Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 220/TTg ngày 5/4/2023 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khoảng 10.000 cơ sở.
Tính đến nay còn 38.140 cơ sở hiện hữu trên tổng số 1.182.722 cơ sở được rà soát (chiếm 3,22%) đã đưa vào hoạt động còn tồn tại, không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC tại thời điểm thẩm duyệt hoặc đưa vào sử dụng, buộc phải sửa chữa, khắc phục.
Tại hội nghị “Đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về phòng cháy chữa cháy” mới đây, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết hiện tỷ lệ doanh nghiệp cho biết gặp vướng mắc về thủ tục PCCC rất nhiều.
Khảo sát “Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)” của VCCI đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước tại 63 tỉnh, thành cho thấy, nhóm thủ tục về PCCC nằm trong nhóm 4 khó khăn lớn nhất (cùng với đất đai, thuế phí, bảo hiểm xã hội).
Ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương, Chủ tịch Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Việt Nam, thông báo thời gian qua, Hiệp hội nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp trong áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC.
Riêng tháng 3/2023 hiệp hội tiếp nhận 232 ý kiến về những vướng mắc trong thực thi quy định này. Trong đó 74% vướng mắc về Quy chuẩn 06 của Bộ Xây dựng, 14% vướng mắc liên quan đến Quy chuẩn 03 của Bộ Công an, 12% vướng mắc về Quy chuẩn 3890 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
DOANH NGHIỆP LAO ĐAO VÌ NHIỀU QUY ĐỊNH
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, phản ánh có những quy định tuân thủ PCCC còn bất cập, gây tốn kém, làm khó cho nhà đầu tư, thậm chí cản bước tiến của doanh nghiệp. Cụ thể, theo mục 5, phụ lục VII của Nghị định số 136/2020 quy định, thì nhiều mẫu kết cấu bắt buộc phải thử nghiệm chịu lửa. Khi thử nghiệm chịu lửa thì gần như 100% các kết cấu đều biến dạng cho dù đạt yêu cầu hay không.
“Với các kết cấu có chi phí thấp thì việc thử nghiệm không phải là vấn đề lớn, nhưng một số kết cấu vô cùng đắt đỏ như cửa giếng thang máy có chi phí hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng. Đây thực sự là sự lãng phí không cần thiết”, ông Thập nhấn mạnh.
Hoặc như quy định cửa phòng bệnh 100% phải làm bằng vật liệu ngăn cháy, gây tốn kém cho doanh nghiệp rất nhiều chi phí, thậm chí không cần thiết. Nhiều nhà đầu tư đã phải thoái vốn, rút vốn vì không thể đầu tư một cách vô lý. Do đó, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng bãi bỏ các quy định không cần thiết và gây lãng phí cho doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thu Liên, đại diện Hiệp hội Thực phẩm minh bạch có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, đưa ra 2 vấn đề gây bất cập cho doanh nghiệp. Đầu tiên, liên quan đến kho hàng, quy chuẩn 06 quy định, kệ hàng có chiều cao từ 5,5m trở lên phải theo phương án riêng và thẩm định riêng.
“Quy định này rất bất cập, bởi vì hiện nay kho hàng được làm cao tới 40 - 50m, có xe nâng, robot để lấy hàng trên cao. Tại những kho hàng này, số lượng người phục vụ rất ít. Vì vậy, quy định kho hàng cao trên 5,5m phải có phương án riêng và thẩm định riêng là không phù hợp với tính thực tiễn”, bà Liên nói.
Tiếp đó, do tình hình phát triển kinh tế - xã hội, việc doanh nghiệp thay đổi công năng sản xuất, thay đổi từ loại hình này sang loại hình khác diễn ra rất bình thường. Chẳng hạn, một số doanh nghiệp thành viên trước đây làm về dệt may, xuất khẩu và chế biến gỗ đã làm các phương án về PCCC và đã được phê duyệt.
“Hiện tại, gỗ không xuất khẩu được, dệt may không có đơn hàng, các doanh nghiệp này chuyển sang xuất khẩu trái cây tươi và trái cây đóng hộp - loại hàng không dễ cháy. Tuy vậy, cơ quan PCCC tại địa phương yêu cầu thẩm định lại. Điều này là cứng nhắc và không thỏa đáng”, bà Liên phản ánh.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Ủy viên Ban chấp hàng hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam, nêu ý kiến theo các danh mục thiết bị phòng cháy, chữa cháy mà các cảng biển phải đầu tư như xe chữa cháy, tàu chữa cháy, nguồn lực chuyên ngành triển khai… ước tính chi phí lên đến cả trăm tỷ đồng cho mỗi cảng biển. Đó là còn chưa bao gồm chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng... Điều này sẽ làm tăng chi phí logistics, qua đó làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam. Do vậy, ông Hải kiến nghị bãi bỏ quy định về trang bị xe và tàu chữa cháy riêng tại từng doanh nghiệp cảng biển.
DOANH NGHIỆP TRONG NƯỚC CẦN CHỦ ĐỘNG
Trước các kiến nghị của doanh nghiệp, ông Cương thẳng thắn nhận định, những gì doanh nghiệp đang trao đổi mới chỉ là phần “ngọn”. Để giải quyết tổng thể vấn đề, các cơ quan nhà nước cần phải ban hành những nội dung điều chỉnh sửa đổi các nghị định liên quan và sửa đổi Luật PCCC.
Được biết, hiện nay Bộ Công an đang làm việc với Bộ Tư pháp về dự án sửa đổi Nghị định 136, dự tính chậm nhất trong tháng 8 sẽ ban hành các nội dung sửa đổi này. Bên cạnh đó, Bộ Công an đã chủ động đề xuất với Chính phủ sửa đổi Luật PCCC, theo hướng đơn giản hóa, tối đa các thủ tục hành chính, giảm thiểu các chi phí đầu tư cơ bản cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường phân cấp, phân quyền tối đa cho các lực lượng, đơn vị tại các tỉnh thành, nhằm tháo gỡ tất cả những vướng mắc liên quan tới PCCC một cách tổng thể.
Cũng theo ông Cương, hiện nay nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn còn thiếu tính thực tế, không sát thực với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là thực trạng không chỉ với các quy chuẩn tiêu chuẩn liên quan ở Việt Nam mà ngay cả với các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Những quy định pháp luật của họ trong quá trình xây dựng cũng gặp những tình trạng tương tự.
Tuy nhiên, sự khác biệt ở Việt Nam là sự tham gia của các doanh nghiệp còn rất thụ động. Ông Cương chia sẻ, trong quá trình Hiệp hội phối hợp với Bộ Công an, Bộ Xây dựng gửi các nội dung đề xuất sửa đổi đến 50 hiệp hội ngành nghề Việt Nam, 39 hiệp hội đại diện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ( FDI) tại Việt Nam, đã nhận được phản hồi của hầu hết các đại diện doanh nghiệp FDI. Họ đã làm việc với các cơ quan nhà nước để góp ý vào các nội dung dự thảo.
Riêng các doanh nghiệp trong nước, chỉ nhận được phản hồi của 1/50 hiệp hội trong số khoảng 400 doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam. “Các doanh nghiệp Việt Nam không nên chỉ chờ đến khi vấn đề quá phức tạp mới nêu ý kiến, cần chủ động tham gia ý kiến từ ngay trong quá trình dự thảo”, ông Cương nhấn mạnh.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 30 - 2023 phát hành ngày 24 - 7 - 2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam