December 22, 2021 | 14:38 GMT+7

Rút bảo hiểm xã hội một lần, không chỉ vì thiếu tiền mà thiếu cả "niềm tin”

Nhật Dương -

Việc người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng theo đánh giá của các chuyên gia bởi lẽ họ không chỉ thiếu tiền, thiếu thông tin mà còn “thiếu cả niềm tin”…

Người lao động chọn rút bảo hiểm một lần vì bất đăc dĩ. Ảnh minh họa - N.Dương.
Người lao động chọn rút bảo hiểm một lần vì bất đăc dĩ. Ảnh minh họa - N.Dương.

Số liệu công bố của Bảo hiểm xã hội Việt Nam mới đây cho thấy tính đến hết tháng 10/2021, cả nước có hơn 700.000 người làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021. Thực trạng này được cảnh báo là sẽ còn tiếp tiễn và chưa có dấu hiệu dừng lại.

NHẬN BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN LÀ BẤT ĐẮC DĨ

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, về cơ bản thực trạng người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần không hoàn toàn xuất phát từ những những tồn tại của chính sách. Theo ông Nam, thực tế chính sách bảo hiểm xã hội vẫn hấp dẫn, đó là việc bảo lưu thời gian và hướng tới hưởng lương hưu hằng tháng mới là yếu tố đảm bảo an sinh lâu dài và là quyền lợi cao nhất cho người lao động.

“Việc rút bảo hiểm xã hội một lần chẳng qua là tình huống bất đắc dĩ, rõ ràng càng rút người lao động càng thiệt, vì nếu quy đổi thời gian đóng góp khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần, dù số tiền trước mắt có thể là khoản để họ trang trải chi phí, nhưng bên cạnh đó phải đánh đổi đi cơ hội có lương hưu lâu dài”, ông Nam nói và cho rằng điều đó sẽ khiến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng.

Mặc dù vậy, ông cũng thừa nhận trong bối cảnh hiện tại, người lao động đang bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố, như mặt bằng thu nhập, hay các khoản trợ cấp chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Vì lẽ đó, khi người lao động khó khăn họ sẵn sàng đánh đổi chọn rút bảo hiểm xã hội một lần để có ngay khoản bổ sung thêm, và chấp nhận bỏ đi cơ hội trong chính sách hưu trí lâu dài.

Để xảy ra tình trạng này, theo ông Nam cũng cần xem xét ở cả khía cạnh là chúng ta đã làm tốt vai trò của quản trị thị trường lao động, cũng như đảm bảo cho các doanh nghiệp có các điều kiện để duy trì sản xuất, nhằm duy trì việc làm ổn định, hạn chế việc sa thải lao động hay chưa.

Đây cũng chính là một công cụ để hạn chế việc chấm dứt quan hệ lao động, bởi lẽ nếu duy trì được như vậy người lao động sẽ không có nhu cầu để rút bảo hiểm xã hội một lần, vì công việc của họ vẫn tiếp tục được đảm bảo.  

Thời gian qua các chính sách này cũng đã bắt đầu được chú trọng nhiều hơn, chẳng hạn như có thêm các chính sách từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để chi hỗ trợ cho người sử dụng lao động trong việc duy trì việc làm ổn định, lâu dài cho người lao động, đây sẽ là những giải pháp rất căn cơ.

Tuy nhiên, theo ông Nam bên cạnh đó cũng cần thêm các chính sách khác nữa để cải thiện thu nhập cho người lao động, khi đó họ sẽ hướng đến việc tích lũy hơn. “Còn nếu không làm được như vậy thì dù chúng ta có tuyên truyền thế nào đi chăng nữa nhưng đời sống người lao động vẫn khó khăn thì việc họ rút bảo hiểm xã hội một lần là tất yếu, chúng ta cần tăng cường các chính sách hỗ trợ song hành cùng chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần”, ông Nam nhấn mạnh.

KHÔNG ĐƯA RA RÀO CẢN ĐỂ ĐƯỢC RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, hiện Chính phủ đã giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 93/2015 về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động.

Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm. Ảnh - N.Dương. 
Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm. Ảnh - N.Dương. 

“Trong Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội cũng khẳng định tiếp tục triển khai chính sách bảo hiểm xã hội một lần theo hướng cho phép người lao động có quyền được rút bảo hiểm xã hội một lần. Vấn đề của chúng ta là làm sao để các chính sách có thể tới được người lao động đang nhận bảo hiểm xã hội một lần để họ thấy rằng bảo lưu số năm đóng sẽ có lợi hơn thì chắc chắn khi đó người lao động sẽ tự nguyện ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội”, ông Nam nhìn nhận.

Tất nhiên để đạt được điều này, chính sách sẽ cần hấp dẫn hơn, đảm bảo tính linh hoạt trong việc tham gia và mức độ thụ hưởng. Theo ông Nam, niềm tin của người dân sẽ phản ánh qua các yếu tố này, còn chính sách sẽ không thiên về việc sắp tới sẽ hạn chế việc không cho phép hưởng bảo hiểm xã hội một lần, hay sẽ đưa ra các rào cản về vấn đề này.

Thậm chí, trong việc tổ chức thực hiện tới đây, các thông tin cũng cần rõ ràng minh bạch, để người lao động có lựa chọn phù hợp trong việc thụ hưởng.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nói thêm rằng, việc người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần cũng cho thấy họ không chỉ thiếu tiền, thiếu thông tin mà còn “thiếu cả niềm tin” vào chính sách.

Để hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất cần có chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động tham gia đóng góp để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần, song vẫn cho phép người lao động được tiếp tục hưởng chính sách này nếu có nhu cầu.

Thông tin thêm, ông Trần Hải Nam cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực từ 1/1/2016 qua triển khai thực tế đã bộc lộ một trong những hạn chế như trên, vì vậy chính sách tới đây sẽ cần hoàn thiện để đáp ứng được các thay đổi trong cuộc sống.

Chính phủ đã giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoàn thiện dự thảo luật, chuyển Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2023.

Tuy nhiên, ông Nam cho biết, hiện các cơ quan chuyên môn vẫn đang đẩy nhanh tiến trình xây dựng luật để sẵn sàng trình lên Trung ương ngay trong năm 2022 thay vì chờ đến năm 2023. “Điều đó để thấy rằng tính cấp thiết của việc sửa đổi luật trong thời gian tới”, ông Nam nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate