Theo báo cáo của Sở Xây dựng Quảng Ninh, qua rà soát của các địa phương, địa bàn tỉnh hiện có khoảng 362 nhà thuộc diện nhà tạm, nhà dột nát theo các tiêu chí phân loại của Bộ Xây dựng đến thời điểm 30/3/2022 (trong đó có 260 hộ thuộc diện xây mới, 102 hộ sửa chữa).
Chủ hộ thuộc các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021-2025 và các hộ khó khăn khác về nhà ở, chủ yếu là hộ người khuyết tật, neo đơn.
Trong đó, thành phố Cẩm Phả là địa phương có số nhà thuộc diện cần xây mới, sửa chữa nhiều nhất với khoảng 84 hộ; thị xã Quảng Yên, thành phố Uông Bí, thị xã Đông Triều lần lượt là 69, 65 và 53 nhà. Thành phố Hạ Long và huyện Cô Tô không có hộ thuộc diện cần xóa nhà tạm...
Việc triển khai xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn là chủ trương có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn của tỉnh Quảng Ninh vừa để cụ thể hóa chủ đề công tác năm 2023 về nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, vừa góp phần hoàn thiện tiêu chí nhà ở dân cư trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các xã.
Để thực hiện thành công chủ trương này đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng, địa phương tập trung thực hiện.
Theo đó, về nguồn lực, huy động sức mạnh tổng hợp và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị, hệ thống chính trị toàn tỉnh tham gia hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát; đồng thời, phát huy vai trò chủ thể của hộ gia đình được thụ hưởng hỗ trợ.
Đồng thời, phát huy cao nhất vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, trong đó cấp tỉnh giữ vai trò nòng cốt; cấp huyện là nơi trực tiếp thực hiện, gắn với trách nhiệm của đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong xác định đối tượng, tổ chức triển khai công việc, giám sát kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thành và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện.
Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc thống nhất mức hỗ trợ đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn cũng như sự hài hòa, hợp lý và tính đặc thù của các địa bàn. Tỉnh Quảng Ninh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo nhằm đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nguồn lực tổ chức thành công chủ trương này.
Theo dự kiến, phương án hỗ trợ được đề xuất ở mức 80 triệu đồng/hộ đối với trường hợp xây mới nhà ở (cao hơn mức hỗ trợ của Trung ương từ 36 - 40 triệu đồng); hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa nhà ở (cao hơn mức hỗ trợ của Trung ương 20 triệu đồng).
Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến khoảng 24,88 tỷ đồng từ Quỹ vì người nghèo của tỉnh, các địa phương và nguồn xã hội hoá. Trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục rà soát để đảm bảo đúng đối tượng, thụ hưởng đúng chính sách.
Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, đến hết năm 2022, toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo, chiếm 0,067%; 2.454 hộ cận nghèo, chiếm 0,635% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Quảng Ninh hoàn thành trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Tỉnh không có huyện nghèo, xã nghèo; riêng TP. Hạ Long không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; Thị xã Quảng Yên, huyện Vân Đồn, huyện Cô Tô không còn hộ nghèo; 9/13 địa phương tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ có hoàn cảnh thật sự khó khăn, thu nhập gần sát với chuẩn nghèo của trung ương, nhưng chưa đủ điều kiện để đưa vào diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.