August 05, 2023 | 13:23 GMT+7

Sản phẩm OCOP giúp người dân thoát nghèo

Trà Giang

Canh Nậu là xã có làng nghề mộc truyền thống tiêu biểu nhất ở huyện Thạch Thất (Hà Nội). Được công nhận sản phẩm OCOP, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ của làng nghề đã được nhiều khách hàng trong nước và quốc tế biết đến...

Hiện nay, sản phẩm OCOP có giá trị ngày càng cao, tác động tích cực và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị văn hoá vùng miền. Đồ gỗ mỹ nghệ của Canh Nậu là biểu tượng điển hình cho việc tiêu thụ các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP ra thị trường toàn quốc, được đánh giá ngày càng cao vì mẫu mã đẹp, chất lượng hoàn thiện, có thần thái.

LÀNG NGHỀ LÂU ĐỜI CỦA HÀ NỘI

Làng nghề mộc Canh Nậu phát triển các sản phẩm đồ gỗ nội thất mỹ nghệ ra đời vào năm 1956, đến năm 2002 được UBND thành phố Hà Nội cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống. Đến nay, các sản phẩm của làng nghề hướng tới tầng lớp người tiêu dùng có thu nhập từ trung bình đến mức cao ,được các cá nhân, doanh nghiệp đến đặt trực tiếp với chủ xưởng.

Chất liệu chủ yếu là gụ, hương, sồi, tần bì,... làm thành đa dạng các mặt hàng nội thất gỗ như đồ thờ bằng gỗ, đồ gỗ nội thất gia đình, sập thờ, tủ thờ, đồ giả gỗ, sập gụ, tủ chè, bàn ghế gỗ phòng khách, án gian, cửa võng, tủ - kệ tivi, tủ quần áo, bàn ghế, khung tranh, giường ngủ, cầu thang gỗ... Sản phẩm là khuôn cửa cầu thang thường được sử dụng gỗ làm bằng lim Lào, lim Nam Phi, gỗ gõ. Còn làm tủ bếp, giường, bàn trang điểm, tủ áo thường làm bằng gỗ xoan đào, óc chó, sồi Nga, gỗ dâu, gỗ công nghệ MDF được chế tác theo kiểu gỗ mỹ nghệ truyền thống.

Một số xưởng mộc trong làng Canh Nậu đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại thay vì làm hoàn toàn thủ công từ công đoạn pha gỗ, tạo phôi đến chạm khắc hoàn thiện, phụ thuộc hoàn toàn vào sức lao động chân tay, để hỗ trợ sản xuất. Các sản phẩm thông dụng trong gia đình và văn phòng như giường, tủ, kệ, bàn ghế làm từ gỗ tự nhiên được những bàn tay khéo léo của những người thợ xuất thân từ vùng quê Canh Nậu chạm khắc tỉ mỉ với thiết kế mang nét đẹp, nét đặc trưng riêng.

Chất liệu chủ yếu là gụ, hương, sồi, tần bì,... làm thành đa dạng các mặt hàng nội thất gỗ.
Chất liệu chủ yếu là gụ, hương, sồi, tần bì,... làm thành đa dạng các mặt hàng nội thất gỗ.

Hầu hết người dân trong xã đều là những tay thợ lành nghề, sử dụng nghề mộc truyền thống trong phát triển kinh tế mang lại thu nhập cao. Hầu hết các xưởng nội thất ở Cạnh Nậu đều sẵn sàng nhận đặt hàng đóng theo mẫu riêng mà khách hàng yêu cầu, ngoài bán các mặt hàng có sẵn. Kinh tế thị trường thay đổi, các hộ kinh doanh trong làng cũng dần dịch chuyển sang sản xuất các đồ nội thất đa dạng, có tính đa dụng, bền vững với thiết kế độc đáo để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Hàng năm, nghề mộc của xã thu hút hàng ngàn lao động bởi mức thu nhập khá cao. Đối với lao động mới vào nghề, thu nhập thường dao động từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, còn những chủ cơ sở thì có thể lên đến 1 tỷ đồng/năm. Nhờ thu hút nhiều lao động, những “bàn tay nghệ nhân vàng” khéo léo thường được giải phóng khỏi các công việc nặng nhọc để tập trung vào những công đoạn hoàn thiện sản phẩm cần tới độ tinh xảo cao, tạo sự khác biệt.

Sản phẩm OCOP giúp cho nhiều hộ kinh doanh trong làng cải thiện nguồn thu nhập nhờ sản phẩm chất lượng, tạo ra sự lan toả mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế và phát huy tiềm năng, thế mạnh của ngành nghề nông thôn.

THÚC ĐẨY KINH TẾ ĐỊA PHƯƠNG

Anh Nguyễn Duy Mạnh (41 tuổi), chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Mạnh Hằng, cho hay trước đây anh chỉ làm nghề mộc như một nghề "tay trái", nghề chính vẫn là nông nghiệp. Nhưng từ khi những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của anh được nhiều người trong làng cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước đặt mua, anh chuyển sang làm hẳn nghề mộc. Từ đó, kinh tế gia đình anh ngày càng được cải thiện, giá bán cho mỗi sản phẩm cũng ngày càng cao. Thành tựu đạt được đó là nhờ sự lành nghề, sự cố gắng phát triển và không ngừng đổi mới để các sản phẩm làm ra đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng và đảm bảo chất lượng.

Hàng năm, nghề mộc của xã thu hút hàng ngàn lao động bởi mức thu nhập khá cao.
Hàng năm, nghề mộc của xã thu hút hàng ngàn lao động bởi mức thu nhập khá cao.

Cũng như anh Mạnh, anh Nguyễn Đức Mùi (44 tuổi), chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Mùi Lộc, là hộ kinh doanh có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, chủ yếu là các đồ thủ công như sập gụ, tủ chè, bàn ghế, tranh tứ quý… Ngoài ra cơ sở còn sản xuất và buôn bán nhiều loại đồ gỗ như giường, kệ, đồng hồ, án gian, sập thờ, tủ thờ, hoành phi, câu đối… Các sản phẩm chủ yếu phục vụ cho bà con các làng trong xã, huyện, một số tác phẩm chất lượng cao được bán cho các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành trong cả nước, chủ yếu là ở khu vực miền Bắc.

Tuy nhiên, các cơ sở cũng gặp một số khó khăn về tâm lý khách hàng. “Đa phần các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thường sẽ có giá cao hơn. Một số khách hàng biết về gỗ thì không sao, nhưng nếu gặp khách không hiểu biết về gỗ thì cơ sở sẽ phải giải thích và trình bày cho khách hàng về nguồn gốc và tư vấn cho khách hàng như nào hợp lý nhất với mức giá mà khách yêu cầu. Từ đó thuyết phục khách hàng mua sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng”, Chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Mùi Lộc chia sẻ.

Các sản phẩm OCOP của làng nghề đã thúc đẩy kinh tế từng hộ kinh doanh phát triển.
Các sản phẩm OCOP của làng nghề đã thúc đẩy kinh tế từng hộ kinh doanh phát triển.

Đặc biệt, sản phẩm độc đáo mới được phát triển trong khoảng hai thập kỷ gần đây tại làng nghề Canh Nậu là tranh gỗ. Theo anh Bùi Bá Trọng (nghệ nhân xã Canh Nậu), yếu tố tay nghề của nghệ nhân quyết định đến chất lượng của sản phẩm tranh gỗ. Sản phẩm phần lớn được đục, chạm khắc thủ công nên rất được ưa chuộng trong và ngoài nước. Những tác phẩm tiêu biểu của anh Trọng có thể kể đến là: tranh Đồng quê, tranh Vinh hoa phú quý, Vinh quy bái tổ, Mã đáo thành công, Thuận buồm xuôi gió…

Những thành tựu trong thời gian qua đều được giới thiệu tại hội chợ do UBND huyện Thạch Thất tổ chức nhằm quảng bá các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP. Nhờ đó, các sản phẩm OCOP của làng nghề mộc Canh Nậu dần tiến gần hơn với không chỉ người dân trong nước mà cả du khách quốc tế, vừa phục vụ những nhu cầu thiết thực của người dân, thúc đẩy kinh tế của từng hộ kinh doanh phát triển, vừa giúp du khách có những trải nghiệm phong phú, thú vị về nét văn hoá truyền thống đặc sắc nơi đây.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate