September 07, 2021 | 13:01 GMT+7

Triều Tiên từ chối nhận gần 3 triệu liều vaccine Covid-19 của Trung Quốc

Trang Linh -

Trước khi từ chối vaccine do công ty Sinovac của Trung Quốc phát triển, Triều Tiên cũng từ chối vaccine của AstraZeneca do lo ngại về tác dụng phụ...

Một bức ảnh của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un do chính phủ nước này cung cấp ngày 6/9 - Ảnh: AP
Một bức ảnh của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un do chính phủ nước này cung cấp ngày 6/9 - Ảnh: AP

Theo tin từ Wall Street Journal, Triều Tiên đã từ chối nhận gần 3 triệu liều vaccine Covid-19 do hãng dược tư nhân Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển. 

Số vaccine này được đề nghị chuyển cho Triều Tiên trong vài tuần gần đây thông qua cơ chế COVAX, một sáng kiến toàn cầu nhằm hỗ trợ các quốc gia thu nhập thấp tiếp cận vaccine Covid-19. Cơ chế này do Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), Liên minh Vaccine, Gavi và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng khởi xướng, UNICEF là đối tác triển khai chính.

Người phát ngôn của UNICEF cho biết biết Bộ Y tế Công cộng Triều tiên đã từ chối số vaccine này với lý do nguồn cung vaccine trên thế giới còn hạn chế và dịch bệnh vẫn đang lây lan, đồng thời đề nghị chuyển vaccine cho những nước bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Đến nay, Triều Tiên chưa báo cáo ca nhiễm Covid-19 nào với WHO. Quốc gia này vẫn tiếp tục đóng cửa biên giới. Truyền thông nhà nước Triều Tiên liên tục kêu gọi toàn dân cảnh giác trong chiến dịch phòng chống dịch bệnh quốc gia. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un của Triều Tiên từng nhấn mạnh việc ngăn chặn dịch bệnh bùng phát là vấn đề sống còn của quốc gia.

Triều Tiên trước đó đã đăng ký với COVAX để được hỗ trợ vaccine, nhưng đến nay chưa nhận bất kỳ liều vaccine nào. Lô vaccine gồm khoảng 2 triệu liều AstraZeneca dự kiến chuyển cho Triều Tiên trước đó đã bị trì hoãn.

Bên trong Triều Tiên, không ít người bày tỏ sự nghi ngờ về hiệu quả với vaccine Covid-19. Truyền thông nhà nước Triều Tiên từng đưa tin về nhiều trường hợp gặp phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine ở Mỹ và châu Âu. Hồi tháng 5, một tờ báo lớn tại nước này khẳng định: “Vaccine không phải thuốc chữa cho mọi vấn đề”.

Trên thế giới, một số quốc gia đã sử vaccine Covid-19 do công ty Sinovac phát triển, như Thái Lan và Indonesia, cũng tỏ ra thận trọng về hiệu quả bảo vệ của loại vaccine này. Các quốc gia này đều tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine của phương Tây phát triển cho nhân viên y tế đã tiêm 2 mũi Sinovac.

Các cuộc thử nghiệm lâm sàng của vaccine Sinovac cho thấy hiệu quả bảo vệ khỏi các triệu chứng là khoảng 51%, nhưng không có nhiều dữ liệu về hiệu quả của vaccine này chống lại các biến thể mới. Tuy nhiên, vaccine này đã được WHO cấp phép để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Theo báo cáo hồi tháng 7 của một tổ chức tư vấn thuộc cơ quan tình báo Hàn Quốc, trước khi từ chối vaccine Sinovac, Triều Tiên cũng từ chối vaccine của AstraZeneca do lo ngại về tác dụng phụ. Cũng trong tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Nga cho biết Moscow đã nhiều lần đề nghị cung cấp vaccine Sputnik do nước này phát triển cho Triều Tiên. Tuy nhiên, hiện không rõ Bình Nhưỡng có đồng ý với các đề nghị này không.

Mỹ và Hàn Quốc mới đây đã thảo luận về việc hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên, có thể bao gồm việc viện trợ liên quan tới Covid-19. Tuyên bố về việc không ghi nhận ca Covid-19 nào của Bình Nhưỡng vấp phải sự nghi ngờ của các chuyên gia y tế hiểu biết về hệ thống cơ sở hạ tầng lạc hậu của nước này. Các chuyên gia nhận định nếu không tiêm vaccine ngừa Covid-19 rộng rãi, Triều Tiên khó có thể vận hành nền kinh tế vốn phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc.

Theo Wall Street Jouranl, bên trong Triều Tiên, mối lo về Covid-19 vẫn rất lớn. Hồi tháng 6, ông Kim Jong Un đã cảnh cáo các quan chức hàng đầu của nước này về những sai sót trong phòng chống dịch Covid-19, dù không nêu cụ thể đó là sai sót gì. Truyền thông nhà nước Triều Tiên kêu gọi người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng, khẳng định “Không thể có sự nhượng hộ hay lười biếng trong chiến dịch phòng chống dịch”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate