Được đưa ra bởi nhà kinh tế học Claudia Sahm vào năm 2019, quy tắc Sahm chỉ ra rằng, khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình 3 tháng của Mỹ tăng 0,5 điểm phần trăm so với mức thấp nhất của 12 tháng trước đó, thì kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, chỉ số này cũng được cho là có thể thổi phồng tình hình do các động lực đặc biệt của thị trường lao động như ở thời điểm hiện tại.
Đồ thị thông tin dưới đây thể hiện các lần chỉ báo đúng suy thoái kinh tế Mỹ của quy tắc Sahm dựa trên dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Từ bảng trên có thể thấy, một lần quy tắc Sahm được kích hoạt nhưng không xảy ra suy thoái là vào năm 1959. Thời điểm ấy, suy thoái xảy ra 5 tháng sau đó.
Một điểm đáng chú ý nữa là tỷ lệ thất nghiệp thực không quan trọng. Điều quan trọng ảnh hưởng tới động lực của một cuộc suy thoái là sự thay đổi của tỷ lệ thất nghiệp so với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất 12 tháng trước đó. Nguyên nhân có thể là các yếu tố nhân khẩu học tác động tới tỷ lệ thất nghiệp theo thời gian, ví dụ dân số già hóa.
Ngoài ra, tốc độ thay đổi tỷ lệ thất nghiệp cũng có thể khiến các động lực kinh tế dịch chuyển nhanh chóng. Ngày càng nhiều người thất nghiệp thì nhu cầu tiêu dùng càng suy yếu, từ đó dẫn tới thất nghiệp tăng lên.
Dù tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện đang ở gần mức thấp nhất trong lịch sử, tỷ lệ này nằm trong xu hướng tăng lên do bản chất của lực lượng lao động ở Mỹ hiện tại. Năm 2024, thất nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng lên do lực lượng lao động tăng lên, một phần do lượng người nhập cư chưa tìm được việc làm.
Nhóm người bắt đầu gia nhập lực lượng lao động đông đảo góp một phần lớn vào mức tăng 0,53 điểm phần trăm của tỷ lệ thất nghiệp tháng 7, kích hoạt quy tắc Sahm. Ngược lại, các cuộc suy thoái trước đây ở Mỹ diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tăng lên do nhiều người lao động bị sa thải.