July 15, 2021 | 06:00 GMT+7

Quỹ bảo hiểm y tế chi trả hơn 100.000 tỷ đồng cho khám chữa bệnh mỗi năm 

Phúc Minh -

 Mỗi năm quỹ bảo hiểm y tế thực hiện chi trả với số tiền hơn 100.000 tỷ đồng cho khoảng từ 160-185 triệu lượt người đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế…

Người dân đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.
Người dân đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, mỗi năm quỹ bảo hiểm y tế thực hiện chi trả với số tiền hơn 100.000 tỷ đồng cho khoảng từ 160-185 triệu lượt người đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

TỶ LỆ BAO PHỦ BẢO HIỂM Y TẾ ĐẠT GẦN 90%

Hiện nay, có hơn 87,4 triệu người dân tham gia bảo hiểm y tế, với tỷ lệ bao phủ đạt gần 90% dân số. Thống kê cho thấy, thực tế có khoảng 60-70% người tham gia bảo hiểm y tế sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh; tần suất khám chữa bệnh của người dân từ 2-2,1 lần/năm

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, ngoài việc chi trả chi phí khám chữa bệnh thông thường, quỹ bảo hiểm y tế còn chi trả cho nhiều trường hợp bệnh nặng, bệnh mạn tính khác như: ung thư, tim mạch, suy thận đến các loại kỹ thuật cao như chi trả mổ rô bốt, mổ nội soi, chụp CT scanner...

Trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm quỹ bảo hiểm y tế chi trả khoảng từ 1.500-1.700 tỷ đồng cho bệnh nhân đặt stent động mạch vành và hàng ngàn tỷ đồng cho các bệnh nhân đặt thuỷ tinh thể nhân tạo.

Theo số liệu thống kê trên Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế, từ 1/1/2021 đến 2/7/2021, cả nước có 75,58 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, với số tiền đề nghị thanh toán là trên 48.774 tỷ đồng.

Trong đó có hơn 68,6 triệu lượt khám chữa bệnh ngoại trú với số tiền đề nghị thanh toán là trên 18.740 tỷ đồng; gần 7 triệu lượt khám chữa bệnh nội trú với số tiền trên 30.033 tỷ đồng. Có 213 bệnh nhân có chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ 0,5-1 tỷ đồng; 25 bệnh nhân có chi phí thanh toán trên 1 tỷ đồng. 

6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021, CHI KHÁM CHỮA BỆNH GẦN 50.000 TỶ ĐỒNG

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đánh giá, việc gia tăng số người tham gia bảo hiểm y tế, cũng như gia tăng số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc là tín hiệu đáng mừng, cho thấy chính sách bảo hiểm y tế đã trở thành một nguồn tài chính đáng kể góp phần cùng ngân sách nhà nước trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Tuy nhiên, điều này cũng gia tăng áp lực trong việc đảm bảo an toàn quỹ. Kể từ năm 2016 đến nay, số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thường xuyên cao hơn quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được sử dụng trong năm.

Tỷ lệ sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong năm của năm 2016 là 112%, của năm 2017 là 123,1%, năm 2018 là 109,7%, năm 2019 là 119% và năm 2020 ước tính là 112%.

Ước tính 6 tháng đầu năm 2021, số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ 50.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% số dự toán được giao trong năm 2021.

Đặc biệt, tỷ lệ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không đúng tuyến, điều trị nội trú đều có xu hướng tăng cao...Bên cạnh đó, tình trạng thống kê, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không hợp lý, không đúng quy định, thanh toán khống chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vẫn xảy ra như: kê khống đơn thuốc, dịch vụ kỹ thuật, cấp khống giấy nghỉ ốm để hưởng bảo hiểm xã hội…

Để đảm bảo việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế an toàn, hiệu quả, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tăng cường công tác giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Đông thời, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế…

Theo thống kê, tính đến hết tháng 6/2021, số người tham gia bảo hiểm y tế là 87,4 triệu người, đạt 97,4% kế hoạch, chiếm 89,58% dân số, giảm 289,8 nghìn người so với tháng 5/2021, nhưng vẫn tăng 1,9 triệu người so với cùng kỳ năm 2020.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate