Trong khi một số nhãn hàng thời trang vẫn chưa tham gia vào metaverse hoặc chậm thu hút người tiêu dùng qua công nghệ số, Ralph Lauren có thể tự hào là một trong những người dẫn đầu trong không gian ảo. Thương hiệu nổi tiếng đã tiên phong tham gia vào không gian thương mại điện tử hơn 25 năm trước và hiện đang thực hiện một bước nhảy vọt khác bằng cách cung cấp trải nghiệm nhập vai với Fortnite.
Với tên gọi “Sân vận động Polo” (Polo Stadium), dự án hợp tác giữa Ralph Lauren và Fornite lấy cảm hứng từ di sản của BST “Sân vận động” và dòng sản phẩm Polo Sport của thương hiệu cao cấp Hoa Kỳ từ những năm 1990, được mô phỏng lại trong thế giới metaverse. Dự án Ralph Lauren hợp tác với Fortnite, cũng sẽ chứng kiến biểu tượng Polo Pony được tái hiện lần đầu tiên trong lịch sử 55 năm của công ty.
Bộ sưu tập được ra mắt giữa tuần vừa rồi trên trang web của nhà mốt, và sau đó vài ngày sẽ xuất hiện một phiên bản ảo trong trò chơi Fortnite với giá từ 6 USD. Cả hai bộ sưu tập đánh dấu lần đầu tiên có logo mới được thiết kế lại của hãng. David Lauren, Giám đốc thương hiệu và đổi mới của Ralph Lauren cho biết: “Ralph Lauren luôn thiết kế những giấc mơ và tạo ra những thế giới mới, và ngày nay, sự hợp tác của chúng tôi với Fortnite sẽ mang đến trải nghiệm đột phá cho cộng đồng người chơi và người tiêu dùng thế hệ tiếp theo.”
Đối với Ralph Lauren, với doanh số bán hàng tương đối ổn định trong thập kỷ qua, hãng thời trang lâu đời này có kế hoạch tăng giá và tập trung vào khách hàng mới để tăng trưởng. Họ hy vọng sẽ tiếp cận được 400 triệu người dùng của Fortnite. Trước đó, Ralph Lauren từng ra mắt mảng thời trang kỹ thuật số với Polo Shops ở Roblox, cho phép người chơi mua quần áo cho nhân vật của họ trong trò chơi.
Để chào mừng dự án mới, Ralph Lauren sẽ tổ chức một loạt các hoạt động thu hút cộng đồng game thủ, bao gồm cả sự kiện ra mắt phát sóng trực tiếp trên Twitch. Thương hiệu cũng đã đồng tổ chức một giải đấu toàn cầu vào ngày 4/11 trong Fortnite — “Cúp Sân vận động Polo”— nơi người chơi có thể kiếm phần thưởng trong trò chơi bao gồm quyền truy cập đầu tiên vào trang phục và phụ kiện Ralph Lauren.
Đối với Fortnite, khi các game thủ mua sắm các vật phẩm thuộc bộ sưu tập Người nhện, tiền ảo V-Bucks của trò chơi này đã giúp thúc đẩy doanh số bán hàng năm ngoái lên mức kỷ lục 5,8 tỷ USD. Quan hệ đối tác thương hiệu có thể giúp tăng trưởng vượt bậc.
Adam Sussman, chủ tịch của Epic Games chia sẻ: “Thể hiện bản thân một cách chân thực là điều cốt lõi đối với trải nghiệm của người chơi trong Fortnite. Lịch sử thiết kế Polo mang tính biểu tượng của Ralph Lauren cùng với sự linh hoạt mạnh mẽ của Unreal Engine và phong cách không thể nhầm lẫn của Fortnite đã dẫn đến một chiến dịch đầy cảm hứng và vẻ ngoài vượt thời gian mà người chơi Fortnite trên toàn thế giới chắc chắn sẽ yêu thích”.
Ralph Lauren là nhà mốt mới nhất hợp tác với các nền tảng trực tuyến phổ biến khi các thương hiệu tìm cách tận dụng nền tảng kĩ thuật số. Năm ngoái, Balenciaga đã trở thành thương hiệu thời trang lớn đầu tiên tung ra bộ sưu tập thực ảo song hành với Fortnite. Quần áo trong trò chơi sẽ bao gồm trang phục cho bốn nhân vật nổi tiếng của Fortnite: Doggo, Ramirez, Knight và Banshee – lấy cảm hứng từ các bộ sưu tập Balenciaga ra mắt gần đây. Không giống như phiên bản gốc, một số phiên bản kỹ thuật số có thể thay đổi màu sắc khi nhân vật chiến đấu. Các trang bị khác cũng được bán bằng V-Bucks, đơn vị tiền tệ trong trò chơi của Fortnite. Những món đồ đắt nhất có giá 1.500 V-Bucks, tương đương 12 USD.
Vào tháng 6 năm ngoái (2021), hãng thời trang Gucci của Ý cũng hợp tác với hãng trò chơi điện tử Roblox ra mắt bộ sưu thập thời trang cho các nhân vật game trong thế giới ảo. Người chơi trên nền tảng game trên mạng của Roblox có thể sắm sửa túi xách, kính mắt, mũ Gucci chính hãng cho nhân vật trong game của mình với giá khoảng từ 1,2 đến 9 USD.
Có thể nói, các nhà bán lẻ đang thu hẹp khoảng cách giữa thực và ảo. Các sản phẩm quần áo ảo hợp tác với các thương hiệu như Marvel, NFL và Nike đã kiếm được hàng chục triệu USD cho Fortnite. Trong khi đó, metaverse cho phép các nhà bán lẻ truyền thống như Ralph Lauren sáng tạo lại thương hiệu của họ để có một lượng khán giả mới. Các giao dịch trực tuyến hiện chiếm một phần tư doanh số bán hàng của Ralph Lauren và có thể đạt 33% trong vài năm tới nhờ những nhóm khách hàng trẻ tuổi.