Cụ thể, trong tháng 01/2023, tổng doanh thu ngành du lịch của tỉnh Quảng Ninh đạt 3.520 tỷ đồng, tăng gấp 15,4 lần cùng kỳ năm 2022. Tổng lượng khách đến tỉnh đạt 1,6 triệu lượt, tính riêng trong 7 ngày nghỉ Tết Quý Mão, toàn tỉnh đón gần 700.000 lượt khách, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Trong đó thị trường khách quốc tế đã dần khôi phục trở lại với trên 17.000 lượt khách.
Một số điểm du lịch nổi tiếng cũng đón lượng khách tăng từ 40 - 50% như: Vịnh Hạ Long đón khoảng 40.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 15.550 lượt; khu vui chơi giải trí Sunworld Hạ Long đón gần 14.000 lượt khách. Khách lưu trú tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ước đạt gần 230.000 lượt; tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng từ 30 - 40%. Nhiều địa phương như: Thị xã Đông Triều đón gần 100.300 lượt khách, huyện Vân Đồn đón 110.600 lượt khách, TP. Móng Cái đón gần 10.100 lượt khách; TP. Uông Bí đón gần 130.000 du khách...
Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 01/2023 của Quảng Ninh đạt kết quả khá ấn tượng, tăng 10,33% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng 8,99%. Kế hoạch phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã tiếp tục khởi sắc với số lượng tới 151 đơn vị đăng ký thành lập mới, đứng thứ 4 vùng đồng bằng Sông Hồng, đứng thứ 12/63 tỉnh thành, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, trong 30 ngày đầu tiên của năm 2023, tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái đạt 73.499 tấn, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tại cửa khẩu cầu Bắc Luân II, trung bình mỗi ngày có 94 phương tiện, với khoảng gần 1.500 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu. Ở Lối mở km3 + 4 Hải Yên trung bình mỗi ngày có 147 phương tiện với gần 1.900 tấn hàng hóa được thông quan.
Phần lớn là sản phẩm hoa quả, bột sắn, thủy sản và hàng khô xuất sang Trung Quốc. Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam chủ yếu vẫn là hàng vải, linh kiện điện tử và hàng tạp…
Kể từ ngày mở cửa trở lại 8/1, lượng người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái cũng đang dần nhộn nhịp, tổng lượng người xuất nhập cảnh đạt 5.361 người. Trong đó, nhập cảnh là 889 người (chủ yếu là người Việt Nam); xuất cảnh là 4.472 người (chủ yếu là người Trung Quốc).
Cùng với những tín hiệu tích cực trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, giao thương. Công tác đảm bảo an sinh xã hội cũng luôn được các cấp lãnh đạo Tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm, các Chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng Nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang được Tỉnh ủy Quảng Ninh nỗ lực tập trung thực hiện.
Những nhiệm vụ khác như quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường, chuyển đổi số được thúc đẩy, tăng cường; công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án trọng điểm, động lực, các dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp được tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ. Công tác thanh tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo giải quyết; quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong tháng 01/2023 chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) của Quảng Ninh có số tăng không đáng kể, nguyên nhân chủ yếu do người lao động trong các ngành về ăn tết sớm.
Để triển khai hiệu quả các kế hoạch, nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Cao Tường Huy (quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh) yêu cầu: các đơn vi liên quan cần sớm hoàn thiện kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023 của tỉnh, từ đó có căn cứ cụ thể để triển khai ngay các nhiệm vụ đã đề ra. Đặt mục tiêu Quảng Ninh sẽ tăng trưởng trên 11% so với năm 2022.
Đó cũng là cơ sở để các đơn vị, các cấp chính quyền trên địa bàn Quảng Ninh nhanh chóng cụ thể hóa chương trình hành động của từng đơn vị, Bám sát chủ đề công tác năm của tỉnh về “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”.
Ông Huy cũng yêu cầu các đơn vị liên quan luôn bám sát diễn biến dịch Covid - 19 và các loại dịch bệnh khác để chủ động các biện pháp phòng, chống bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, ổn định phát triển kinh tế - xã hội.