Tại điểm c, Khoản 1, Điều 33 Dự thảo lần thứ 4 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có một nội dung: xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông cần có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe. Hiện tại, quy định này đang áp dụng đối với các loại xe vận tải chở người từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe tải chở hàng theo Nghị định số 47/2022/NĐ-CP. Thời gian lưu trữ trên thiết bị tối thiểu 24 giờ với xe có hành trình đến 500 km, tối thiểu 72 giờ với cự ly trên 500 km.
Nếu quy định mới được thông qua, đối tượng áp dụng sẽ rộng hơn, bao gồm toàn bộ xe cá nhân chở người đến 9 chỗ ngồi, máy kéo, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc, xe mô tô hai bánh, mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.
Nhiều người lầm tưởng, thiết bị giám sát hành trình và thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe đều là camera hành trình. Tuy nhiên, đây là hai thiết bị độc lập. Trong đó, thiết bị giám sát hành trình còn được gọi là hộp đen, thường có dạng hình chữ nhật, có kết nối 4G, gắn bên trong xe ô tô. Thiết bị này có chức năng ghi lại hình ảnh, âm thanh trong quá trình xe di chuyển hoặc đang đỗ. Khi có sự cố, tai nạn xảy ra, thiết bị sẽ cung cấp những thông tin quan trọng cho cơ quan chức năng để phục vụ điều tra như lộ trình của xe, tốc độ, vị trí tai nạn và một số thông tin khác tùy thuộc vào công nghệ được tích hợp. Thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe là một dạng camera gắn bên trong cabin ô tô, hiển thị toàn bộ hình ảnh của người lái xe và các hành khách đang ngồi bên trong xe.
Trên thực tế, hiện nay, dù không có quy định bắt buộc nhưng rất nhiều chủ xe ô tô cá nhân, xe mô tô phân khối lớn, xe gắn máy đã lắp đặt camera hành trình phía trước, một số trường hợp lắp cả camera trước và camera sau, thậm chí lắp camera 360 giúp quan sát toàn cảnh bên ngoài xe. Mục đích lắp đặt camera hành trình rất đa dạng như: dùng để hỗ trợ quan sát khi đỗ xe; di chuyển qua các khu vực chật hẹp; lưu lại hình ảnh di chuyển trên các cung đường, khi đỗ xe để phục vụ mục đích cá nhân hoặc làm bằng chứng khi có sự cố va quệt, tai nạn, trộm cắp xảy ra... Nhiều trường hợp tranh cãi khi tham gia giao thông đã được giải quyết mà không cần nhờ đến lực lượng chức năng hoặc tòa án nhờ có dữ liệu hình ảnh từ camera hành trình cung cấp. Một số trường hợp vi phạm giao thông cũng đã bị xử lý nghiêm sau khi người dân cung cấp hình ảnh vi phạm ghi được từ camera hành trình của xe mình và gửi lên cơ quan công an.
Tuy nhiên, nếu quy định lắp thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, tức là camera giám sát bên trong xe thì nhiều người cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền riêng tư của cá nhân và lo ngại những hình ảnh nhạy cảm bị lộ, lọt ra bên ngoài.
Chị Đỗ Hồng Quyên (Hà Nội) cho biết: “Quy định bắt buộc xe cá nhân phải lắp camera bên trong là không cần thiết. Không gian bên trong xe là nơi riêng tư của gia đình, không có trách nhiệm phải cung cấp cho đơn vị nào. Nhỡ chẳng may dữ liệu bị hack thì những hình ảnh nhạy cảm sẽ bị phát tán lên mạng”.
Anh Lê Hồng Phúc nói: “Lắp camera trước và camera sau là cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho chính chủ xe ô tô. Còn việc lắp camera bên trong xe thì không nên bắt buộc vì đó là dữ liệu riêng tư”.
Một số ý kiến khác cho rằng, việc áp dụng quy định bắt buộc với toàn bộ xe cơ giới sẽ khó khả thi vì liên quan đến chi phí lắp đặt. Trên thị trường, có nhiều loại sản phẩm giám sát hành trình với giá dao động từ 1-2,5 triệu đồng/bộ. Đối với camera hành trình loại combo có thể vừa gắn ở phía trước, vừa gắn phía sau xe hoặc bên trong khoang lái, giá khoảng 2-3 triệu đồng/bộ. Như vậy, tổng chi phí cho hai loại thiết bị sẽ dao động từ 4-5 triệu đồng/xe. Với một số loại sản phẩm tích hợp phần mềm quản lý, truyền dữ liệu, lưu trữ đám mây, người dùng có thể phải trả thêm chi phí sử dụng hàng tháng.
Trước những băn khăn kể trên, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết, cơ quan chức năng sẽ không thu thập dữ liệu từ các thiết bị này mà chỉ đề nghị người dân hợp tác, cung cấp khi xảy ra các sự cố trên đường hoặc ghi nhận được các sự cố của xe khác.
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh, với quy định này, nên khuyến khích người dân lắp thiết bị giám sát hành trình, thay vì đưa ra yêu cầu bắt buộc. Cơ quan quản lý Nhà nước cần cần có thí điểm, đưa ra lộ trình phù hợp để tránh gây hiệu ứng “ngược” đối với người dùng ô tô, xe máy.
Tại nhiều quốc gia Châu Âu, người dân không cần lắp đặt camera hành trình để chứng minh mình “trong sạch”. Thay vào đó, cơ quan chức năng phải chứng minh được chủ xe vi phạm giao thông thì mới được xử phạt. Tại Pháp, Hà Lan, người dân được phép lắp đặt thêm camera hành trình trên ô tô của mình, nhưng không được phát tán hình ảnh, video có nhận diện khuôn mặt của người khác lên môi trường mạng để bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân.
Trong khi đó, tại Đức, Áo, việc sử dụng camera hành trình là bất hợp pháp và người sử dụng có thể bị phạt tới 10.000 EUR. Do không có quy tắc chung về quản lý, sử dụng camera hành trình, chủ xe hoàn toàn có thể vô tình phạm luật chỉ bằng cách di chuyển từ nước này sang nước khác trong khối EU mà không hề hay biết. Riêng việc lắp camera bên trong cabin ô tô được cho là hành động vi phạm quyền riêng tư, chỉ được thực hiện bởi chính chủ xe hoặc khi được chủ xe đồng ý.
Mặc dù vậy, người dân tại Châu Âu có thể lựa chọn giải pháp khác là lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) để làm căn cứ giải quyết trong trường hợp vị trí tai nạn hoặc khu vực xảy ra hành vi phạm tội không có bất kỳ camera giám sát nào khác.
Ngược lại, tại Mỹ, xe cá nhân bắt buộc phải được lắp camera giám sát phía sau. Quy định này được xây dựng từ sau vụ việc tai nạn xảy ra năm 2002, khi ông Greg Gulbransen đã vô tình lùi xe khiến cậu con trai 2 tuổi Cameron thiệt mạng. Sau đó, năm 2008, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật An toàn giao thông trẻ em, yêu cầu tất cả ô tô mới đều phải trang bị camera phía sau để ngăn ngừa tai nạn.