Đáng chú ý, số thu đạt cao nhất là từ hoạt động của Nhà máy lọc dầu Dung Quất ước đạt 12.036 tỷ đồng, bằng 177,4% dự toán; Thu tiền sử dụng đất ước đạt 1.200 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh thu 656 tỷ đồng, cấp huyện thu 544 tỷ đồng; Các khoản thu còn lại ước đạt 6.761 tỷ đồng, bằng 107,6% dự toán, bằng 104,9% so với thực hiện năm 2022.
Một số khoản thu nội địa cũng đạt cao như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước Trung ương ước đạt 12.301 tỷ đồng, bằng 173,9% dự toán; Nguồn thu từ khu vực này tăng so với dự toán HĐND tỉnh giao là 5.225 tỷ đồng, chủ yếu tăng thu từ hoạt động của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Dự kiến cả năm 2023, Nhà máy lọc dầu Dung Quất tiêu thụ 7,04 triệu tấn sản phẩm.
Theo báo cáo đánh giá, năm 2023, giá dầu thô thế giới tăng cao, ước cả năm bình quân ở mức khoảng 88 USD/thùng (trong kho đó giá dầu thô khi UBND tỉnh giao dự toán là 70 USD/thùng) dẫn đến số thu từ hoạt động của Nhà máy lọc dầu Dung Quất vượt 77,4% so dự toán tỉnh giao, góp phần làm tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Thu từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng đạt cao, ước đạt 837 tỷ đồng, bằng 147,9% dự toán, bằng 159,4% so với cùng kỳ. Vượt cao so với dự toán giao và so với cùng kỳ, chủ yếu vượt thu từ Công ty CP Doosan Vina.
Thu từ khu vực công thương nghiệp - dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 3.466 tỷ đồng, bằng 108,3% dự toán giao; Trong đó: Thu từ Công ty CP Bia Sài Gòn – Quảng Ngãi: Dự kiến cả năm tiêu thụ 159 triệu lít, nộp ngân sách 1.870 tỷ đồng, đạt 113,5% so với dự toán giao; Thu từ Công ty CP Đường Quảng Ngãi, các khoản thuế nộp ngân sách cả năm 416 tỷ đồng, đạt 110,6% dự toán.
Số thu từ các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh còn lại, ước cả năm thu 1.132 tỷ đồng, đạt 100,4% dự toán, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Trong đó thu từ cá nhân kinh doanh là 68,5 tỷ đồng, tăng 44,4%% so với cùng kỳ; Thuế thu nhập cá nhân ước đạt 500 tỷ đồng, bằng 100% dự toán giao...
Một số lĩnh vực thu đạt thấp như thuế bảo vệ môi trường ước thu 515 tỷ đồng, bằng 69,6% dự toán, nguyên nhân chủ yếu do tác động giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu theo Nghị quyết 30/2022/UBTVQH15 của Quốc hội (trong khi dự toán giao đầu năm không tính đến việc giảm 50% thuế Bảo vệ môi trường). Thu tiền sử dụng đất ước đạt 1.200 tỷ đồng (trong đó ghi thu tiền sử dụng đất là 143 tỷ đồng), bằng 46,7% dự toán.
Nguyên nhân một số khoản thu không đạt dự toán giao như: Lệ phí trước bạ, thuế bảo vệ môi trường, thu tiền sử dụng đất, phí, lệ phí. Chính phủ đã ban hành một số chính sách miễn, giảm thuế (như giảm thuế GTGT đầu ra từ 10% xuống 8%; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu...) nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi phát triển kinh doanh đã làm giảm thu ngân sách nhà nước ở một số nguồn thu, sắc thuế.
Bên cạnh đó là, việc thu từ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và thu tiền sử dụng đất không đảm bảo dự toán giao đã làm ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư từ các nguồn vốn này.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng năm 2023, tình hình kinh tế trong nước còn nhiều phức tạp, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn, Cục Thuế tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt như: Đối với doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật thuế nhưng gặp khó khăn về tài chính thì cho cam kết nộp dần tiền thuế nợ, đồng thời chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định của pháp luật, quyết liệt xử lý, thu hồi nợ đọng thuế đối với các doanh nghiệp chây ỳ thực hiện nghĩa vụ với NSNN, giảm nợ đọng thuế... Vì vậy, tỉnh Quảng Ngãi thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023 vượt dự toán do Trung ương giao.