với các quốc gia đang phát triển.
"Với sự thiếu hụt nguồn cung như hiện nay, hàng tỷ liều vaccine dùng công nghệ virus bất hoạt từ Sinopharm, Sinovac hay Bharat Biotech của Ấn Độ, khi được WHO phê duyệt, sẽ rất quan trọng đối với chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu”, Jerome Kim, Tổng giám đốc Viện vaccine quốc tế, nhận định.
Theo ông Kim, trong trung hạn, khoảng 6-9 tháng quan trọng tới, thế giới cần 11 tỷ liều vaccine.
"Liệu có thể đạt được điều đó mà không có vaccine bất hoạt không? Giờ đây chúng ta cần tiêm 8 tỷ liều và rất có thể sẽ cần tới mọi loại vaccine đã được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp, đặc biệt là những loại có thể bảo quản ổn định ở nhiệt độ thông thường trong thời gian dài”, ông Kim cho biết.
Theo các chuyên gia, dù hiệu quả thấp hơn, nhưng các loại vaccine bất hoạt của Trung Quốc cũng như vaccine sử dụng công nghệ véc-tơ virus của AstraZeneca/Đại học Oxford vẫn đặc biệt quan trọng với các quốc gia đang phát triển, nơi mà hầu hết không có điều kiện cơ sở hạ tầng để bảo quản vaccine mRNA ở nhiệt độ âm 20 đến âm 70 độ.
Huang Yanzhong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu thuộc Đại học Seton Hall, bang New Jersey (Mỹ) cho rằng nhu cầu với các loại vaccine Trung Quốc sẽ vẫn cao, đặc biệt là khi nguồn cung vaccine mRNA eo hẹp hơn bởi một số quốc gia phương Tây quyết định tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dân.
Đến nay, 1/3 dân số thế giới đã được tiêm vaccine đầy đủ. Tuy nhiên, tỷ lệ được tiêm vaccine tại các nước thu nhập thấp là dưới 1%.
CUỘC ĐUA GIAO HÀNG
Ngoài việc phát triển và sản xuất vaccine “thần tốc”, khâu giao hàng của Trung Quốc cũng rất nhanh chóng.
“Giao hàng có thể là một vấn đề tại khu vực Đông Nam Á. Tôi cho rằng một số quốc gia tại khu vực này sẽ tiếp tục sử dụng vaccine Trung Quốc bởi vì Mỹ đang giao vaccine rất chậm”, ông Huang cho biết.
Theo ông Huang, số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt do biến thể Delta cũng khiến nhiều quốc gia buộc phải tiêm bất kỳ loại vaccine nào nhận được, trong đó có vaccine của Trung Quốc.
Trung Quốc đã và đang chú trọng hơn đến các hợp đồng vaccine song phương, đặc biệt cho các nước láng giềng ở Đông Nam Á. Viện trợ chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ trong tổng số vaccine mà Trung Quốc đã xuất ra thế giới.
Theo hãng tư vấn Bridge Consulting, có trụ sở tại Bắc Kinh, tính đến tháng 9, Trung Quốc đã bán 1,24 tỷ liều vaccine ra nước ngoài, trong khi chỉ viện trợ 66 triệu liều. Nước này cam kết tặng thêm 100 triệu liều khác cho cơ chế COVAX vào cuối năm nay.
Tuần trước, Kate O’Brien, Giám đốc bộ phận miễn dịch, vaccine và sinh phẩm của WHO, cho biết đã có một số chậm trễ trong việc cung ứng vaccine Trung Quốc cho COVAX, nhưng Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất gặp phải vấn đề này.
“Đã có một số vấn đề ở phía Trung Quốc trong khâu vận chuyển ra nước ngoài do trở ngại về hàng không, cũng như một số vấn đề khác”, bà O’Brien cho biết.
Không nêu tên quốc gia cụ thể, bà O’Brien kêu gọi các nước viện trợ minh bạch về tiến trình sản xuất và vận chuyển vaccine và minh bạch về việc liệu COVAX hay các hợp đồng bán vaccine được ưu tiên.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tích cực phát triển các loại vaccine sử dụng những công nghệ tiên tiến như vaccine mRNA hay protein.
Tại một hội chợ thương mại đầu tháng này, Sinopharm giới thiệu 4 loại vaccine thế hệ thứ hai do công ty phát triển, bao gồm một ứng viên vaccine sử dụng công nghệ mRNA đang được nghiên cứu. Cùng với đó là vaccine protein tái tổ hợp và vaccine bất hoạt nhắm tới biến thể Delta và Beta.
Học viện Khoa học Quân y, Suzhou Abogen Biosciences và hãng công nghệ sinh học Walvax của Trung Quốc cũng đang hợp tác phát triển một loại vaccine mRNA, dự kiến đưa vào sản xuất hàng loạt vào tháng 10.
Trung Quốc cũng đã cấp phép sử dụng khẩu cấp loại vaccine protein tái tổ hơp đầu tiên, do công ty Chongqing Zhifei Biological Products phát triển. Công ty này cho biết vaccine cần tiêm 3 mũi và có hiệu quả trên 81% trong các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối nhưng không cung cấp chi tiết về dữ liệu.