November 30, 2024 | 09:48 GMT+7

Rất thách thức để 5G đóng góp 7,34% vào tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2025

Ngô Huyền -

Khi phần lớn các nhà mạng vẫn chưa triển khai thương mại hoá 5G, ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng Ban Chuyển đổi số của Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết không mấy lạc quan về dự báo tác động của 5G tới 7,34% vào GDP nền kinh tế Việt Nam vào năm 2025… 

Viện Chiến lược thông tin và truyền thông dự báo tỷ lệ đóng góp của 5G vào tăng trưởng GDP trong năm 2025 đạt 7,34%.
Viện Chiến lược thông tin và truyền thông dự báo tỷ lệ đóng góp của 5G vào tăng trưởng GDP trong năm 2025 đạt 7,34%.

5G - thế hệ mạng tiếp theo từ lâu luôn được kỳ vọng sẽ thay đổi cả nền kinh tế. Với lợi thế tốc độ dữ liệu nhanh hơn từ 10 - 100 lần so với mạng 4G, độ trễ thấp hơn chỉ khoảng 1ms, cho phép các thiết bị phản hồi gần như tức thì và khả năng kết nối hàng tỷ thiết bị trong cùng một thời điểm, các chuyên gia cho rằng sự phát triển của 5G sẽ mở ra cơ hội để Việt Nam phát triẻn các lĩnh vực như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI),... 

KHÓ KHĂN HIỆN HỮU TỪ VIỆC CÁC NHÀ MẠNG CHƯA THỂ TRIỂN KHAI MẠNG 5G

Với những tiềm năng to lớn của 5G đối với nền kinh tế, năm 2021, Viện Chiến lược thông tin và truyền thông từng công bố dự báo tỷ lệ đóng góp của 5G vào tăng trưởng GDP trong năm 2025 đạt 7,34%. Tuy nhiên, ông Huy nhận định “con số này rất thách thức”. 

Nguyên nhân được đưa ra là vì trong số 3 doanh nghiệp viễn thông đấu thầu thành công các khối băng tần 5G từ Chính phủ, mới chỉ có Viettel chính thức triển khai thương mại hóa dịch vụ 5G. Mặc dù vậy, hai nhà mạng còn lại của Việt Nam là MobiFone và VNPT đã lắp đặt các trạm phát sóng 5G tại nhiều địa phương nhằm phục vụ người dùng trải nghiệm. Cả hai nhà mạng cũng đang khẩn trương hoàn tất các bước cần thiết để chính thức ra mắt dịch vụ 5G thương mại trong nửa đầu năm 2025.

Hiệp hội viễn thông toàn cầu (GSMA) dự báo 5G sẽ đóng góp khoảng 930 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu trong năm 2030. Trung Quốc, thị trường 5G hàng đầu thế giới là minh chứng rõ nhất về tẩm ảnh hưởng của 5G đối với nền kinh tế. Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) ghi nhận thương mại hóa 5G đã đóng góp trực tiếp vào tổng sản lượng kinh tế quốc gia này trên 750 tỷ USD trong 5 năm qua. 

Trong khi đó, Báo cáo Kinh tế di động Trung Quốc năm 2024 dự báo đóng góp của 5G vào GDP của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt gần 260 tỷ USD vào năm 2030. Hết năm nay,  800 triệu kết nối di động của Trung Quốc đã là 5G. Còn tính đến cuối tháng 5 năm nay, Trung Quốc đã có tổng cộng 3,837 triệu trạm sóng 5G, chiếm 60% tổng số trạm sóng toàn cầu. 

TRUNG QUỐC HỖ TRỢ CÁC NHÀ MẠNG HOÀN THIỆN HẠ TẦNG 5G BẰNG ƯU ĐÃI VỐN

Đánh giá về thách thức trong triển khai phủ sóng mạng 5G tại Việt Nam, ông Huy cho rằng rào cản lớn nhất là tỷ suất đầu tư quá lớn. Theo ông Huy, Việt Nam sẽ cần khoảng 200.000 trạm nếu muốn phủ sóng 5G rộng khắp Việt Nam. Trong khi đó, chi phí đầu tư của 1 trạm sóng 5G lại đắt gấp 3 lần một trạm 4G. Điều này đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu rất cao, đặc biệt là ở các khu vực vùng sâu vùng xa nơi mà hạ tầng hiện tại chưa phát triển đầy đủ. 

Trong khi đó, để đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ 5G như hiện tại, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách cứng rắn với quyết tâm đưa 5G phủ sóng nhanh chóng toàn bộ các thành phố và các lĩnh vực kinh tế. Một ví dụ về nỗ lực triển khai công nghệ 5G của Chính phủ Trung Quốc là cung cấp gần như miễn phí băng thông cho các nhà mạng. Thậm chí, không chỉ trợ cấp để các nhà mạng hoàn thiện hạ tầng, Chính phủ Trung Quốc còn đề nghị Ngân hàng nhà nước Trung Quốc thực hiện các chính sách vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp trong ngành.

Bên cạnh áp lực trong bài toán về vốn để hoàn thiện hạ tầng 5G, mức độ sẵn sàng ứng dụng của các doanh nghiệp còn khá thấp. Trao đổi với VnEconomy, ông Ngô Mạnh Hùng, Giám đốc giải pháp 5G2B, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel cho biết 5G có tiềm năng ứng dụng nhiều nhất trong sản xuất công nghiệp, y tế hay xây dựng thành phố thông minh... Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng Việt Nam hiện vẫn chưa theo kịp thế giới về việc áp dụng công nghệ trong sản xuất công nghiệp và cảng biển, dù đây là hai lĩnh vực có tiềm năng rất lớn với sự hỗ trợ của 5G. 

Việc ứng dụng phổ biến hơn sẽ còn phụ thuộc vào khả năng tài chính của doanh nghiệp và ý chí chuyển đổi số vì khi nâng cấp một hệ thống mạng, “Các đơn vị Việt Nam đương nhiên sẽ còn đắn đo trong đánh giá hiệu quả mang lại, thời gian triển khai, tính sẵn sàng của các giải pháp”. 

Đến nay, sau khoảng 2 tháng triển khai dịch vụ 5G, Viettel ghi nhận đã có 3 triệu người dùng, chiếm hơn 30% số thiết bị đầu cuối tại Việt Nam hỗ trợ công nghệ này. Bên cạnh đó, sau hơn một tháng triển khai quyết định ngừng phát sóng 2G Only trên toàn bộ thiết bị đầu cuối tại Việt Nam, theo số liệu từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đến ngày 21/10, cả nước chỉ còn 143.000 thuê bao 2G Only chưa nâng cấp lên 4G, và các thuê bao này hiện đã bị khóa hai chiều. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate