Thương hiệu New York vừa công bố một chiến lược phân pối trang phục xa xỉ mới, được gọi là Live On, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Vogue Business tại Hội nghị thượng đỉnh thời trang toàn cầu Copenhagen Edition. Theo đó, người đứng đầu bộ phận bền vững của thương hiệu Devon Leahy cho biết Ralph Lauren có kế hoạch cho phép tất cả các sản phẩm trong quá khứ và tương lai tồn tại một cách có trách nhiệm vào năm 2030.
Đầu tiên, Ralph Lauren cam kết thiết kế các sản phẩm theo các nguyên tắc tuần hoàn tự xác định, bao gồm việc cải tiến 5 sản phẩm mang tính biểu tượng để được chứng nhận Cradle to Cradle; tăng cường sử dụng bông tái chế; và đầu tư vào các hoạt động tái chế, bao gồm công ty khởi nghiệp tái chế sợi tự nhiên Natural Fiber Welding. Các cam kết mới có thời hạn đến năm 2030, với những tiến bộ đáng kể sẽ được thực hiện vào năm 2025. Thương hiệu cũng cho biết họ đang ở "chế độ học hỏi" và sẽ cung cấp các thông tin cập nhật để đánh giá tác động bền vững tại các thời điểm khác nhau.
Bà Devon Leahy cho biết, thiết kế sản phẩm sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc kích hoạt các mô hình kinh doanh tuần hoàn. Về mặt này, thương hiệu đã chọn 5 phong cách mang tính biểu tượng để thiết kế lại. Ví dụ như chiếc áo len cashmere sẽ được dùng bông màu kem hữu cơ thay vì polyester màu tím đặc trưng. Thiết kế sẽ có sẵn tại các cửa hàng vào cuối năm nay và khách hàng có thể tùy chọn “tái chế” các sản phẩm cũ thông qua chương trình tái chế cashmere của Ralph Lauren.
Những thay đổi này liên quan đến việc hợp tác chặt chẽ với các đối tác và nhà máy hiện tại để làm cho mọi yếu tố trong quá trình sản xuất và phân phối bền vững hơn, từ thiết kế trang phục đến chỉ may, thuốc nhuộm và thẻ tag trên sản phẩm. Bốn hạng mục khác để xin chứng nhận vẫn chưa được công bố nhưng cũng sẽ được lựa chọn từ các phong cách đặc trưng của thương hiệu. Mặc dù thương hiệu chỉ có kế hoạch chứng nhận 5 mặt hàng, nhưng họ sẽ áp dụng các nguyên tắc bền vững trên toàn bộ các bộ sưu tập của mình.
Ralph Lauren không phải là thương hiệu duy nhất xem xét việc mở rộng các mô hình kinh doanh bền vững của mình trong nỗ lực tách biệt tăng trưởng tài chính khỏi sự phụ thuộc vào việc ra mắt sản phẩm mới. Isabel Marant, Oscar de la Renta và Jean Paul Gaultier đều đã tung ra các dịch vụ bán lại tích hợp trong năm ngoái. Tập đoàn Kering của Pháp đã đầu tư vào công ty cho thuê túi xách Cocoon và nền tảng bán lại hàng xa xỉ Vestiaire Collective. Các thương hiệu từ Hermès đến Arc’teryx đều đã tăng cường hoạt động sửa chữa hoặc tăng cường trao đổi hàng hóa giữa cộng đồng các khách hàng với nhau...
Nhiều thương hiệu muốn sở hữu trải nghiệm tuần hoàn của khách hàng, tạo ra các dịch vụ bán lại và cho thuê tích hợp, đồng thời hạn chế cộng tác với các nền tảng đa thương hiệu, với hy vọng giữ được lòng trung thành của khách hàng và tính toàn vẹn của thương hiệu. Ralph Lauren cho biết thương hiệu sẽ có một cách tiếp cận kết hợp. Trong một số trường hợp, thương hiệu sẽ vận hành các mô hình kinh doanh tuần hoàn của riêng mình và trong những trường hợp khác, họ sẽ giới thiệu các nền tảng hiện có hoặc đầu tư vào các đối tác để giúp họ mở rộng quy mô. Sẽ có những con đường khác nhau để phân phối sao cho phù hợp với hành vi của người tiêu dùng và giảm thiểu tối đa các sản phẩm bị chôn lấp tại các bãi rác.
Thương hiệu đã có chương trình thử nghiệm bán lại với trang web ngang hàng Depop, tập trung vào các sản phẩm Ralph Lauren cổ điển với sự hợp tác của những người bán hàng đầu. Thương hiệu cũng đang làm việc trên nền tảng kỹ thuật số để kết nối các thị trường bán lại, xác thực các mặt hàng đã qua sử dụng và định giá chúng một cách minh bạch bằng cách sử dụng danh tính sản phẩm kỹ thuật số, phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Vestiaire Collective và công ty ID kỹ thuật số Evrythng.
Những mô hình tuần hoàn nào trở thành ưu tiên kinh doanh sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ thành công của thí điểm và danh mục sản phẩm mà chúng được áp dụng. Bà Leahy nói: “Đối với đồ da, nơi mà độ bền rất quan trọng, thì việc sửa chữa sẽ đóng một vai trò lớn hơn. Đối với áo thun polo, chúng tôi có thể tập trung vào việc bán lại và tái chế từ sợi thành sợi”.
Trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu, các chuyên gia về bền vững đồng ý rằng tuần hoàn là một bước cần thiết cùng với việc giảm đáng kể sản lượng nguyên liệu. Ralph Lauren lập luận rằng không phải tất cả sự tăng trưởng đều xấu. Bà Katie Ioanilli, Giám đốc truyền thông và tác động toàn cầu của Ralph Lauren cho biết: “Dư địa phát triển của thời trang tuần hoàn là rất nhiều, vì vậy còn quá sớm để đưa ra bảng phân tích tỷ lệ phần trăm chính xác mà mô hình nào sẽ mang lại tác động mạnh nhất. Cách tiếp cận của chúng tôi chính là: chậm lại để nhanh hơn".