Trong bối cảnh lạm phát tiếp tục xuống thang, thị trường việc làm của Mỹ - tuy còn mạnh - đã bắt đầu có những tín hiệu cảnh báo. Điều này đặt Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trước rủi ro phạm sai lầm giữ lãi suất ở mức quá cao trong thời gian quá dài.
Theo hãng tin CNN, đó là lý do vì sau nhiều nhà kinh tế học đang kêu gọi Fed giảm bớt cuộc chiến chống lạm phát trước khi lãi suất cao - vốn đang được sử dụng làm công cụ chính để kiểm soát sự leo thang của giá cả - có thể đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
“Đã đến lúc hạ lãi suất. Lạm phát đang suy yếu ở cương vị mối lo chính. Cán cân rủi ro đang dần dịch chuyển về phía tỷ lệ thất nghiệp tăng”, nhà kinh tế trưởng Joe Brusuelas của công ty RSM nhận định với CNN.
Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của công ty Moody’s Analytics thì cho rằng thị trường việc làm đang trở nên căng thẳng dưới áp lực của chi phí đi vay tăng cao. “Rủi ro lớn nhất là một sai lầm chính sách. Đó là việc Fed giữ lãi suất quá cao quá lâu. Hiện tại, Fed đang phát tín hiệu giảm lãi suất vào tháng 9. Tôi nghĩ vậy là ổn, nhưng nếu họ đợi lâu hơn, tôi cho rằng họ sẽ phạm sai lầm”, ông Zandi nói.
THỊ TRƯỜNG VIỆC LÀM CÓ THỂ ĐANG ĐẢO CHIỀU
Chính Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng đã thừa nhận rủi ro của việc tính toán sai lầm về thời điểm cắt giảm lãi suất. Tại buổi điều trần tại Thượng viện Mỹ hôm thứ Ba tuần này, ông Powell nói “lạm phát cao không phải là rủi ro duy nhất mà chúng tôi đương đầu” khi đề cập đến sự “giảm nhiệt” của thị trường việc làm.
Sự thật là thị trường việc làm của Mỹ hiện nay không hề tụt dốc. Tốc độ tạo ra công ăn việc làm mới vẫn đều đặn ở mức cao, cao hơn so với những gì mà nhiều nhà kinh tế dự báo ở thời điểm cách đây 1 năm. Tuy nhiên, việc đào sâu dữ liệu cho thấy những vết rạn đã bắt đầu xuất hiện.
Tỷ lệ thất nghiệp tuy còn ở mức thấp so với lịch sử, nhưng đã tăng liên tiếp trong 3 tháng liên tiép trở lại đây - “một dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm có thể đang đảo chiều”, theo một báo cáo của công ty KPMG. Tốc độ tuyển dụng đã chậm lại trong ngành nghỉ dưỡng và dịch vụ lưu trú - một lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Mỹ và có sự phụ thuộc lớn vào chi tiêu của người tiêu dùng.
Ông Powell đã nhấn mạnh những thay đổi này, nói trong buổi điều trần rằng các chỉ báo gần đây “gửi đi một tín hiệu khá rõ ràng rằng điều kiện trên thị trường lao động đã suy yếu đáng kể” so với 2 năm trước. “Đây không còn là một nền kinh tế quá nóng nữa”, ông nói.
Giảm nhiệt nền kinh tế chính là mục tiêu của Fed khi khởi động chiến dịch tăng lãi suất lịch sử. Vào năm 2022, mối lo lớn nhất của Fed là thị trường việc làm quá nóng sẽ “thêm dầu vào lửa” đối với lạm phát cũng đang rất nóng ở thời điểm đó. Giới quan sát đã lo ngại rằng để khống chế lạm phát, Fed sẽ phải gây ra một cuộc suy thoái kinh tế.
Giờ đây, lạm phát quá nóng và một thị trường việc làm thắt chặt không còn là mối lo lớn của Fed hay các nhà kinh tế. Thay vào đó, rủi ro bây giờ là Fed có thể tiếp tục đang sử dụng phương thuốc chống lạm phát mà nền kinh tế không còn cần đến nữa. Việc sử dụng thuốc quá liều như vậy có thể biến thị trường việc làm từ chỗ hạ nhiệt chuyển sang đóng băng, đồng nghĩa số lượng việc làm suy giảm.
Khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 206.000 công việc mới trong tháng 6, theo số liệu mà Bộ Lao động nước này công bố vào tuần trước. Con số này được đánh giá là không quá nóng và cũng không quá lại, nghĩa là “cân bằng” - ông Powell nhận định hôm thứ Ba.
“Lãi suất thắt chặt quá mức của Fed sẽ khiến một thị trường việc làm cân bằng không thể cân bằng lâu thêm được nữa. Nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao”, ông Brusuelas phát biểu. Vị chuyên gia giải thích rằng điều đó không có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng vọt, nhưng nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái nếu Fed trì hoãn quá lâu việc hạ lãi suất.
ÁM ẢNH SAI LẦM QUÁ KHỨ CỦA FED
Trong một báo cáo vào hôm thứ Hai tuần này, nhà kinh tế Ken Kim của KPMG nhận định rằng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện nay đang tiến gần tới mức kích hoạt Quy tắc Sahm (Sahm Rule) - nghĩa là tín hiệu suy thoái xuất hiện khi mức bình quân hàng tháng trong kỳ 3 tháng của tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,5 điểm phần trăm hoặc hơn so với mức bình quân hàng tháng trong kỳ 12 tháng trước đó.
Ông Kim cũng chỉ ra rằng lĩnh vực dịch vụ - một đầu tàu tăng trưởng chủ chốt của nền kinh tế Mỹ - đang bất ngờ cho thấy những tín hiệu suy yếu.
“Lạm phát không còn là một mối lo áp đảo nữa. Đối với Fed bây giờ, một mối lo khác ngang bằng với mối lo lạm phát là khả năng thị trường việc làm và hoạt động trong nền kinh tế suy giảm nhanh chóng. Mục tiêu của Fed là đưa nền kinh tế hạ cánh mềm, nhưng rủi ro hạ cánh cứng đang xuất hiện”, ông Kim nhận xét.
Nhưng dù sao, chi phí sinh hoạt cao vẫn đang là một mối lo đối với người Mỹ. Tỷ lệ lạm phát ở nước này đã giảm mạnh từ mức 9% vào tháng 6/2022, nhưng hiệu ứng tích tụ của hơn 2 năm giá cả tăng mạnh đang gây căng thẳng cho ngân sách của nhiều hộ gia đình. So với trước đại dịch Covid-19, người Mỹ đang phải mua thực phẩm, trả tiền thuê nhà và tiền bảo hiểm ở mức giá đắt đỏ hơn.
Và các rủi ro lạm phát cũng không phải là đã hoàn toàn biến mất. Chiến tranh ở Trung Đông có thể đẩy giá năng lượng tăng bất kỳ lúc nào, và chiến tranh Nga-Ukraine cũng vậy. Cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Mỹ là một biến số khó lường khác.
Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng chủ trương kinh tế của cựu Tổng thống Donald Trump, gồm giảm thuế, siết chặt kiểm soát nhập cư và tăng thuế quan, có thể “châm ngòi” cho sự trở lại của lạm phát nếu ông tái đắc cử. Chưa kể, nếu Fed hạ lãi suất ngay trước bầu cử, ngân hàng trung ương này có thể bị xem là bị chính trị chi phối - điều mà Fed luôn tránh, theo ông Zandi.
Rủi ro của việc Fed trì hoãn giảm lãi suất là như vậy, nhưng nếu Fed giảm lãi suất quá sớm, nhu cầu tiêu dùng và đầu tư có thể tăng lên, kích thích lạm phát tăng trở lại và khiến câu chuyện trở nên phức tạp hơn. Ông Powell và các đồng nghiệp của ông đang đối mặt với một quyết định khó khăn, và họ không muốn lặp lại sai lầm trong quá khứ.
Hồi thập niên 1970, Fed đã tăng mạnh lãi suất nhưng sau đó đã vội giảm lãi suất trước khi lạm phát thực sự được khống chế. Hậu quả là lạm phát tăng vọt trở lại và buộc Fed tăng lãi suất thậm chí còn mạnh hơn trước đó.
Gần đây hơn, Fed thời ông Powell đã chậm trễ trong cuộc chiến chống lạm phát, đợi quá lâu mới phản ứng với sự leo thang của giá cả vì giới chức Fed và cả nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng lạm phát chỉ là vấn đề tạm thời và sẽ tự hóa giải.
“Fed như con chim sợ cành cây cong. Họ đã phạm sai lầm trước kia là không tăng lãi suất đủ nhanh. Bây giờ, họ đứng trước khả năng phạm một sai lầm nữa là giữ lãi suất quá cao quá lâu”, ông Zandi nói.