Ban chỉ đạo Dự án quy hoạch kinh tế - xã hội TP.HCM vừa có phiên họp đầu tiên để nghe các báo cáo các sở, ngành, đơn vị chức năng về việc lập kế hoạch, chuẩn bị các bước để thông qua dự án, trình phê duyệt và công bố dự án.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, nhằm triển khai chi tiết và có hiệu quả kế hoạch, thời gian vừa qua Uỷ ban nhân dân TP.HCM đã ưu tiên cân đối, bố trí vốn cho nhiệm vụ quy hoạch Thành phố, kiện toàn thành viên ban quản lý dự án quy hoạch, tổ chức hội nghị, hội thảo triển khai kế hoạch lập quy hoạch và đấu thầu lựa chọn các đơn vị tư vấn…
Về phần mình, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu lãnh đạo Thành phố các bước thực hiện đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành nội dung quy hoạch Thành phố trình Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào cuối năm 2023. Phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vào đầu tháng 3/2024.
Nhằm rút ngắn thời gian và có cơ sở để cung cấp dữ liệu cho đơn vị tư vấn lập quy hoạch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Nội vụ sớm trình Uỷ ban nhân dân Thành phố phương án tổng thể sắp xếp cấp huyện, xã của Thành phố giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn 2026 – 2030.
Đồng thời, để bảo đảm tiến độ quy hoạch, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phải ưu tiên, chủ động để Thành phố có thể xong hồ sơ trình quy hoạch cho cấp có thẩm quyền phê duyệt, sao cho đến tháng 3/2024 sẽ công bố quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngoài ra, TP.HCM cũng đang thực hiện Quy hoạch chung TP.HCM đến 2040, tầm nhìn đến 2060 (còn gọi là Quy hoạch đô thị); vì vậy, ông Phan Văn Mãi lưu ý các đơn vị cần phải làm song song, phối hợp chặt chẽ giữa hai quy hoạch nói trên Quy hoạch kinh rế - xã hội và Quy hoạch đô thị. “Tránh lãng phí thời gian, nguồn lực, nội dung đã làm rồi ở Quy hoạch chung thì cập nhật vào Quy hoạch kinh tế - xã hội, nội dung đã làm bên Quy hoạch kinh tế - xã hội thì đối chiếu lại với Quy hoạch chung, ông nhắc nhở.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng lưu ý thêm rằng các sở, ngành, đơn vị liên quan cần phải chủ động và phối hợp triển khai cùng với đơn vị tư vấn, bởi vì mặc dù Thành phố có tư vấn tốt nhưng thực hiện quy hoạch là do thành phố làm. Ông nhấn mạnh, tinh thần chung là các sở/ngành, quận/huyện phải chủ động cung cấp thông tin, trao đổi với đơn vị tư vấn lập quy hoạch.
"Các ngành, các địa phương phải thể hiện rõ ngành mình, địa phương mình mong muốn gì, góp ý điều gì, cần làm những gì ở Quy hoạch của TP.HCM đến 2030, tầm nhìn đến 2050", ông Mãi nói.
Về nhiệm vụ của Ban chỉ đạo, người đứng đầu chính quyền TP.HCM yêu cầu họp định kỳ 2 tuần/lần với đơn vị tư vấn lập quy hoạch và các cơ quan liên quan, để chỉ đạo các định hướng phát triển của Thành phố đồng thời đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong công tác phối hợp với tư vấn để lập nội dung quy hoạch.
Ban chỉ đạo Dự án Quy hoạch kinh tế - xã hội TP.HCM có 30 thành viên do Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM làm trưởng ban, hai phó trưởng ban là một phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố.
Đơn vị tư vấn Quy hoạch phát triển TP.HCM là liên danh tư vấn gồm 10 đơn vị, bao gồm: Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia, Công ty HaskoningDHV Việt Nam, Công ty cổ phần công nghệ xây dựng ACUD Việt Nam, Công ty cổ phần tập đoàn Đất Việt, Công ty TNHH The Boston Consulting Group, Công ty TNHH Roland Berger, Công ty TNHH KH&CN Đồng Tiến, Trung tâm Điều tra - Quy hoạch - Định giá đất.
Trước đó, ngày 20/4/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội nghị công bố và triển khai “Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với chủ đề “Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới”.
Quy hoạch này được thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó nhằm xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ của quốc gia, khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các ngành, các địa phương để tạo ra các động lực tăng trưởng và giá trị mới cho phát triển nhanh, bền vững đất nước.