December 16, 2021 | 18:09 GMT+7

Rạp chiếu phim ngoài trời “cứu” ngành điện ảnh thời đại dịch

Tuệ Mỹ -

Các ông lớn trong ngành công nghiệp điện ảnh khi đang lao đao vì hàng loạt rạp phim phải đóng cửa, đã gặp được cứu tinh của mình. Ngay lập tức, rất nhiều rạp phim ngoài trời đã được dựng lên hoặc tân trang lại, sẵn sàng mở cửa cho khán giả đến thưởng thức…

Không có bốn bức tường kín và những chiếc điều hoà cỡ lớn, hình thức chiếu phim ngoài trời tạo nên một không gian điện ảnh cổ điển khiến người xem vô cùng thích thú. Cây bút Steve Rose của tờ The Guardian đã viết: "Rạp chiếu phim cho ôtô ngoài trời là thế giới tuyệt vời nhất thời dịch: bạn đang ra khỏi nhà nhưng không nhất thiết phải ra khỏi ôtô, bạn ở cùng những người khác nhưng yên tâm vì tách biệt".

HÌNH THỨC GIẢI TRÍ PHỔ BIẾN MỘT THỜI

Hình thức ngồi ôtô xem phim ngoài trời ra đời từ năm 1915, với rạp chiếu đầu tiên ở Mexico, sức chứa lên đến 700 người. Ở Mỹ, rạp đầu tiên được mở ở Texas năm 1921. Trong vài thập niên tiếp theo, mô hình này lan rộng khắp nước Mỹ.

Theo tờ Lebtown, Lebanon (bang Pennsylvania, Mỹ) có rạp phim ngoài trời từ năm 1950, mang tên Key Drive-In Theatre. Khi mới ra đời, khán giả đến rạp ở Lebanon có thể xem hai bộ phim liên tiếp với giá 50 cent cho một vé của người lớn. Vào ngày lễ hoặc cuối tuần, giá vé tăng gấp đôi. Thời ấy, họ phải gắn loa của rạp cạnh xe hơi. Trong bài báo tháng 11/1990 trên tờ Daily News, Charles McConnel - quản lý của Key Drive-In Theatre lúc bấy giờ - cho biết mỗi tuần, rạp thu hút 700 - 800 chiếc xe đến xem phim. Hơn một nửa trong số khán giả trốn vé. Họ thường trùm chăn kín, ngồi ở băng ghế sau để qua mặt quản lý.

Tại các nước Bắc Mỹ lúc bấy giờ, sự kiện chiếu phim xuyên đêm vào mùa hè được giới trẻ ưa chuộng. Họ mang theo đồ ăn và vừa xem phim vừa tụ tập cùng bạn bè. Trong MV Don't Say You Love Me của M2M năm 2000, hai ca sĩ đã tái hiện chân thực cảnh giới trẻ Mỹ xem phim, tiệc tùng, nhảy múa ngoài trời.

Rạp chiếu phim ngoài trời đã từng rất phổ biến một thời
Rạp chiếu phim ngoài trời đã từng rất phổ biến một thời

Các rạp chiếu phim ngoài trời thời ấy thành công do tạo được sự thoải mái cho người xem. Khán giả đang xem phim cũng có thể ra khỏi xe để hút thuốc, nói chuyện, thư giãn mà không ảnh hưởng đến người khác. Các gia đình có trẻ nhỏ rất ưa chuộng loại hình này. Lũ trẻ được mặc đồ ngủ, ăn uống, nô đùa cùng nhau.

Đến thập niên 1980, nhu cầu thưởng thức phim tại các rạp chiếu ngoài trời ở Mỹ giảm mạnh, khán giả chuyển sang ưa chuộng xem phim trong nhà vì yếu tố riêng tư và thoải mái. Chuỗi rạp Key Drive-In ở Lebanon vắng khách dần, dù đã nỗ lực cải tiến kỹ thuật khi phát âm thanh qua radio của từng xe. Năm 1991, địa điểm chiếu phim ngoài trời của Key Drive-In được bán cho hãng Walmart.

HOT TRỞ LẠI VÌ ĐẠI DỊCH

The Guardian nhận định, dịch vụ xem phim trên ôtô đang mọc lên khắp thế giới để thỏa mãn cơn khát giải trí của người dân. Hiện nước Đức có hơn 20 rạp trong khi con số này ở Mỹ lên đến 300. Iran và Philippines cũng mở rạp đầu tiên từ năm ngoái, khi dịch bùng phát cao điểm. Trang Manila Times cho biết vào những ngày cuối tuần, nhiều khán giả trẻ, các gia đình có con nhỏ lái xe từ thủ đô Malina đến San Fernando để trải nghiệm vì rằng họ thích xem phim ngoài trời hơn là ở nhà theo dõi kênh Netflix.

Brian Allen, chủ một rạp chiếu phim ngoài trời ở Toronto, Canada, cho biết: “Đại dịch mang đến cho nhiều người cơ hội khám phá sự thú vị của rạp chiếu phim ngoài trời. Những tháng gần đây, người ta kéo đến ngày một đông hơn, từ mọi nơi, thuộc mọi tầng lớp, để xem phim mà vẫn đảm bảo giãn cách”. The Premier Drive-In Theatrers của Allen đang hoạt động với 50% công suất. Theo anh, những chiếc xe chính là biện pháp giãn cách xã hội. Bản thân doanh nghiệp cũng tuân thủ nghiêm chỉnh các hướng dẫn phòng dịch khác. Rạp của anh là một trong số rất nhiều doanh nghiệp đang xoay sở tốt với loại hình này tại Canada.

 
Rạp chiếu phim cho ôtô ngoài trời là thế giới tuyệt vời nhất thời dịch: bạn đang ra khỏi nhà nhưng không nhất thiết phải ra khỏi ôtô, bạn ở cùng những người khác nhưng yên tâm vì tách biệt"...

Tại Anh, loại hình chiếu phim ngoài trời cũng đắt khách trở lại trong một năm qua. Trang AutoExpress nhận xét các rạp chiếu ngoài trời ngày nay hoạt động tối ưu nhờ công nghệ hiện đại. Chủ rạp áp dụng thanh toán trực tuyến, soát vé dưới sự hỗ trợ của camera tự động. Giá vé trung bình khoảng 10 USD cho một người lớn. Một số rạp khác tính vé theo xe, khoảng 30 USD một chiếc. Một rạp chiếu tại London thậm chí cho những người không có xe thuê phương tiện với giá 20 bảng.

Tại Hàn Quốc, đại dịch Covid-19 cũng giúp các tụ điểm chiếu phim ngoài trời có bước phát triển mạnh mẽ trong hai năm qua. Tờ Chosun đưa tin giữa đại dịch, các tụ điểm chiếu phim ngoài trời ở ngoại ô Hàn Quốc ghi nhận mức tăng trưởng đáng kinh ngạc. Tại đây, khán giả có thể thoải mái (và an toàn) thưởng thức các bộ phim chiếu trên màn hình lớn từ bên trong xe hơi.

Hiện khu vực nội độ Seoul đã không còn các tụ điểm chiếu phim ngoài trời. Nhưng ở khu vực ngoại thành và vùng phụ cận, các công ty kinh doanh dịch vụ chiếu phim ngoài trời đang mở rộng quy mô kinh doanh với nhiều chi nhánh mới. CGV đã mở một rạp chiếu phim ngoài trời tại Incheon và một rạp khác tại Gwangju, tỉnh Gyeonggi hồi tháng 9. Giữa năm 2021, Lotte Cinema cũng mở một rạp chiếu phim ngoài trời tại Busan. Chuỗi rạp chiếu phim Cine Q cũng đang hoàn thiện một rạp chiếu phim ngoài trời tại Ulsan.

Các rạp chiếu phim ngoài trời là cách thị trường điện ảnh Hàn Quốc kiếm tiền giữa đại dịch. Dữ liệu từ ứng dụng chỉ đường T Map cho thấy số lượng lộ trình di chuyển có điểm dừng tại rạp chiếu phim đã giảm 36%, từ 19.200 lượt trong tháng 1/2020 xuống còn 12.325 lượt vào tháng 11/2021. Ngược lại, số lộ trình di chuyển tới các rạp chiếu phim ngoài trời đã tăng 90%, lên 533 lượt.

Rạp chiếu phim ngoài trời “cứu” ngành điện ảnh thời đại dịch - Ảnh 1
Rạp chiếu phim ngoài trời “cứu” ngành điện ảnh thời đại dịch - Ảnh 2
 
Rạp chiếu phim ngoài trời “cứu” ngành điện ảnh thời đại dịch - Ảnh 3
Rạp chiếu phim ngoài trời “cứu” ngành điện ảnh thời đại dịch - Ảnh 4
 

Nhìn chung, các rạp phim ngoài trời hiện nay được bố trí "ghế ngồi" cho xe kèm số thứ tự tương tự như rạp phim thông thường. Giá vé cũng là yếu tố tạo nên thành công và sức cạnh tranh cho loại hình chiếu phim ngoài trời. Thường thì khán giả sẽ mua vé tính theo đầu mỗi chiếc ôtô (thay vì tính theo đầu người), như vậy nếu bạn đi theo nhóm (từ 3 – 4 người) hay dạng gia đình, thì đã có thể thưởng thức một bom tấn với mức phí thấp hơn nhiều so với các rạp hiện đại trước kia.

Chất lượng dịch vụ cũng là yếu tố quyết định. Tại đây, bạn sẽ được mang tận nơi bắp và nước mà không cần tốn công xếp hàng như lúc trước. Tuy nhiên, dù đang rất phổ biến trở lại thì loại hình giải trí này cũng có hạn chế mang tính đặc thù như phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và các suất chiếu trong ngày. Thông thường các suất chiếu chỉ bắt đầu lúc chiều tà và tối, khiến lượng khán giả có thể đến thưởng thức bị giới hạn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate