Như VnEconomy đã đề cập ở một bài viết trước, dự kiến Sacombank sẽ có thay đổi đáng chú ý trong tương lai, có thể gắn với yếu tố “mới mà không mới”. Cụ thể hơn là một khả năng sáp nhập nào đó.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, thị trường xuất hiện những bàn luận về khả năng có tình huống sáp nhập giữa Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank).
Trong một cuộc thảo luận giữa một nhóm nhà đầu tư, khả năng trên được họ tính toán ở tương lai gần. Tuần trước, biết Ngân hàng Nhà nước sắp tổ chức họp báo thường kỳ ngày 28/2, một nhà đầu tư trong nhóm nhắn tin tới VnEconomy, đề nghị hỏi về tình huống đó.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ cuộc họp báo và có giới hạn thông tin trả lời nhất định, VnEconomy đã không đặt câu hỏi được đề nghị. Liên quan, tại buổi họp báo, có phóng viên đề nghị Ngân hàng Nhà nước nêu cụ thể tên những tổ chức tín dụng yếu kém vừa xác định thêm, song thông tin phải đợi đến thời điểm phù hợp.
Ngân hàng Nhà nước có lý do khi chưa công bố, bởi hoạt động ngân hàng vốn nhạy cảm và việc công bố thông tin ở những thời điểm không phù hợp có thể dẫn đến những xáo trộn ngoài mong muốn…
Trở lại với khả năng sáp nhập Sacombank với Southern Bank, trao đổi với VnEconomy, lãnh đạo một ngân hàng thương mại lại suy tính rằng, rất có thể định hướng này sẽ được đề cập tại đại hội đồng cổ đông thường niên của hai ngân hàng sắp tới. Thậm chí, vị lãnh đạo này còn dự tính sẽ có cả những thay đổi nhân sự cao cấp.
Tình huống ông đặt ra là ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank, vẫn được xem là người mà Eximbank biệt phái đại diện cho phần vốn đầu tư của mình, có thể sẽ trở về tham gia Hội đồng Quản trị Eximbank. Thay vào đó, ông Kiều Hữu Dũng, hiện là Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch.
Dĩ nhiên, đó là tình huống mà cổ đông, nhà đầu tư hoàn toàn có thể tính tới. Lãnh đạo một ngân hàng khác cũng cho rằng, nếu điều đó xảy ra thì cũng rất bình thường.
“Nếu có kế hoạch sáp nhập như vậy, nếu có thay đổi nhân sự như vậy thì bình thường thôi. Vấn đề là Nga đã đem bao nhiêu quân vào Ukraine rồi”, ông nói, nhân chủ đề đang nóng trên các mặt báo những ngày này.
Gợi ý của vị lãnh đạo ngân hàng trên nhắc đến một quá trình được chú ý hơn hai năm qua. Nút thắt của quá trình chính thức được mở vào ngày 26/5/2012 - ngày đại hội đồng cổ đông của Sacombank.
Qua đại hội đó, cơ cấu Hội đồng Quản trị của Sacombank đã thay đổi lớn; nhiều thành viên cũ từ nhiệm và nhiều thành viên mới xuất hiện. Phần lớn trong số 8 người ứng cử và được bầu vào Hội đồng Quản trị đều đến từ, hoặc từng công tác tại Southern Bank và Eximbank, gồm: ông Trầm Bê (từ Southern Bank), ông Phạm Hữu Phú (từ Eximbank), ông Trầm Khải Hòa (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán Phương Nam), ông Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Southern Bank), bà Dương Hoàng Quỳnh Như (từng là thành viên Hội đồng Quản trị Southern Bank), ông Nguyễn Miên Tuấn (Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Rồng Việt - có cổ đông sáng lập là Eximbank).
Gần đây, giới đầu tư cũng chú ý với thông tin gia đình ông Trầm Bê nắm gần 21% cổ phần của Southern Bank; trước đó là thông tin cũng là gia đình ông Trầm Bê nắm 6,7% cổ phần của Sacombank…
Với những mối liên hệ trên, việc nhà đầu tư và người trong ngành tính đến khả năng có sáp nhập giữa hai ngân hàng cũng là bình thường.
Còn theo tìm hiểu của VnEconomy, hiện Ngân hàng Nhà nước chưa nhận được bất kỳ một đề án hay văn bản nào liên quan đến khả năng trên của cả hai bên. Tuy nhiên, nguồn tin của VnEconomy cũng lưu ý, đối với kế hoạch sáp nhập hay hợp nhất của các ngân hàng thương mại, phải rất thận trọng nếu có ý định công bố.
Còn trong trường hợp có sáp nhập hai ngân hàng này, như ý kiến của vị lãnh đạo ngân hàng trên, cũng là bình thường. Có sáp nhập Bình Dương vào Tp.HCM thì nước sông Sài Gòn vẫn chảy. Nhưng cư dân của hai địa bàn sẽ đón nhận như thế nào?
Lâu nay, và về nguyên tắc, việc sáp nhập hay hợp nhất giữa các ngân hàng sẽ do đại hội đồng cổ đông quyết định, qua tỷ lệ cổ phần biểu quyết. Thế nhưng, nếu có một khảo sát về tỷ lệ hài lòng của cán bộ nhân viên hai bên, hẳn đó cũng là một thông tin đáng để tham khảo. Và giả sử có được tỷ lệ đó trong tình huống sáp nhập Southern Bank với Sacombank, bên nào sẽ có tỷ lệ hài lòng cao hơn?
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate