Sáng ngày 8/6, đặt câu hỏi chất vấn với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đề nghị Phó Thủ tướng cho ý kiến về đánh giá của Ủy ban Kinh tế Quốc hội rằng tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn rất đáng lo ngại, kéo theo nguy cơ rủi ro chéo trong hệ thống tài chính ngân hàng, đặc biệt khi sự kiện Vạn Thịnh Phát nổ ra đầu hồi tháng 10/2022.
Đối với câu hỏi này, Phó Thủ tướng cho biết ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng là một định chế đặc biệt, vừa huy động vốn và vừa cho vay, có nghĩa là không phải sử dụng vốn của mình mà sử dụng vốn huy động, là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Do đó, việc kiểm soát, giám sát, quản lý theo những tiêu chuẩn là hết sức nghiêm ngặt, trong đó có việc sở hữu chéo sẽ tác động đến những hành vi thao túng trong hoạt động của ngân hàng và đặc biệt là các hoạt động tín dụng.
Đối với xử lý sở hữu chéo trong các ngân hàng, Phó Thủ tướng cho biết thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ đã rất quan tâm tới vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống tài chính, ngân hàng. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã rất tích cực tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý nhưng vẫn còn khó khăn...
“Vốn điều lệ nếu được công khai thì chúng ta xử lý được ngay và không còn trường hợp sở hữu chéo mà chúng ta phát hiện trên hồ sơ, sổ sách. Tuy nhiên, trong thực tế thì có thể là đứng tên hộ, có thể là nhờ người... nên cũng rất khó khăn. Do đó, trong quá trình kiểm tra, đánh giá, nhận định và kết luận những vấn đề này đòi hỏi cũng phải có sự phối hợp của các ngành, các cấp, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật thì mới giải quyết được”, Phó Thủ tướng chỉ ra.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ trong sở hữu chéo không chỉ sở hữu về vốn mà sở hữu về các hoạt động của ngân hàng như đầu tư, tín dụng. Ông lấy ví dụ về việc dành tín dụng cho những nhóm lợi ích có sở hữu chéo ngầm thì cũng rất nguy hiểm, sẽ làm méo mó các hoạt động kinh tế, không công khai, minh bạch và sẽ làm ảnh hưởng tới môi trường chung.
“Việc này Chính phủ đã chỉ đạo và Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên thanh tra, sắp tới để hạn chế đến mức tối đa đối với sở hữu chéo trong ngành ngân hàng, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước”, Phó Thủ tướng cho biết và nêu một số giải pháp liên quan tới vấn đề này trong thời gian tới.
Thứ nhất, hoàn thiện về cơ chế, chính sách, rà soát lại hết tất cả những quy định liên quan tới hoạt động của hệ thống các ngân hàng thương mại để hoàn thiện theo quy định.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, cuối tuần vừa rồi các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận về đề xuất là sửa Luật Các tổ chức tín dụng và đề cập nhiều tới vấn đề này, ông đề nghị trong thời gian tới với trí tuệ của đại biểu Quốc hội thì đóng góp vào dự án luật này làm sao có một căn cứ pháp lý hết sức vững chắc để chúng ta có căn cứ chúng ta kiểm soát, chúng ta quản lý và xử lý những trường hợp này.
Thứ hai, phải tăng cường cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát.
“Kinh nghiệm là hoạt động thanh kiểm tra, giám sát phải hoạt động độc lập, phải đủ năng lực và phải triển khai hoạt động thanh tra hết sức hiệu lực, hiệu quả, hết sức trọng tâm, trọng điểm. Làm hết nhưng đánh đúng, đánh trúng thì chúng ta xử lý được tình huống. Còn nếu chúng ta thiết kế một mô hình, tổ chức và cán bộ năng lực không đáp ứng yêu cầu thì cũng không thực hiện được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ ba, hệ thống kiểm soát nội bộ phải tự phát hiện ra. Nếu có sự lệch chuẩn cho vay chung hay lệch tiêu chuẩn thì phải xử lý kịp thời trong nội bộ của ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước xem như các cơ quan kiểm tra, kiểm soát nội bộ là một cánh tay dài của thanh tra Ngân hàng Nhà nước để xử lý.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng các giải pháp xử lý rủi ro liên quan tới sở hữu chéo phải “công khai, minh bạch”, nếu phát hiện là xử lý nghiêm để các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, cũng như Nhân dân có những thông tin để kiểm tra, giám sát.
Trước năm 2016, hệ thống ngân hàng tại Việt Nam tồn tại 3 loại sở hữu chéo là: (i) sở hữu của các ngân hàng thương mại nhà nước tại các ngân hàng thương mại cổ phần; (ii) sở hữu lẫn nhau giữa các ngân hàng thương mại cổ phần; (iii) các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân sở hữu cổ phần chi phối tại các ngân hàng thương mại cổ phần.
Trong đó, mối quan hệ giữa ngân hàng thương mại cổ phần với các tập đoàn tư nhân rất phức tạp. Nhiều ngân hàng có thể được sở hữu bởi rất nhiều công ty gia đình hoặc các thành viên gia đình đồng thời là lãnh đạo ở các doanh nghiệp khác. Thực trạng này đến nay vẫn còn và được che đậy dưới nhiều hình thức tinh vi mà những quy định luật pháp chưa thể đụng đến.
Tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng sẽ gây ra 4 hệ luỵ: (i) rủi ro tăng vốn ảo; (ii) rủi ro thâu tóm đối với hoạt động ngân hàng; (iii) rủi ro nợ xấu; (iv) rủi ro đổ vỡ hệ thống.
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến bổ sung nhiều quy định ngăn sở hữu chéo như quy định về quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng (sửa đổi, bổ sung quy định về người có liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ); bổ sung quy định về các trường hợp người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng không được đồng thời là người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng khác, doanh nghiệp khác; bổ sung quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan để tăng tính đại chúng; bổ sung quyền, nghĩa vụ của người quản lý, người điều hành tổ chức tín dụng trong phạm vi quyền, nghĩa vụ được giao có trách nhiệm thực hiện các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước...