February 11, 2021 | 08:34 GMT+7

Quỹ đạo mới cho tăng trưởng kinh tế

Lý Hà

Đại dịch Covid-19 đã buộc chúng ta phải giãn cách xã hội. Cánh cửa cho phát triển kinh tế dường như bị đóng sập lại. Và kỳ diệu, một luồng gió mới đã mở tung cánh cửa kinh tế khác như một quy luật tất yếu. Cánh cửa đó chính là nền kinh tế số vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ Trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ Trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông

Cách mạng công nghiệp 4.0 "tạo cơ hội cho những nước đi đầu về ứng dụng". Để nắm bắt cơ hội đó, theo Bộ Trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng, trước hết phải nhanh chóng chuyển đổi số, thay đổi mô hình vận hành để các công nghệ 4.0 phát huy tác dụng. Cú hích của đại dịch, lựa chọn thay đổi của lãnh đạo, niềm tin vào công nghệ là yếu tố quan trọng để Việt Nam bứt phá vươn lên trở thành một nước hùng cường thịnh vượng.

Đại dịch Covid-19 đã buộc chúng ta phải giãn cách xã hội, hoạt động của doanh nghiệp bị ngưng trệ, có những tỉnh, thành phố bị phong tỏa. Nỗi kinh hoàng chưa từng có tiền lệ đã xảy ra khắp toàn cầu. Cánh cửa cho phát triển kinh tế dường như bị đóng sập lại. Và kỳ diệu, một luồng gió mới đã mở tung cánh cửa kinh tế khác như một quy luật tất yếu. Cánh cửa đó chính là nền kinh tế số vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số. Cánh cửa đó đang thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số ở Việt Nam nhanh chưa từng có.

CÔNG NGHỆ SỐ GIÚP NGƯỜI NGHÈO GIÀU LÊN 

Là người được Chính phủ giao việc chủ trì thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg - Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", người đứng đầu ngành Thông tin & Truyền thông đã dí dỏm ví đại dịch là "cú hích trăm năm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số".

Dẫn câu chuyện từ tỉnh Bến Tre, Bộ trưởng nói, thật khó thể tin nổi chỉ trong vòng 3 tháng của năm 2020 mà Bến Tre đã thực hiện cung cấp đầy đủ 100% dịch vụ công trực tuyến mức 4 lên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. "Một việc mà trước đó - mất bao nhiêu năm, đến hết năm 2019 tỉnh cũng mới chỉ đạt 6% việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4".

Không những vậy, các ứng dụng công nghệ số cũng xuất hiện nhiều trong thời gian này, giúp chúng ta kiểm soát dịch và chuyển sang trạng thái bình thường mới. Chưa bao giờ Việt Nam lại có nhiều ứng dụng và nền tảng số phục vụ các hoạt động của người dân và doanh nghiệp lẫn chống dịch Covid-19 đến như vậy. 

Từ các phần mềm khai báo bắt buộc khi hành khách lên, xuống máy bay đến phần mềm khai báo tự nguyện Bluezone. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đến nay đã có hơn 23 triệu người Việt Nam khai báo trên Bluezone. Nhờ đó mà Hải Dương đã ngăn chặn rất nhanh đợt bùng nổ dịch lần thứ hai. BlueZone đã giúp chúng ta giảm được việc thực hiện các biện pháp giãn cách với số lượng người ít hơn rất nhiều. Nếu 50 – 70 triệu người Việt Nam cài đặt ứng dụng này thì hiệu quả chống dịch sẽ còn rất cao.

Một điều thú vị khác mà Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bật mí trong nền kinh tế số: đó là, càng dùng nhiều càng rẻ, càng dùng nhiều càng thông minh. Trong công nghệ số có thuật ngữ: "nền tảng" (Platform). Một nền tảng kết nối và cung cấp dịch vụ cho cả triệu người. Công nghệ số tạo ra các nền tảng. Khi làm ra một nền tảng, nếu một người dùng dĩ nhiên rất đắt, nhưng nhiều người dùng thì đơn giá sẽ giảm và rất rẻ. Cả 100 triệu người dân Việt Nam đều dùng thì giá trên đầu người sẽ gần như bằng không.

Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chưa có cuộc cách mạng công nghiệp nào lại thú vị như cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng 4.0 sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho người nghèo, giúp chúng ta xóa đói giảm nghèo bền vững. Bởi nó sẽ làm cho người dân có cơ hội vươn lên trở thành sung túc; làm cho họ kinh doanh dễ hơn trước đây. Các sàn thương mại điện tử sẽ giúp người nông dân bán sản phẩm ra toàn quốc mà không cần phải ra khỏi nhà. Vậy nên ai cũng có thể kinh doanh, biết kinh doanh để trở lên giàu có như dân gian có câu: "Phi thương thì bất phú".

Nhớ lại câu chuyện mới đây khi đoàn công tác của Bộ Thông tin & Truyền thông đến Lai Châu, Bộ trưởng kể: người dân ở đó không có tiền, nhưng họ có tới 8 con trâu. Họ mang ra chợ huyện bán nhưng không ai mua, vì nhà ai cũng có trâu rồi. Vậy làm sao để người dân ở vùng cao có thể bán con trâu cho người dưới xuôi? "Sàn thương mại điện tử sẽ giúp cho người dân bán trâu, còn người mua thì mua qua mạng; rồi sẽ có người của công ty bưu chính đến nhà dắt con trâu đi và mang đến giao cho người mua. Công nghệ số giúp các hộ nông dân dễ dàng trở thành nhà kinh doanh, họ càng dùng các ứng dụng số nhiều thì càng thông minh. Khi bán được con trâu, họ sẽ tiếp tục nuôi con trâu khác, cứ thế mà giàu lên", Bộ trưởng gợi ý.

Công nghệ số còn làm cho những người nghèo tiếp cận dễ dàng với dịch vụ tốt nhất, giá rẻ nhất. Hiện những xã xa xôi, hẻo lánh chỉ có khoảng dưới 8 bác sĩ/vạn dân, đây là một tỷ lệ thấp khiến người dân ít có cơ hội tiếp xúc với bác sĩ. Nếu có một phần mềm và một nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa sẽ giúp cho các bác sĩ giỏi ở khắp mọi nơi, như Hà Nội vẫn có thể tư vấn khám chữa bệnh cho người dân ở một xã biên giới, xa xôi. Rất nhiều ca mổ không nhất thiết phải đến Hà Nội. Đó là những chuyện thần kỳ chỉ có ở công nghệ số.

Năm 2021 là năm đầu của một giai đoạn mới. Báo cáo Chính trị Đại hội 13 của Đảng đã xác định rõ khát vọng Việt Nam và cả con đường thực hiện khát vọng đó. Con đường đó đã được chọn, đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số và bước đầu tiên là chuyển đổi số.

KHÓ NHƯNG HAY 

Công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam sẽ tạo ra một quỹ đạo mới cho tăng trưởng kinh tế bền vững. Đó là cơ hội của chúng ta.

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trong kỳ họp Quốc hội mới đây. Gặp dịp trò chuyện với Bộ trưởng, tôi cũng không ngần ngại "chất vấn" sao Bộ trưởng lại cho rằng câu hỏi "chúng ta làm 5G có chậm không, nếu mà làm nhanh liệu có tốn kém không" vừa khó, vừa hay?  

Bàn về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chuyển đổi số là nội dung mới. Đã nói về cái mới thì bao giờ cũng có sự phản đối kể cả tạo ra những lực cản. Ngày chúng ta mới bắt đầu đưa Internet vào Việt Nam cũng không dễ dàng. Rất nhiều ý kiến phản đối, lo ngại, kể cả ở lãnh đạo cấp cao. 

Bác Mai Liêm Trực, người có công rất lớn trong việc đưa Internet vào Việt Nam chia sẻ: "Ai cũng nghĩ rằng Internet sẽ vào Việt Nam, nhưng có điều đưa sớm hơn hoặc chậm hơn mà thôi. Vì vậy, vấn đề là liệu chúng ta có mất cơ hội lần nữa hay không. Lúc đó, chúng tôi cảm nhận Internet sẽ vào Việt Nam nhưng có nguy cơ chậm, và nếu cho mở thì sẽ bị nhiều yếu tố hạn chế ảnh hưởng đến tốc độ phát triển. Vì vậy, chúng tôi phải thuyết phục mở càng sớm càng tốt, thậm chí tạm thời chấp nhận cả những chỉ đạo mà mình không hài lòng, thậm chí là ấm ức để mở Internet rồi tính tiếp". Dù vậy, Internet cũng đã vào Việt Nam và chỉ chậm sau Thái Lan, Singapore đúng 1 năm.

"Còn việc lựa chọn công nghệ 2G cũng vậy, chúng ta là một trong những nước nằm trong top đầu thế giới triển khai công nghệ này. Từ năm 1990 đã xuất hiện công nghệ di động tế bào công nghệ số GSM, được triển khai nhiều tại châu Âu. Trong khi đó, nhu cầu thông tin di động đã xuất hiện ở Việt Nam và lựa chọn công nghệ nào trong các công nghệ này là một bài toán rất khó. May mắn, thế hệ lãnh đạo của ngành Thông tin và Truyền thông trước đây như các bác Đặng Văn Thân, Mai Liêm Trực đã có tầm nhìn xuất sắc nên đã lựa chọn đúng công nghệ để mở ra nhiều cơ hội, không gian mới cho Việt Nam từ rất sớm", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Việc chọn công nghệ 2G GSM đã đưa thông tin di động Việt Nam phát triển mạnh mẽ, tránh được những cú "tai nạn" hao tiền tốn của về công nghệ như nhiều nước đã gặp phải khi họ chọn công nghệ CDMA (Code Division Multiple Access - Đa truy nhập phân chia theo mã). Công nghệ này lúc đó được xem công nghệ mới nhất, hot nhất. Một số nhà mạng đưa vào Việt Nam công nghệ này như HT Mobile, S-Fone, EVN Telecom hiện đã không còn tồn tại.

"Chúng ta lựa chọn làm 5G không chậm, đi cùng nhịp với thế giới, mặc dù chúng ta đến với 3G, 4G chậm chân hơn 7 đến 8 năm".

5G MỘT NIỀM TIN 

Hiện Việt Nam đang triển khai 5G là có lộ trình, theo các pha rất bài bản. Đầu tiên ở các thành phố lớn, trung tâm đông người để giải quyết tắc nghẽn của 4G. Đồng thời triển khai 5G ở khu công nghiệp, khu nghiên cứu của các trường đại học để phục vụ cho các công nghệ mới. Việc triển khai 5G dựa trên hạ tầng sẵn có của 4G như: nhà trạm, cột ăng ten, truyền dẫn... tức là 70% là dùng lại được và đồng thời sẽ lần lượt cắt sóng 2G, 3G để giảm chi phí khai thác cho các nhà mạng. Các nhà mạng cũng sẽ chia sẻ hạ tầng dùng chung để tiết kiệm chi phí. Giai đoạn đầu, mỗi nhà mạng triển khai khoảng chục tỉnh rồi thực hiện roaming thế là có mạng 5G toàn quốc.

Khác với 2G trước đây, khi triển khai diện rộng 5G thì chúng ta đã tự mình sản xuất ra thiết bị 5G với chất lượng tốt, giá rẻ hơn. Đây là một bước tiến quan trọng để vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo tốt về an ninh - quốc phòng. Và đây, lần đầu tiên trong lịch sử ngành Thông tin- Truyền thông, Việt Nam bước vào công nghệ mới với các thiết bị do chính mình sản xuất.

Đó không phải là câu chuyện màu hồng nhưng việc phát sóng 5G sẽ thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi số với rất nhiều ứng dụng khác được đưa vào hoạt động. Câu chuyện về thành phố thông minh, ngôi nhà thông minh, phẫu thuật, khám bệnh từ xa... sẽ trở thành hiện thực rõ hơn.

5G chính là công nghệ được lựa chọn cho cuộc cách mạng 4.0 bởi nó có tốc độ truyền siêu tốc và độ trễ rất thấp, có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong điều khiển các thiết bị Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI). "Cuộc sống cần phải có NIỀM TIN và chính niềm tin sẽ giúp mình vượt qua trở ngại để có tất cả...", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate