Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết những tháng đầu năm 2024, số người tham gia bảo hiểm xã hội tiếp tục có xu hướng tăng, nhưng số người rút bảo hiểm xã hội một lần cũng tăng trở lại.
SỐ NGƯỜI HƯỞNG BẢO HIỂM MỘT LẦN TIẾP TỤC TĂNG
Mặc dù có xu hướng tăng, nhưng nếu so sánh các tháng trong quý I/2024, thì số người tham gia bảo hiểm xã hội ở cả 2 loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện đều giảm so với thời điểm cuối năm 2023.
Tính đến hết tháng quý I/2024, số người tham gia bảo hiểm xã hội ước đạt 17,392 triệu người, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023, giảm 1,7% so với tháng 2/2024. Đến hết quý I, số tiền thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế là 106,786 tỷ đồng, tăng 2,18% so với cùng kỳ năm 2023.
Các cơ quan đã giải quyết 19.565 hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng. Đáng chú ý, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần liên tục tăng ở các tháng đầu năm 2024 và tăng chung cả quý I/2024 so với quý I/2023. Theo đó, trong quý I, có 272.420 hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng khoảng 1% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thực tế trên cho thấy hưởng bảo hiểm xã hội một lần vẫn là một lựa chọn của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, thôi việc, mất việc làm.
Liên quan đến vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Chính phủ trình Quốc hội đang có hai phương án.
Theo Phương án 1, người lao động được chia làm hai nhóm: Nhóm 1 tiếp tục được áp dụng hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động.
Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến từ 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Sự khác biệt của dự thảo Luật với quy định hiện hành là, nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội một lần thì khi đến tuổi nghỉ hưu, mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu (có tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội không đủ 15 năm), và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, thì có thể được lựa chọn hưởng các quyền lợi bổ sung.
Đơn cử như hưởng trợ cấp hằng tháng, từ chính phần bảo lưu của mình trong thời gian từ khi đủ tuổi nghỉ hưu, đến trước tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (75 tuổi). Trong thời gian này thì được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế; và nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng...
Dự thảo Luật vẫn quy định, nếu người lao động không nhận trợ cấp hằng tháng thì nhận bảo hiểm xã hội một lần, nhưng sẽ mất đi cơ hội được nhận các quyền lợi bổ sung nêu trên.
Trong khi đó, nhóm 2, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định này.
Còn theo Phương án 2, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
TIẾP TỤC LẤY Ý KIẾN ĐỂ HOÀN THIỆN CÁC PHƯƠNG ÁN
Tại phiên họp tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) hôm 3/5, Ủy ban Xã hội cho biết đa số ý kiến trong quá trình chỉnh lý, góp ý dự thảo Luật cho rằng Phương án 1 do Chính phủ trình có ưu điểm hơn.
Chẳng hạn, cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội (không làm ảnh hưởng nhiều đến khoảng 18 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội); hạn chế được tình trạng một người tham gia bảo hiểm xã hội có nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua. Giai đoạn 2016 – 2022, đã có gần 25% số lượt người rút bảo hiểm xã hội một lần đã rút từ 2 lần trở lên.
Điểm hạn chế của Phương án 1 là còn có thể có sự so sánh giữa những người lao động tham gia trước và sau khi Luật sửa đổi có hiệu lực.
Vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần cũng đã nhiều lần được Bảo hiểm xã hội Việt Nam cảnh báo người lao động sẽ bị thiệt thòi. Đó là mất đi cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; số tiền nhận về thấp hơn so với số tiền đã đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, mất đi cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng…
Vì thế, để tránh phải rút bảo hiểm xã hội một lần do những khó khăn trước mắt, như mất việc làm, giảm sút thu nhập gây nên, cơ quan Bảo hiểm xã hội khuyến cáo người lao động hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, về nội dung quy định liên quan đến điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần, mục tiêu đặt ra là giữ chân được người lao động, hạn chế tối đa việc rút bảo hiểm xã hội một lần, nhưng vẫn bảo vệ đầy đủ quyền, lợi ích của người lao động.
Hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật này.
Bộ đã đề xuất hoàn thiện chính sách tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, bao gồm bổ sung thêm một số nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, giảm điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm…