Việt Nam có từ 2 - 12% dân số bị sỏi đường tiết niệu (trong đó sỏi thận chiếm 40%). Số liệu này đã xếp Việt Nam vào vị trí các nước thuộc “vành đai sỏi” trên thế giới khi rất nhiều người bị sỏi và khi mắc bệnh này thì kéo theo nhiều tình trạng nhiễm trùng, ung thư, bướu, bế tắc đường tiểu, suy thận… Với bệnh thận, cả nước có khoảng 5 triệu người mắc bệnh và mỗi năm phát hiện thêm 8.000 ca mắc mới.
NGUYÊN NHÂN TỚI TỪ NHỮNG THÓI QUEN
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, người dân Việt Nam gia tăng các bệnh tiết niệu do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu do lối sống. Chẳng hạn như thói quen không tốt là không uống đủ nước. Khi cơ thể không đủ nước dẫn đến tình trạng nước tiểu bị cô đặc, nồng độ các tinh thể bão hòa trong nước tiểu lắng đọng hình thành sỏi.
Thói quen nín nhịn đi tiểu khi có nhu cầu cũng là thói quen xấu, nhiều người Việt mắc phải. Nhịn tiểu khiến nước tiểu ở quá lâu trong hệ tiết niệu, làm cho các chất tạo sỏi dễ dàng lắng đọng, kết tủa. Hay như thói quen uống rượu bia quá nhiều không chỉ gây hại sức khỏe, đặc biệt hại gan mà còn là nguyên nhân gây ra bệnh sỏi đường tiết niệu.
Ăn quá nhiều rau có chứa thành phần oxalat như rau dền, rau muống, rau bạc hà… cũng là một trong các nguyên nhân. Oxalat là một hợp chất hữu cơ, khi bổ sung quá nhiều có thể liên kết với các khoáng chất để hình thành sỏi. Thói quen ăn mặn của người Việt cũng là một lý do gia tăng bệnh sỏi đường tiết niệu, bên cạnh đó là việc lạm dụng bổ sung canxi và vitamin C...
Bên cạnh các thói quen trong cuộc sống, dị dạng đường tiết niệu như hẹp niệu quản, hẹp niệu đạo túi thừa niệu đạo… khiến cho nước tiểu không thoát hết được ra ngoài. Lâu dần việc lắng cặn từ nước tiểu là nguyên nhân gây ra sỏi. Ngoài ra, một số bệnh di truyền cũng làm tăng nguy cơ gây ra bệnh sỏi đường tiết niệu.
Khi không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sỏi tiết niệu có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như tắc nghẽn đường tiểu dẫn đến thận ứ nước, giãn đài bể thận, khi sỏi lớn sẽ chặn dòng thoát của nước tiểu, khiến nước tiểu không thể thoát hết ra ngoài. Viên sỏi có cạnh sắc nhọn, di động làm trầy xước, chảy máu niêm mạc tiết niệu tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng, có thể khiến viêm đường tiết niệu tái diễn liên tục. Tình trạng ứ nước tiểu, viêm tiết niệu… kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng lọc của thận, lâu ngày sẽ dẫn đến suy giảm chức năng của thận dẫn đến suy thận…
Theo bác sĩ Nguyễn Phước Lộc, Trưởng khoa ngoại thận, tiết niệu Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, người dân hoàn toàn có thể phòng ngừa và hạn chế sỏi đường tiết niệu, quan trọng nhất là duy trì chế độ ăn uống khoa học, tập thể thao vừa sức. Nên uống nhiều nước mỗi ngày, khoảng 2.000 - 2.500ml nước. Có thể tính theo công thức: trọng lượng cơ thể x 40 ra số ml nước nên uống trong một ngày.
Đối với chế độ làm việc, cần hạn chế làm việc trong môi trường khô, nóng thời gian quá lâu. Quá trình làm việc, lao động, học tập tuyệt đối không được nhịn tiểu thời gian dài; thường xuyên tập thể dục, vận động để tránh béo phì. Trong ăn uống, cần có chế độ ăn hợp lý: hạn chế ăn quá nhiều thực phẩm giàu oxalate như đậu bắp, củ cải đường, trà, sô cô la, đậu nành; không uống nhiều nước ngọt; không ăn nhiều protid từ các loại thịt đỏ, nội tạng động vật, hải sản...
Khi có các triệu chứng đường tiết niệu như đau lưng, tiểu gắt... nên đến các bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra, phát hiện sớm bệnh lý sỏi đường tiết niệu cũng như các nguyên nhân để điều trị kịp thời. Không nên tự điều trị để tránh các biến chứng nặng về sau.
FAUA 2023 TRỞ LẠI VIỆT NAM
Mới đây, thuật ngữ "vành đai sỏi" một lần nữa được Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nêu ra tại Hội nghị tiết niệu Đông Nam Á (FAUA 2023). Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá Việt Nam và các nước Đông Nam Á đang nằm trong "vành đai sỏi" của thế giới, dẫn nguồn từ Thư viện Y học quốc gia Mỹ cho thấy người dân khu vực Đông Nam Á bị sỏi tiết niệu cao nhất thế giới, tỉ lệ 5 - 19,1%. Riêng Việt Nam ghi nhận có 2 - 12% dân số bị sỏi tiết niệu, trong đó sỏi thận chiếm 40%.
Đó là lý do Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam và Đông Nam Á là chuyên ngành mạnh nhất trong các chuyên ngành về y khoa trong khu vực. Ngay cả thế giới, hàng năm đều có những hội nghị lớn về chuyên ngành này. Những năm qua, lĩnh vực tiết niệu Việt Nam có những tiến bộ lớn, đã phát triển tốt các kỹ thuật tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới. Tuy nhiên, hoạt động khám chữa bệnh, phục vụ bệnh nhân vẫn cần phấn đấu nhiều để đáp ứng được nhu cầu người dân, cần học các nước cách phục vụ, cách tiếp cận công nghệ, kỹ thuật mới.
Sau 14 năm, Hội nghị Tiết niệu Đông Nam Á trở lại Việt Nam với chủ đề “Kết nối - Đổi mới - Phát triển”. Năm nay hội nghị quy tụ hơn 500 chuyên gia y tế đến từ Hiệp hội Tiết niệu châu Âu, Hiệp hội Tiết niệu Australia và New Zealand, Trung tâm Y tế Asan Hàn Quốc, Nhóm Giảng dạy & Tập huấn phẫu thuật Tiết niệu châu Á… Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của 22 chuyên gia nước ngoài với vai trò là chủ tọa, báo cáo viên đến từ các nước khu vực ASEAN, Pháp, Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Trọng tâm của hội nghị năm 2023 là phần thực hiện kỹ thuật cao do các chuyên gia đầu ngành thực hiện, các ca mổ thị phạm được trình diễn ngay trong khuôn khổ hội nghị. Điển hình, ekip phẫu thuật gồm PGS.TS Đỗ Trường Thành, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, BS.CKII Ngô Đậu Quyền, khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và BSCKI Phan Huỳnh Tiến Đạt, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu Thận học Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM thực hiện ca mổ thị phạm tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ (MINI PCNL) cho bệnh nhân nam (49 tuổi, tỉnh Bình Định) bị sỏi hai thận.
Bên cạnh đó, các chuyên gia hàng đầu về tiết niệu cùng chia sẻ về các phương pháp điều trị sỏi thận. Tùy vào từng người bệnh mà có lựa chọn kỹ thuật: tán sỏi qua da, nội soi ống mềm, nội soi ống cứng… phù hợp, an toàn, hiệu quả nhất. Bác sĩ Đỗ Anh Toàn đến từ BV Bình Dân, TP.HCM và hội thảo cùng thảo luận về phương pháp điều trị sỏi ở trẻ em. Bác sĩ Bannakij Lojanapiwat, giáo sư người Thái Lan chia sẻ về phương pháp tán sỏi qua da bằng đường chọc dò đài thận trên, giúp tiếp cận được những viên sỏi nằm phía trên mà các kỹ thuật đi vào đường dưới khó tiếp cận….
PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Vinh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam cho biết, trình độ của các bác sĩ tiết niệu Việt Nam hiện sánh cùng bạn bè thế giới nên mới được FAUA lựa chọn đăng cai tổ chức. Điều này từng bước cho thấy sự tiến bộ của Việt Nam ở lĩnh vực y khoa nói chung và tiết niệu nói riêng.
"Vấn đề trở ngại hiện nay của bác sĩ Việt Nam là việc giao tiếp bằng tiếng Anh không tốt bằng bác sĩ các nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan... Vì vậy, Hội nghị khoa học FAUA 2023 chỉ sử dụng tiếng Anh là cơ hội để các bác sĩ cọ xát và thấy được tầm quan trọng của hội nhập chuyên môn lẫn giao tiếp trao đổi”, PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Vinh cho biết thêm.