March 16, 2024 | 18:49 GMT+7

Quảng Nam: Công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Văn Anh -

Quyết định số 72/QĐ-TTg, ngày 17/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thể hiện tư duy đổi mới, quan điểm, mục tiêu và tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển đất nước...

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Sáng ngày 16/3, tại TP. Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khai mạc “Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024”. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành ở Trung ương, tỉnh Quảng Nam tham dự.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh: "Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thể hiện mục tiêu, tầm nhìn chiến lược để tỉnh Quảng Nam khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường sinh thái; vững vàng trên hành trình phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên".

Ông Lê Trí Thanh cho biết xác định công tác lập quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ khó khăn và quan trọng hàng đầu để định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực gắn với không gian kinh tế - xã hội trên cơ sở liên kết cùng các địa phương trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của tỉnh Quảng Nam trong hiện tại và tương lai. Vì vậy Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương của tỉnh cùng đơn vị tư vấn chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong khu vực khảo sát, đánh giá làm rõ các tiềm năng, lợi thế, hạn chế, cơ hội và thách thức của tỉnh Quảng Nam.

Theo ông Thanh, các qui hoạch ngành, qui hoạch vùng, quốc gia có tác động tích cực đến sự phát triển của tỉnh để hoàn thành bản dự thảo qui hoạch, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Trên cơ sở đó trình Hội đồng thẩm định thông qua, đảm bảo chất lượng, tiến độ và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg, ngày 17/01/2023.

QUY HOẠCH HAI VÙNG, HAI CỤM ĐỘNG LỰC, BA HÀNH LANG PHÁT TRIỂN

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển các quan điểm của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020-2025; đồng thời cập nhật, bổ sung các quan điểm, định hướng phát triển mới phù hợp với thực tiễn và xu thế của thời đại. Với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển cảng hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp ô tô, công nghiệp cơ khí, điện khí mang tầm khu vực; hình thành trung tâm công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, dược liệu, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị đồng bộ gắn kết với nông thôn.

Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khai mạc “Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024”.
Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khai mạc “Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024”.

Theo Quy hoạch, về tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam, được làm rõ qua mô hình cấu trúc: hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển. Trong đó, mỗi không gian được định vị các lĩnh vực quan trọng có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực trong tương lai.

Hai vùng bao gồm vùng Đông và vùng Tây, trong đó: Vùng Đông gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển, là vùng động lực của tỉnh với các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; tập trung các đô thị lớn, trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh. Tam Kỳ là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo; Hội An là đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch, giao lưu quốc tế với các sản phẩm đặc sắc có chiều sâu văn hóa; Điện Bàn là đô thị phát triển công nghiệp, khoa học, đổi mới sáng tạo.

Vùng Tây gồm các huyện miền núi: Là vùng bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên; phát triển vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia, với Sâm Ngọc Linh là sản phẩm chủ lực để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tự nhiên; kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác thuỷ điện, khoáng sản; bảo vệ khu vực biên giới.

Hai cụm động lực gồm: Cụm Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc; Cụm Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh.

Ba hành lang phát triển gồm: Hành lang động lực kinh tế ven biển từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến ven biển: Tập trung các không gian công nghiệp sinh thái, công nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh và chuỗi đô thị sông, biển gắn với cảng biển và Cảng hàng không Chu Lai. Hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh thuộc không gian phía Tây của tỉnh: Tập trung công nghiệp thuỷ điện, khai thác, chế biến khoáng sản, nông, lâm nghiệp, bảo tồn, phát huy văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số; là cửa ngõ giao thương với các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Thừa Thiên Huế. Hành lang dọc quốc lộ 14B và quốc lộ 14E nối lên quốc lộ 14D đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang: Là trục giao lưu với vùng kinh tế Tây Nguyên và Nam Lào - Bắc Campuchia.

Để thực hiện được mục tiêu phát triển đến năm 2030, có 05 nhóm mục tiêu về: kinh tế; văn hóa - xã hội; môi trường, sinh thái; kết cấu hạ tầng; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; trong đó: mục tiêu về kinh tế với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.500 USD; mục tiêu về kết cấu hạ tầng, với đầu tư Cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế với quy mô cấp 4F, Cảng biển Quảng Nam đạt tiêu chuẩn loại I tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT.

VAI TRÒ CỦA CỰC TĂNG TRƯỞNG QUAN TRỌNG KHU VỰC MIỀN TRUNG – TÂY NGUYÊN

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng Quảng Nam được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử, kiên trung trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc với nhiều chiến công lẫy lừng và cũng là nơi sản sinh, nuôi dưỡng nhiều chí sĩ yêu nước, các vị văn thần, võ tướng, các nhà hoạt động cách mạng và nhà lãnh đạo tài ba của đất nước. Là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, Quảng Nam nằm ở trung độ của cả nước, có đầy đủ hạ tầng hàng không, đường biển, cảng biển, đường sắt, đường bộ và cửa khẩu quốc tế; có diện tích lớn với đường bờ biển dài, dân số đông, có vị trí địa lý thuận lợi để kết nối các tỉnh, thành phố trong nước cũng như các nước trong khu vực; là địa điểm triển khai mô hình Khu kinh tế mở đầu tiên trong cả nước, trở thành một cửa ngõ hội nhập của quốc gia. Ngoài ra, Quảng Nam được đánh giá là tỉnh thực hiện tốt việc bảo tồn đa dạng sinh học, không những trong nước mà các tổ chức quốc tế công nhận và đáng giá cao.

Quảng Nam cũng là nơi hội tụ các nền văn hóa lâu đời, nơi kết tinh nhiều giá trị tinh hoa, đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều danh lam, thắng cảnh, di sản văn hóa, đặc biệt có 02 di sản văn hóa thế giới và các di tích lịch sử nổi tiếng. Bên cạnh đó, con người Quảng Nam giàu lòng yêu nước, nặng nghĩa tình, anh dũng, kiên cường, có tinh thần lao động cần cù, vượt khó, sáng tạo và có khát vọng vươn lên để đổi mới, phát triển. Đây là tài sản vô giá, là hành trang để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Nam xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu mạnh.

“Có thể khẳng định, Quảng Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế, dư địa cho sự đầu tư và phát triển trong tương lai về kinh tế, văn hóa, du lịch, nguồn nhân lực để phát triển thành tỉnh khá của cả nước, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, Quy hoạch tỉnh Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg, ngày 17/01/ 2023 thể hiện tư duy đổi mới, quan điểm, mục tiêu và tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển đất nước, mục tiêu phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ với tư duy kinh tế xanh, hài hòa với tự nhiên; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm phát triển toàn diện, bền vững.

Quy hoạch là công cụ quan trọng để tỉnh hoạch định phương hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ đảm bảo tính kết nối đồng bộ; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực để phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững trong thời gian đến.

Bên cạnh đó, Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Quảng Nam, được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Quảng Nam tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở đảm bảo hài hòa ba yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường, gắn với 04 trụ cột chính là du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp năng lượng; thương mại, dịch vụ logistics và nông, lâm, thủy sản ứng dụng công nghệ cao.  

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ngoài cùng bên phải) trao Quyết định Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ngoài cùng bên phải) trao Quyết định Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.

Phó Thủ tướng lưu ý: Thực tiễn cho thấy một bản Quy hoạch dù được nghiên cứu công phu và khả thi đến mấy cũng không trở thành hiện thực nếu việc tổ chức thực thi và giám sát thực thi không được tổ chức hiệu quả. Nhân tố quyết định thành công chính là quyết tâm chính trị cao, tinh thần năng động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của Đảng bộ, chính quyền các cấp và vai trò của Nhân dân là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển và giám sát việc thực hiện bản Quy hoạch này.

Theo Phó Thủ tướng, thực tế trong những năm qua, Quảng Nam luôn tiên phong trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và quan tâm đến định hướng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, hài hòa giữa môi trường và phát triển. Tuy nhiên, thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh cần có những bước đi cụ thể hơn trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Chủ động kiến tạo, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế; phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, hài hòa với tự nhiên, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững.

NĂM GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN QUẢNG NAM

Để Quảng Nam phát triển theo đúng tầm nhìn và định hướng trong Quy hoạch tỉnh, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cần thực hiện tốt 7 nhiệm vụ, giải pháp.

Một là, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thật chi tiết, khoa học, phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tiễn của địa phương; triển khai các quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, tổ chức không gian lãnh thổ, để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn. Gắn kết phát triển hạ tầng với phát triển đô thị, công nghiệp; tập trung vào những ngành như du lịch, công nghiệp chế biến, dịch vụ logistics, cảng biển, tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối.

Tập trung chỉ đạo, tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục hồi đa dạng sinh học tầm quốc tế, quốc gia đến các hoạt động cụ thể, thiết thực của các cộng đồng dân cư, mỗi gia đình, người dân nhằm cụ thể hoá việc phát triển bền vững, phát triển xanh, hài hoà giữa phát triển và bảo vệ môi trường theo định hướng của Quy hoạch tỉnh; gắn với tham gia hưởng ứng Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái 2021 – 2030 của Liên hợp quốc, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế tại Hội nghị lần thứ 15 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học.

Hai là, công bố công khai, rộng rãi Quy hoạch tỉnh, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội; đặc biệt là để Nhân dân thực hiện quyền giám sát việc thực thi Quy hoạch tỉnh. Lựa chọn đầu tư phát triển các công trình có điểm nhấn, dự án có ý nghĩa lan tỏa để tạo động lực dẫn dắt thúc đẩy nguồn lực xã hội. Các nguồn lực được tạo ra từ Quy hoạch như giá trị đất đai, tài nguyên thiên nhiên,… cần được đầu tư trở lại cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, giáo dục và đào tạo, phúc lợi xã hội, chia sẻ hài hòa giữa các địa phương và nhà nước, người dân, doanh nghiệp để mang lại lợi ích tổng thể cho phát triển.

Ba là, nguồn lực quan trọng nhất, tài nguyên quan trọng nhất cho Quảng Nam phát triển là con người và động lực phát triển mạnh mẽ nhất đó là nhân tài. Nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ sẽ là chìa khóa tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh các ngành thế mạnh.

Bốn là, tiếp tục ưu tiên đầu tư, phát triển hệ thống đô thị theo hướng bền vững trên cơ sở định hướng của Quy hoạch tỉnh. Trong đó, chú trọng đầu tư hệ thống giao thông, đô thị, các công trình công cộng theo hướng xanh và thông minh. Đặc biệt, cần quản lý kiến trúc, cảnh quan gắn với bảo tồn, tu bổ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của tỉnh nhà và của dân tộc.

Năm là, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, tăng năng suất cạnh tranh các ngành, lĩnh vực thế mạnh, trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo,...

Sáu là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường công khai, minh bạch, lắng nghe, đối thoại để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Bảy là, tiếp tục tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ công chức viên chức có chất lượng, được đào tạo bài bản; đổi mới tác phong, lề lối làm việc. Đặc biệt quan tâm đến công tác dân tộc, tôn giáo, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate