Đây là lần thứ 2 tỉnh Quảng Ninh đứng ở vị trí cao nhất trên bảng xếp hạng PAPI trong 12 năm tham gia khảo sát. Các vị trí tiếp theo lần lượt là Bình Dương đứng thứ 2 với điểm tổng hợp đạt 47,44 điểm; Thanh Hóa đứng thứ 3 với điểm tổng hợp đạt 46,01 điểm…
Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam từ năm 2009… Đây là chương trình khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam với nội dung đánh giá xây dựng, thực thi và giám sát chính sách và cung ứng các dịch vụ công.
Các trục nội dung được thiết kế đặc biệt cho bối cảnh Việt Nam - tầm quốc gia và cấp địa phương, coi người dân như “khách hàng” của cơ quan công quyền, có đủ năng lực giám sát và đánh giá tính hiệu quả của quản trị và hành chính công ở địa phương, tạo động lực để lãnh đạo các cấp tại địa phương ngày càng nâng cao hiệu quả quản lý của mình.
Khảo sát PAPI được thực hiện liên tục qua từng năm, trên phạm vi toàn quốc. Quảng Ninh đã có 12 năm tham gia khảo sát PAPI và lần đầu tiên đứng ở vị trí cao nhất trên bảng xếp hạng Chỉ số PAPI là năm 2020.
Năm 2022, theo báo cáo phân tích chung ở cả 8 trục chỉ số của bảng xếp hạng PAPI, điểm số của Quảng Ninh đều nằm trong nhóm cao nhất toàn quốc. Trong đó, tỉnh có 4 trục nội dung dẫn đầu toàn quốc gồm: Công khai trong việc ra quyết định với người dân đạt 6,37 điểm; Trách nhiệm giải trình với người dân đạt 4,58 điểm; Thủ tục hành chính công đạt 7,65 điểm; Quản trị điện tử đạt 3,70 điểm.
Chỉ số PAPI của Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về cũng là phản ảnh rất trung thực, đặc biệt ấn tượng song hành cùng kết quả Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu chỉ số kinh tế cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022 với 72,95 điểm trên thang điểm 100.
Kết quả này đến từ nỗ lực không ngừng phát huy nhiều sáng tạo trong thu hút đầu tư và cải cách hành chính của Quảng Ninh. Với 93% ý kiến đánh giá “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả” và 91% ý kiến đồng ý “thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định”. Đặc biệt, 78% doanh nghiệp đánh giá “giáo dục phổ thông tại Quảng Ninh có chất lượng tốt” và 69% doanh nghiệp nhận định “giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng tốt”.
Báo cáo PCI năm 2022 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Đây là cuộc khảo sát do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Được thực hiện bài bản và khoa học hàng năm theo các chuẩn mực cao của thế giới, phản ánh cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế về môi trường kinh doanh tại Việt Nam trên nhiều khía cạnh như: thủ tục đầu tư, thuế, bảo hiểm xã hội, đất đai, xuất nhập khẩu, chất lượng lao động…
Như vậy, Quảng Ninh đã duy trì 6 năm liên tiếp xếp ở vị trí quán quân và 10 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước, giữ vị trí Á quân lần lượt là Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa Vũng Tàu...
Kết quả ấn tượng khi đứng đầu toàn quốc cả về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cùng chỉ số kinh tế cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong nỗ lực phát triển Kinh tế - Xã hội; phản ánh thực chất, khách quan các giải pháp đồng bộ của tỉnh Quảng Ninh triển khai trong thời gian qua.
Thiết thực nâng cao hiệu quả điều hành của bộ máy chính quyền, đáp ứng sự hài lòng của người dân, khẳng định sự quyết tâm của Quảng Ninh trong nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh một cách hiệu quả. Đẩy mạnh công khai, minh bạch tại các đơn vị, địa phương; tiếp tục khẳng định niềm tin, sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và từng người dân đối với công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh Quảng Ninh dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào...