June 12, 2018 | 10:09 GMT+7

Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng

Nguyễn Lê

Kết quả biểu quyết toàn bộ Luật có 466 vị tham gia, 423 vị tán thành, 15 vị không tán thành và 28 vị không biểu quyết.

Kết quả biểu quyết Luật An ninh mạng.
Kết quả biểu quyết Luật An ninh mạng.

9h52 phút sáng 12/6 Quốc hội bắt đầu biểu quyết Luật An ninh mạng.

Trước khi thông qua toàn văn Quốc hội biểu quyết riêng hai điều 10 và điều 26 đều nhận được sự tán thành của đa số.

Kết quả biểu quyết toàn bộ Luật có 466 vị tham gia, 423 vị tán thành, 15 vị không tán thành và 28 vị không biểu quyết.

Với 7 chương 43 điều, Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.

Xin ý kiến điều 10 và điều 26

Trước đó, theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng ngày 11/6/2018, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về điều 10 và điều 26 dự thảo Luật An ninh mạng.

Tính đến 16 giờ ngày 11/6/2018, Tổng thư ký Quốc hội đã nhận được 437 phiếu gửi lại.

Kết quả, với  Điều 10. Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, số phiếu đồng ý: 392 (chiếm 89,70 %); số phiếu không đồng ý: 41 (chiếm 9,38 %); số phiếu ý kiến khác hoặc không có ý kiến: 4 (chiếm 0,92 %).

Với Điều 26. Bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng, số phiếu đồng ý: 358 (chiếm 81,92 %); số phiếu không đồng ý: 73 (chiếm 16,70 %);số phiếu ý kiến khác hoặc không có ý kiến: 6 (chiếm 1,38 %).

Google và Facebook phải chuyển máy chủ ảo về Việt Nam

Với quyết định này của Quốc hội thì Google sẽ phải chuyển máy chủ ảo về Việt Nam.

Sau nhiều lần chỉnh sửa, khoản 3 và 4 điều 26 luật vừa thông qua quy định:

"3. Doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.

Doanh nghiệp nước ngoài quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 điều này."

Tại cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật. Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, Việt Nam có quyền yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam đối với dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, bao gồm dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra; đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài tham gia các hoạt động này phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Đến nay, đã có hơn 18 quốc gia thành viên của WTO (trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Úc, Đức, Pháp) quy định bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia, báo cáo nêu rõ.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì hiện nay, Google và Facebook đang lưu trữ dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tại trung tâm dữ liệu đặt tại Hồng Kông và Singgapore. Nếu quy định của luật này có hiệu lực thì các doanh nghiệp này phải dịch chuyển đám mây điện toán (máy chủ ảo) về Việt Nam để mở trung tâm dữ liệu tại Việt Nam là hoàn toàn khả thi.

Không xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo

Thảo luận qua hai kỳ họp của Quốc hội, không ít ý kiến lo ngại về sựu chồng chéo của Luật An ninh mạng với Luật An toàn thông tin mạng.

Trước khi đại biểu bấm nút, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định phạm vi, mục đích điều chỉnh của luật này và Luật An toàn thông tin mạng hoàn toàn khác nhau, nhưng đều liên quan đến môi trường không gian mạng, nên đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các nội dung dự thảo luật này để không xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của Luật An toàn thông tin mạng và không gây khó khăn cho thực tiễn hoạt động.

Theo đó, luật quy định:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 10 về hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia cũng đã được chỉnh sửa cho rõ ràng, chặt chẽ hơn, theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Liên quan đến điều 24 về kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức, có ý kiến đề nghị bỏ khoản 1, cân nhắc trường hợp kiểm tra khi có yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh mạng tại khoản 2.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo lược bỏ khoản 1, chỉnh lý quy định về kiểm tra tại khoản 2 cho chặt chẽ, cụ thể hơn, tránh lạm dụng, ông Việt cho biết.

Về đảm bảo an ninh thông tin trên không gian mạng (điều 26), ông Việt cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đã chỉ đạo chỉnh lý quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức là "xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số", còn xây dựng cơ chế xác thực thông tin là trách nhiệm của Bộ Công an.

Luật cũng quy định rõ trường cung cấp thông tin tại điểm a khoản 2 là để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng và chỉnh sửa quy định lưu vết thành lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý vi phạm tại điểm b khoản 2 cho rõ ràng, khả thi, tránh lạm dụng trong thực hiện.

Các lực lượng này nếu lợi dụng, lạm dụng quyền hạn đã bị nghiêm cấm tại khoản 5 điều 8, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh và nếu gây thiệt hại phải bồi thường như đã thể hiện tại khoản 7 điều 4 dự thảo luật trình Quốc hội thông qua, ông Việt khẳng định.

Toàn văn Luật An ninh mạng đã được đăng tải trên VnEconomy, mời độc giả xem chi tiết.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate