Kinh tế hồi phục nhưng hệ số ICOR ngày càng cao, bội chi ngày càng lớn, nợ quốc gia mấp mé mức mất an toàn, điện mất triền miên…
Đó là những băn khoăn, lo lắng, bức xúc có mặt ở hầu hết các ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội của Quốc hội, sáng 27/5.
Mất điện là đương nhiên?
Là tâm điểm “phàn nàn” ở nhiều tổ tại phiên thảo luận cuối tuần trước, tình trạng giá tăng, điện mất càng “nóng” hơn tại phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp sáng nay.
"Thiếu thì cắt, đó là cách giải thích rất hồn nhiên của ngành điện, nhưng hàng trăm tấn hải sản của ngư dân bán không ai mua, cho không ai lấy, doanh nghiệp chế biến nông sản thì khóc dở mếu dở vì chè không sao không sấy, không tẩm ướp được…", đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) phát biểu.
"Mất điện còn hại hơn cả dịch tai xanh và dịch cúm gia cầm, thiệt hại nghiêm trọng nhưng sao không thấy đền bù cho dân?", ông Tiến nêu câu hỏi.
Cũng nhấn mạnh trách nhiệm, đại biểu Đồng Hữu Mạo đặt vấn đề, nhiều năm liền thiếu điện thì đây có phải là việc đương nhiên, không thể tránh khỏi?
Vị đại biểu này chưa đồng ý với giải thích của ngành điện là thiếu điện do tăng trưởng kinh tế, do trời nắng nóng, hạn hán… vì những việc này đều nằm trong dự liệu chứ “không có gì bất ngờ hết”.
“GDP là cái gì rất mơ hồ, còn điện thì rất thực tế, mất điện tạo ra bức bối trong nhân dân. Vì vậy việc cắt điện không còn là vấn đề nhỏ”, vị đại biểu này nói.
Theo đại biểu Lê Như Tiến, có thể tạm dừng đầu tư một số công trình chưa thật thiết yếu như sân golf, đại lộ, trung tâm hành chính, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí… để tập trung xử lý quyết liệt nguồn điện.
"Ngành điện nên nghĩ đến những giải pháp cơ bản, lâu dài là phát triển nguồn điện năng đi đôi với tiết kiệm, chống lãng phí, chống thất thoát, chống độc quyền hơn là dùng biện pháp ngắt cầu dao như hiện nay", ông Tiến phát biểu.
Một trong các nhóm vấn đề được Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị Quốc hội tập trung thảo luận là thực hành chống lãng phí, vì “ăn bữa nay phải lo bữa mai”.
Trong phần phát biểu “chuyên” về thất thoát, lãng phí, đại biểu Lê Như Tiến dẫn con số tổn thất, lãng phí trong khai thác than hầm lò là 40-60%, apatit là 26-43%, quặng kim loại từ 15-30%… làm mất đi hàng trăm tỷ đồng ngân sách Nhà nước.
Nhưng, theo vị đại biểu này, gây lãng phí lớn nhất là lĩnh vực đất đai, với 3.311 tổ chức sử dụng đất không đúng mục đích, để hoang hóa, lãng phí với diện tích 25.587,82 ha. Đến cuối năm 2009, trên cả nước có 1.763 trường hợp quy hoạch treo và dự án treo với tổng diện tích là 110.447 ha.
"Sau một năm xử lý vẫn còn trên 20.000 ha đất dự án treo với 1.000 khu "đất vàng, đất ngọc" hiện còn đang treo lơ lửng như thách thức các cơ quan quản lý, kéo theo hàng trăm nghìn tỷ đồng giá trị đất đang bị chôn vùi trong đất", ông Tiến nêu rõ.
Phải giảm bội chi, giảm nợ
Trân trọng và ghi nhận sự điều hành linh hoạt của Chính phủ trong năm 2009 và những tháng đầu năm 2010, song nhiều ý kiến tỏ ra đặc biệt lo lắng về chất lượng tăng trưởng.
Đại biểu Trần Hồng Việt (Hậu Giang) cho rằng nên có sự phân tích thận trọng hơn xem con số tăng trưởng trong báo cáo là kết quả từ nội lực của nền kinh tế, từ năng suất lao động hay những yếu tố nào khác?
Hệ số ICOR (đo lường số đơn vị đầu tư tính theo % GDP để tạo ra một đơn vị tăng trưởng GDP - PV) luôn tăng, năm sau cao hơn năm trước, hiện hơn 8. Đặc biệt ICOR khu vực Nhà nước là trên 10, cao nhất so với thế giới. Đã xuất hiện dấu hiệu buông lỏng quản lý, vượt tầm kiểm soát trong việc sử dụng nguồn ngân sách, nguồn vốn vay đầu tư cho khu vực công. Bệnh đầu tư dàn trải nhằm vào yếu tố động viên chính trị, khuyếch trương bề nổi hơn là hiệu quả thực chất, đại biểu Việt nói.
Còn đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) thì cho rằng năm 2009 chắc chắn hệ số ICOR sẽ trên 8 và đề nghị công khai xem ICOR 2009 là bao nhiêu, để nhân dân đánh giá hiệu quả tăng trưởng. Vì, ICOR cao đồng nghĩa với tăng đầu tư công, đồng thời cũng là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng và lãng phí, bất lợi cho nền kinh tế.
Về nợ công với con số ngày càng tăng khiến nhiều vị đại biểu lo lắng, đại biểu Hải nêu mức dư nợ là 41,9% GDP trong báo cáo của Chính phủ năm 2009. "Đề nghị Chính phủ nói rõ nợ công của Chính phủ là bao nhiêu, nợ Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp là bao nhiêu để đại biểu Quốc hội có thể giám sát tốt hơn", ông Hải nói.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) thì tuy Chính phủ nói nợ quốc gia vẫn nằm trong giới hạn an toàn cho phép nhưng sắp tới sẽ ở ngưỡng mất an toàn. Vì như những năm trước con số này chỉ 30%, còn bây giờ đã hơn 40%.
Liên quan đến thu chi ngân sách, nhiều đại biểu nhắc đến mức vượt thu rất ấn tượng trên 52 ngàn tỷ, nhưng bội chi vẫn ở mức 6,9% GDP.
Theo đại biểu Trần Hồng Việt thì “một nguyên nhân chính ít ai nói, đó là hệ thống tài chính ngân sách quốc gia từ trên xuống, từ dưới lên còn thiếu trung thực và minh bạch”. Nhiều địa phương luôn dự báo dự thu thấp để được hưởng lợi 50% vượt thu. Ông đề nghị, Chính phủ cần hình thành kỷ cương lập ngân sách trung thực, minh bạch từ trên xuống, từ dưới lên. Từ năm 2011 trở về sau phải kéo bội chi ngân sách về mức không vượt quá 5% GDP.
Chiều nay Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách. Trong danh sách đăng ký phát biểu, đã có Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate