August 08, 2021 | 12:02 GMT+7

Rủi ro lạm phát, dịch bệnh "buộc" các quỹ đầu tư giữ tiền mặt cao nhất gần một năm?

Khánh Linh -

Lạm phát đứng đầu trong các rủi ro, tiếp sau là nguy cơ thu hẹp các chương trình nới lỏng, bong bóng tài sản, Covid 19 biến chủng và tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc. Tại Việt Nam, tính chung 7 tháng đầu năm 2021, các quỹ chủ động bị rút ròng -191,6 triệu USD...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đề cập đến dòng vốn đầu tư vào cổ phiếu toàn cầu trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 8, chứng khoán SSI Research cho biết, nhà đầu tư giảm bớt sự lạc quan vào phục hồi kinh tế do nguy cơ dịch bệnh và tác động hạn chế hơn từ các biện pháp kích thích kinh tế của các Chính phủ.

Biến chủng Delta hiện đã ghi nhận ở 132 quốc gia, số ca mắc trong trong tháng 7 đã tăng 80% so với tháng 6 do mức độ lây nhiễm cao hơn và có dấu hiệu bùng phát trở lại ở cả những nước trước đó đã cơ bản khống chế được dịch.

DÒNG VỐN VÀO CỔ PHIẾU GIẢM TỐC

Hầu hết các Ngân hàng Trung ương đều duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế nhưng sự phục hồi đang có tín hiệu chững lại ở 2
nền kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc.

Dòng vốn vào cổ phiếu tiếp tục giảm tốc. Các quỹ cổ phiếu toàn cầu có thêm 47,8 tỷ USD vốn vào trong tháng 7/2021, ghi nhận tháng thứ 11 liên tiếp có dòng tiền vào nhưng quy mô dòng tiền giảm nhẹ -9% so với tháng trước. Mặc dù vậy, cổ phiếu vẫn đang là kênh đầu tư truyền thống hút vốn mạnh nhất, trong 7 tháng đầu năm, có tổng cộng 636 tỷ USD vốn vào cổ phiếu, gấp 2 lần lượng vốn vào trái phiếu và gấp 6 lần vốn vào các quỹ tiền tệ.

Rủi ro lạm phát, dịch bệnh "buộc" các quỹ đầu tư giữ tiền mặt cao nhất gần một năm? - Ảnh 1

Tại thị trường Trung Quốc, cổ phiếu Trung quốc lao dốc đã kích hoạt cầu bắt đáy trong tuần cuối tháng 7. Cùng với căng thẳng gia tăng trong quan hệ của Trung Quốc với Mỹ và các nước đồng minh, rủi ro về chính sách đã khiến vốn rút khỏi thị trường Trung Quốc trong tháng 6 và tiếp tục duy trì xu hướng này trong 3 tuần đầu tháng 7.

Bắc Kinh đã ban hành các quy định mới siết chặt quản lý các tập đoàn lớn hoạt động trong các lĩnh vực mua sắm trực tuyến, giao đồ ăn, dạy thêm sau giờ học, giải trí… khiến làn sóng bán tháo cổ phiếu Trung Quốc lan rộng, bao gồm cả các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại thị trường Mỹ.

Trong tuần cuối tháng 7, tuy các chỉ số chứng khoán Trung Quốc vẫn giảm sâu nhưng đã có 4,1 tỷ USD tiền vào các quỹ ETF vào thị trường Trung Quốc, ghi nhận tuần có vốn ETF vào lớn nhất kể từ đầu tháng 3/2021 đến nay. Mức giảm sâu của giá cổ phiếu và các tuyên bố trấn an thị trường từ cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Trung Quốc và PBOC bơm tiền mạnh đã kéo dòng tiền ETF trở lại thị trường này. Tuy vậy, rủi ro thị trường rõ ràng đang ở mức cao, dòng vốn chủ động có tháng rút ròng đầu tiên khỏi thị trường Trung Quốc kể từ 3/2020.

Dòng vốn ngừng chảy vào thị trường Đài Loan. Sau 2 tháng có vốn vào rất mạnh (2,7 tỷ USD), dòng vốn đã rút ròng nhẹ (gần 40 triệu USD) khỏi thị trường Đài Loan trong tháng 7.

Dòng vốn vào các thị trường mới nổi Châu Á ngoại trừ Trung Quốc nhìn chung kém tích cực hơn trong tháng qua khi diễn biến dịch bệnh trong khu vực vẫn đang rất phức tạp.

Rủi ro lạm phát, dịch bệnh "buộc" các quỹ đầu tư giữ tiền mặt cao nhất gần một năm? - Ảnh 2

Theo khảo sát tháng 7 của Bank of America Merrill Lynch, tỷ trọng phân bổ vào tiền mặt của các quỹ đầu tư ở mức 12% - mức cao nhất từ 10/2020. Lạm phát đứng đầu trong các rủi ro, tiếp sau là nguy cơ thu hẹp các chương trình nới lỏng, bong bóng tài sản, Covid 19 biến chủng và tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc.

'"Có thể thấy, cổ phiếu hiện vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhưng rủi ro thị trường đang tăng cao, tâm lý nhà đầu tư cũng yếu hơn giai đoạn trước", báo cáo nhấn mạnh.

VỐN ETF VÀO VIỆT NAM MẠNH TRONG THÁNG 7, DỰ BÁO SUY YẾU TRONG THÁNG 8

Tại thị trường Việt Nam, nối tiếp xu hướng tích cực từ tháng 6, dòng vốn ETF được đẩy mạnh trong tháng 7. Trong tháng 7, quỹ ETF mua ròng 206,6 triệu USD (tương đương gần 4,8 nghìn tỷ đồng)– lượng mua ròng lớn thứ 2 trong 2021 (sau tháng 4).

Hầu hết các quỹ ETF đều có dòng vốn vào ngoại trừ FTSE Vietnam (bị rút nhẹ -38 tỷ đồng). Giá trị mua ròng lớn nhất đến từ quỹ ETF của Đài Loan là Fubon FTSE ETF (172 triệu USD). Như vậy, tính đến hết tháng 7, tổng tài sản của Fubon đã vượt VanEck Vectors Vietnam và trở thành quỹ ETF lớn
thứ 2 trên thị trường, chỉ sau VFM VNDiamond.

Ngược lại, các quỹ chủ động rút ròng nhẹ. Ngoài trừ mua ròng vào tháng 5, diễn biến của dòng vốn chủ động là rút ròng trong 7 tháng đầu năm. Tuy nhiên, mức rút trong tháng 7 tương đối thấp, chỉ khoảng 6 triệu USD. Các quỹ chủ động mua ròng hơn 50 triệu USD trong 2 tuần đầu tiên của tháng, và sau đó quay lại bán ròng tới 56 triệu USD.

Rủi ro lạm phát, dịch bệnh "buộc" các quỹ đầu tư giữ tiền mặt cao nhất gần một năm? - Ảnh 3

Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, các quỹ chủ động bị rút ròng -191,6 triệu USD nhưng các quỹ ETF lại hút ròng gần 700 triệu USD, (gấp 3 lần lượng vốn ETF vào của cả năm 2020) trong đó riêng quỹ Fubon là khoảng 545 triệu USD. Nhờ vậy, dòng vốn ngoại 7 tháng đầu năm vẫn +492 triệu USD và Việt Nam là thị trường nhận được nhiều vốn ngoại nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Khối ngoại quay lại mua ròng trên thị trường chứng khoán. Tổng lượng mua ròng trong tháng 7 là 5.086 tỷ đồng, mức mua ròng theo tháng cao nhất trong 1 năm trở lại đây. Tuy vậy, tính chung 7 tháng đầu năm, khối ngoại vẫn bán ròng 25,3 nghìn tỷ đồng.

Trong những ngày đầu tháng 8, dòng vốn ETF vẫn duy trì tích cực khi nhiều quỹ vẫn liên tục được tăng vốn như VFM VN30, VFM VNDiamond, VanEck Vectors và Asian Growth CUBS. Tuy nhiên, sau khi giải ngân mạnh trong tháng 7, cùng với xu hướng dòng vốn yếu hơn ở thị trường Đài Loan, dòng vốn ETF tháng 8 có thể sẽ yếu hơn tháng 7.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate