Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra từ ngày 10-12/7, các đại biểu đã xem xét và biểu quyết thông qua 21 nghị quyết quan trọng liên quan đến đời sống, sản xuất phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các nghị quyết được thông qua lần này nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của pháp luật, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và phù hợp với tình hình thực tế địa phương, tạo sự thống nhất, đồng bộ về pháp lý trên các lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Đáng chú ý, các đại biểu đã thống nhất cao việc ban hành Nghị quyết Quy định mức thu phí, lệ phí “không đồng” trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 22/7/2024 và thay thế Nghị quyết số 07 ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh về quy định mức thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND cấp tỉnh đối với hoạt động cung cấp DVCTT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, HĐND tỉnh quy định mức thu phí, lệ phí "không đồng" đối với các dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh khi thực hiện DVCTT đối với 8 khoản phí gồm: Phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Phí đăng ký biện pháp bảo đảm; Phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động cơ sở thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; Phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; Phí thẩm định hồ sơ, điều kiện hành nghề khoan nước dưới đất; Phí thẩm định đề án khai thác, sử dụng nước mặt; Phí thẩm định đề án, báo cáo thăm dò đánh giá trữ lượng, khai thác, sử dụng nước dưới đất; Phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường. Và 5 khoản lệ phí gồm: Lệ phí đăng ký kinh doanh; Lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Lệ phí cấp giấy phép xây dựng; Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất; Lệ phí hộ tịch.
Theo Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam, cho biết ngày 28/6/2024 UBND tỉnh đã có Tờ trình số 4792-UBND đề nghị mức thu không đồng đối với 13 khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh ( gồm 8 khoản phí và 5 khoản lệ phí) khi tổ chức, cá nhân giải quyết thủ tục hành chính sử dụng DVCTT trên địa bàn tỉnh là đảm bảo quy định pháp luật, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách tỉnh.
Ban Kinh tế - ngân sách đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng DVCTT; hướng dẫn, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến, số hóa hồ sơ thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng mạng, thiết bị công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo đồng bộ, nhất là đối với khu vực miền núi…
Trước đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các tổ chức dễ dàng tiếp cận sử dụng DVCTT, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 102 về triển khai các nhiệm vụ CĐS năm 2024 theo Quyết định số 58/QĐ-UBQG CĐS, ngày 19/4/2024 của Ủy ban Quốc gia về CĐS.
Theo đó, tỉnh Quảng Nam ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các chương trình, chiến lược của quốc gia về CĐS, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đặc biệt là nguồn lực tạo lập, khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Mục tiêu cụ thể của tỉnh là: Có 60% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải; 40% người dân trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Hoàn thành triển khai 25 dịch vụ công theo Đề án 06 và 28 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 422, ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ…