July 11, 2021 | 13:03 GMT+7

Quen mắt với tham nhũng vặt?

Tham nhũng vặt tuy là nhỏ nhưng nếu không xử lý có thể chuyển hóa thành tham nhũng lớn...

Tham nhũng vặt đang có nguy cơ trở thành một phần trong cuộc sống, thậm chí nhiều người còn xem đó là nhu cầu tất yếu để giải quyết công việc nhanh hơn…
Tham nhũng vặt đang có nguy cơ trở thành một phần trong cuộc sống, thậm chí nhiều người còn xem đó là nhu cầu tất yếu để giải quyết công việc nhanh hơn…

“Tham nhũng vặt đang được xem là một phần trong cuộc sống, thậm chí họ xem đó là nhu cầu tất yếu để giải quyết công việc nhanh hơn…”, đó là nhận định được các chuyên gia pháp lý đưa ra tại Hội thảo “Góp ý thực trạng phòng, chống tham nhũng vặt ở Việt Nam và trên thế giới” do Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vừa qua.

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Lã Khánh Tùng, Giảng viên Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội thừa nhận rằng hiện nay tham nhũng vặt đang diễn ra khắp nơi, thường xuyên nên chúng ta đã thấy “quen mắt” và gần như không còn bức xúc, phẫn nộ trước những hành vi này…

MỨC ĐỘ NHỎ NHƯNG XẢY RA THƯỜNG XUYÊN TRÊN DIỆN RỘNG

TS. Lã Khánh Tùng dẫn chứng ra một số trường hợp cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông phục bắt những lỗi nhỏ của người tham gia giao thông rồi cho qua, không lập biên bản vi phạm khi nhận được vài trăm nghìn đồng.

Chuyện cảnh sát giao thông đứng chờ một chỗ nhất định trên quốc lộ yêu cầu dừng tất cả các xe tải, xe khách để thu “mãi lộ” một vài trăm nghìn đồng mỗi xe đang diễn ra hàng ngày. Rồi đến việc xin học cho con là quyền của cha mẹ được pháp luật bảo hộ nhưng phải chạy bằng tiền để được vào những trường ưng ý…

Hoặc ngay đến cả những nơi cứu người như bệnh viện, chuyện phong bì cho bác sỹ, “hoa hồng” kê đơn thuốc… đã thành chuyện thường xuyên có thể bắt gặp hàng ngày…

Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, cũng có những đặc thù của hành vi tham nhũng nói chung nhưng tham nhũng vặt có đặc điểm riêng là quy mô nhận tiền, quà… nhỏ. Do mức độ tham những nhỏ nên diễn ra thường xuyên, ở mọi ngóc ngách cuộc sống.

Tuy là nhỏ nhưng nếu không xử lý có thể chuyển hóa thành tham nhũng lớn.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Giảng viên Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, mặc dù tham nhũng vặt không đủ tác động để phá vỡ các khuôn khổ xã hội và thể chế quản lý đã được thiết lập nhưng lại có tác động tiêu cực lớn đến đời sống.

Cũng theo bà Nguyễn Thùy Dương, chính tham nhũng vặt đã sản sinh ra những tác động tiêu cực đến tiêu chuẩn, chất lượng sống của người dân. Những hành vi này làm xói mòn niềm tin của công chúng đối với các thể chế Nhà nước và nền pháp quyền.

Ngoài ra, cho dù hành vi mức độ của tham nhũng vặt nhỏ nhưng thực tế đang diễn ra khá thường xuyên trên diện rộng trong xã hội nên mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu của Nhà nước từ việc thu thuế là không nhỏ.

NHỮNG GIẢI PHÁP XỬ LÝ THAM NHŨNG VẶT

Chia sẻ về những giải pháp xử lý tình trạng tham nhũng vặt, ông Nguyễn Quốc Văn - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra – Thanh tra Chính phủ, cho rằng thực tế cho thấy tham nhũng lớn thường phát hiện qua cơ quan nhà nước còn tham nhũng vặt phát hiện qua phản ánh kiến nghị của người dân.

Do đó, phải có chính sách để thúc đẩy vai trò của người dân trong việc đấu tranh với tham nhũng vặt. Cùng với đó là tăng cường chế tài xử lý, giám sát cán bộ công chức có hành vi tham nhũng vặt.

Bà Nguyễn Thùy Dương thì đề  xuất giải pháp ở khía cạnh pháp  lý. "Việc quan trọng nhất là phải giảm tải các gánh nặng về thủ tục hành chính, hạn chế sự tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ thực thi chính sách".

Ngoài ra, cũng cần có những chính sách để đảm bảo mức lương phù hợp cho cán bộ công chức để không còn tình trạng tham nhũng vặt. Tăng cường cơ chế giám sát, khuyến khích người dân nói không với tham nhũng vặt…

Nhiều ý kiến khác tại  hội thảo cũng lưu ý  rằng nên tận dụng ứng dụng công nghệ vào đấu tranh phòng chống tham nhũng vặt. Theo đó, người dân có thể tố cáo tham nhũng vặt qua điện thoại, gửi hình ảnh trực tiếp cho cơ quan có thẩm quyền và phải được xử lý ngay.

Theo các chuyên gia pháp lý, đến nay Việt Nam chưa có báo cáo chính thức nào về tình trạng tham nhũng vặt nhưng đây lại là chuyện xảy ra hàng ngày. Do đó cần phải có nghiên cứu đầy đủ về tình trạng này để có góc nhìn toàn diện, chính xác nhất về mức độ tác động của tham nhũng vặt tới xã hội…

Bên lề Hội thảo, nhiều ý kiến khuyến nghị cần tăng mạnh chế tài theo hướng cán bộ, công chức, dù nhận 1 đồng cũng cấu thành tội hình sự vì họ đã được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Đã là tham nhũng sẽ phải xử lý hình sự thay vì căn cứ vào giá trị vật chất để xử lý hình sự hay xử lý hành chính như quy định hiện nay.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate